Nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang thành thạo công việc chưa bằng 1/3 so với Hàn Quốc

Khương Lực Thứ ba, ngày 16/04/2024 16:19 PM (GMT+7)
Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đánh giá, nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam thiếu kinh nghiệm so với Trung Quốc và Hàn Quốc, mức độ thành thạo công việc chưa bằng 1/3 nếu so với Hàn Quốc.
Bình luận 0

Ngày 16/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo thực trạng, giải pháp nguồn lao động ngành công nghiệp bán dẫn.  

Nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang thành thạo công việc chưa bằng 1/3 so với Hàn Quốc- Ảnh 1.

Ngày 16/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo thực trạng, giải pháp nguồn lao động ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: K.Lực

Nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang thành thạo công việc chưa bằng 1/3 so với Hàn Quốc- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu khai mạc hội thảo thực trạng, giải pháp nguồn lao động ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: V.G

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, để kiểm tra sức mạnh của chip bán dẫn và công nghệ AI, ông đã thử nhờ ChatGPT viết bài phát biểu khai mạc hội nghị. Kết quả thật bất ngờ, trong 41 giây Chat GPT đã hoàn thành bài phát biểu và ông đã đọc bài phát biểu này để nói về sức mạnh của AI, chip bán dẫn.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp về sản xuất chất bán dẫn gồm: Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn Hàn Quốc, đăng ký 643 triệu USD), Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (vốn Hàn Quốc, đăng ký 299 triệu USD), Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam (vốn Pháp, đăng ký 21,2 triệu USD).

"Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 lao động" - ông Ngọc nói và cho biết do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan tới bán dẫn.

Theo ông Ngọc, lao động ngành bán dẫn ở Bắc Giang chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên phải đào tạo từ đầu, sau thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm thì lao động mới thành thạo công việc và có thể làm việc độc lập, chủ động trong công việc. Đối với lao động phổ thông, thời gian đào tạo khoảng 1 tháng, sau đó người lao động vào làm việc vẫn phải được đào tạo và theo dõi thêm trong quá trình làm việc.

Về phía doanh nghiệp, ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, đến tháng 4/2024, công ty có trên 1.600 nhân sự, mỗi tháng sản xuất ra khoảng 100 triệu con chip.

Theo ông Chung Won Seok, trong năm 2024, tổng số lao động của công ty vào khoảng 1.900 người để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Việc sản xuất sản phẩm chíp bán dẫn trải qua 65 công đoạn và tất cả thực hiện qua hệ thống IT. Do đó, IT có vai trò quan trọng, đầu não của công ty để đảm bảo không có lỗi trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh tiêu chuẩn hiện tại giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo ông Chung Won Soek, xét theo tiêu chuẩn thành thạo công việc (Wire Bond), lao động Việt Nam ở vị trí 18 lần thì lao động Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 40 và 60 lần. Về năng lực xử lý thiết bị khi có sự cố thì Việt Nam so với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 30 - 70 - 90 điểm.

Ngành công nghiệp bán dẫn đem lại hàng nghìn tỷ USD doanh thu

PGS.TS.Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn đánh giá của Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan, thị trường bán dẫn toàn cầu có giá trị 551 tỷ USD năm 2023. Còn theo nhận định của công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin Gartner, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ có quy mô 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

Với mục tiêu 50.000 nhân lực ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn đến 2030, PGS.TS.Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, các trường đại học lớn trên cả nước cần hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực.

"Với thực tế hiện nay, nguồn nhân lực về bán dẫn của Bắc Giang cần được đào tạo, phát triển để nâng cao số lượng, chất lượng thông qua kết nối các trường đại học, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội. Người học có thể nâng cao năng lực thông qua các khóa học ngắn hạn đào tạo theo nhu cầu công việc hay nghề nghiệp" - PGS.TS.Trương Việt Anh nói.

Nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang thành thạo công việc chưa bằng 1/3 so với Hàn Quốc- Ảnh 4.

Các bên tham gia ký kết thoả thuận hợp tác. Ảnh: V.G

Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thông tin, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc - các nước có ngành công nghiệp bán dẫn, cần nhiều nhân lực - là cơ hội để chúng ta phát triển nguồn lao động, kỹ sư chất lượng cao. 

Theo nhận định của ông Hoài, chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn ở Việt Nam hiện nay chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế do ngành bán dẫn mới, tăng cường phối hợp các bên. Do đó việc hợp tác quốc tế, chuẩn hóa quy trình đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư máy móc, cơ sở vật chất, thu hút nguồn lực từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), thành lập trung tâm bán dẫn tại địa phương rất quan trọng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo giữa một số trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem