Nhà văn Ngô Thảo: Xây dựng đất nước giàu mạnh là mục tiêu hàng đầu

Nhà văn Ngô Thảo Thứ ba, ngày 17/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
"Đọc kỹ các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tôi quan tâm và xin được góp ý cụ thể về mấy chữ trong mục tiêu xây dựng đất nước: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".
Bình luận 0

LTS: Nhà văn Ngô Thảo sinh ra ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học và sân khấu. Ông có nhiều tác phẩm giá trị, mà nổi bật là 12 tập sách với những giải thưởng hàng đầu như giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông năm nay 80 tuổi và có 54 năm tuổi Đảng. Dân Việt xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những góp ý tâm huyết của ông về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tuy chỉ là mấy chữ hầu như đã quen thuộc, nhưng trong thực tế, nó đã làm phát sinh những hiện tượng xã hội đi chệch ngay từ đầu cơ sở Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là theo Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xây dựng đất nước giàu mạnh là mục tiêu hàng đầu - Ảnh 1.

Một góc TP.HCM phát triển, hiện đại. Ảnh: V.N.P

Để đi đúng quỹ đạo của Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đề nghị nên ghi: Mục tiêu là xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no - hạnh phúc, xã hội dân chủ, công bằng.

Sinh thời, trong nhiều văn kiện, phát biểu, đến trong văn bản cuối cùng là trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nói rõ: Xây dựng đất nước giàu mạnh. Thế nhưng đã mấy kỳ đại hội, văn kiện lại thay bằng cụm từ dân giàu nước mạnh. Chữ không thay nhiều, nhưng nghĩa đã rất khác nhau. 

Chủ nghĩa Marx - Lenin không đề cao sở hữu cá nhân. Hướng tới dân giàu, nghĩa là công nhận sở hữu cá nhân như là mục tiêu của xã hội tương lai, là đi ngược hoàn toàn tư tưởng của chủ nghĩa mà Đàng lấy làm nền tảng. Trong thực tế, ngay cả ở những nước đã phát triển, thì có thể bình quân thu nhập đầu người cao, nhưng không có nghĩa, tất cả mọi người dân đều sở hữu được một cơ số tài sản để được gọi là giàu. 

Vả lại, trong mọi hình thái xã hội phát triển, người ta không chống mọi người làm giàu chính đáng, nhưng không thể, và không phải người dân nào cũng cần giàu. Hầu hết người lao động, cả chân tay và trí óc đều chỉ mong muốn có một cuộc sống no ấm,có công ăn việc làm, và đủ điều kiện làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ có: Ham muốn tột bậc là nước được độc lập, dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo măc, ai cũng được học hành.

Hơn nữa, khi đề cao mục tiêu dân giàu là nhấn mạnh tiêu chí về cuộc sống vật chất, mà xem nhẹ cuộc sống tinh thần. Vật chất nhiều đến đâu cũng chỉ là phương tiện, điều kiện, không thể là mục đích sống của mọi người. Điều này cũng không phù hợp tâm lý của một bộ phận lớn người dân.

Nhà văn Ngô Thảo: Xây dựng đất nước giàu mạnh là mục tiêu hàng đầu - Ảnh 3.

Nhà văn Ngô Thảo. Ảnh: Công an nhân dân

Dân giàu, nước mạnh cũng là một cách đặt quan hệ chưa chuẩn xác. Vì dân giàu, mà rất có thể nước không mạnh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đất nước giàu mạnh đi đôi với nhân dân hạnh phúc là rất có lý. Một đất nước còn nghèo, sống và xây dựng còn phải vay nợ với mức lớn thì không thể nói là mạnh được. 

Trên thế giới, những nước giàu mới có thể đầu tư, viện trợ, thậm chí mua chuộc các nước nghèo, từ người dân đến cả Chính phủ. Điều đó ngày nay, ai cũng thấy. Mang món nợ lớn với một nước nào, không thể không phụ thuộc ở những mức độ khác nhau vào đường lối, chính sách quốc gia đó. Nước mạnh mới có thể có độc lập, tự chủ hoàn toàn.

Mang món nợ lớn với một nước nào, không thể không phụ thuộc ở những mức độ khác nhau vào đường lối, chính sách quốc gia đó. Nước mạnh mới có thể có độc lập, tự chủ hoàn toàn.

Các quốc gia giàu có mới có điều kiện chăm lo đời sống người dân về nhiều mặt: Xây dựng hạ tầng cơ sở, kiến tạo môi trường sống ngày càng tốt, chăm sóc người dân về y tế, giáo dục không mất tiền. 

Những lúc người dân và đất nước gặp những hoạn nạn lớn như dịch bệnh, thiên tai, bão lụt như vừa qua, Nhà nước cần có những nguồn dự trữ lớn để giúp người dân và xây dựng lại những cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Ngay trong những ngày bão lụt đang diễn ra, gây nhiều thiệt hại lớn, Bộ GDĐT đưa ra đề nghị tăng học phí cho mọi cấp học là một dẫn chứng cơ quan nhà nước mất lòng dân...

Có một thực tế cũng cần nhìn thấu, đó là hiện nay, những tập đoàn kinh tế Nhà nước, phần sinh lời không chắc đủ bù cho những tập đoàn sinh hại và đình trệ. Các tập đoàn tư nhân , thì càng giàu lại càng là những con nợ lớn của ngân hàng cả trong và ngoài nước...

Như số liệu về kinh tế vừa được nêu tại Quốc hội, đến nay, 45 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước mới có 16/ 65 đơn vị hành chính tỉnh thành thu đủ chi. Nghĩa là các tỉnh còn lại, dù bộ mặt trụ sở cơ quan công quyền, sân bay, hải cảng, đường sá, hạ tầng hoành tráng, cơ ngơi cán bộ to đẹp..., nhưng chủ yếu không nhờ nguồn lực nội sinh, phải bấu víu vào ngân sách nhà nước. Mà nợ nước ngoài của Nhà nước, không tính các tập đoàn và công ty liên doanh, và hoàn toàn vốn nước ngoài, hiện cũng không hề nhỏ.

Như thế, để thấy, xây dựng đất nước giàu mạnh phải là mục tiêu hàng đầu và cần thiết.

Để đi đúng quỹ đạo của Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đề nghị nên ghi: Mục tiêu là xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no - hạnh phúc, xã hội dân chủ, công bằng. 

Chữ "văn minh" vừa khó xác định nội dung, vừa không cần thiết, khi cả thế giới đã vào thời đại văn minh. Viết như thế là từ tâm lý mặc cảm của thời nước ta còn lạc hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem