Lật tẩy "vòng kim cô" khiến cả phụ nữ, đàn ông ngột ngạt

Diệu Linh Thứ hai, ngày 08/03/2021 08:14 AM (GMT+7)
Đó là những định kiến giới ép buộc phụ nữ và đàn ông phải hành xử theo cách mà xã hội "cho là đúng".
Bình luận 0

Chia sẻ về khảo sát về khuôn mẫu giới trên mạng xã hội vừa hoàn thành, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết, trong xã hội Việt Nam, có nhiều khuôn mẫu giới được hình thành và ép đàn ông và phụ nữ phải suy nghĩ, hành động theo nó. 

Rất nhiều khuôn mẫu giới đã khoét sâu sự bất bình đẳng giới, khiến không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông đều ngột ngạt. 

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lật tẩy "vòng kim cô" khiến cả phụ nữ và đàn ông đều ngột ngạt  - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương

Đàn ông đang bất bình

"Chúng tôi đã khảo sát hàng nghìn người trên 4 mạng xã hội lớn và nhận thấy, hai giới liên tục “gây hiềm khích” và đổ lỗi cho nhau rằng giới kia chính là thủ phạm gây ra bất bình đẳng. Lý do mà chúng tôi chọn khảo sát "ẩn danh" trên mạng xã hội là vì nếu ngoài đời thực, sẽ ít đàn ông nào dám công khai đả phá bình đẳng giới. Còn ở các không gian mạng xã hội có thể ẩn danh, nhiều người cất lên tiếng nói bức xúc của mình. 

Rất nhiều anh em đã bày tỏ sự bức bối: “Lúc đi ăn đi chơi thì đòi nữ quyền, đàn ông phải trả tiền, phải gánh, phải mời. Lúc làm việc thì đòi bình đẳng, lương phải cao, việc nặng thì đẩy cho đàn ông làm. (…) Các chị khôn lắm đấy”. 

"Phụ nữ họ thống trị rồi còn đòi bình đẳng gì nữa. Đả đảo, đả đảo (thì thào, thì thào)". 

“Bình đẳng giới là cho phụ nữ nông thôn thôi. Phụ nữ ở thành phố không phải đang đấu tranh cho bình đẳng mà đấu tranh cho thượng đẳng đấy chứ” . 

“Toàn thấy đòi bình đẳng giới ở mấy cái nghề chính trị, show biz, văn phòng chứ có ai thấy đòi bình đẳng giới ở mấy cái nghề lao động chân tay, xây dựng hay mấy việc nặng không? Các chị cũng khôn lắm". 

Các chị cũng đổ lỗi cho đàn ông rất nhiều vì thiếu mạnh mẽ, không đảm đương vai trò trụ cột, không ga lăng, gia trưởng, vô tâm, lười làm việc nhà... 

Sự đòi hỏi mang tính khuôn mẫu giới của cả hai phía đều khiến mọi người bực bội, mệt mỏi", PGS Phương chia sẻ. 

PGS Phương chỉ ra, khuôn mẫu giới ở Việt Nam được coi là "thiên chức" và số phận, do đó được mặc nhiên chấp nhận. Theo đó, phụ nữ phải sinh con, nuôi con nên bị gắn cho vị trí chăm sóc và nhận giúp đỡ, yếu đuối, chậm chạp. Nam giới mạnh mẽ, quyết đoán, phù hợp vị trí trụ cột, định hướng.  

"Niềm tin có tính văn hoá này khiến cả đàn ông và đàn bà đều chấp nhận những khuôn mẫu giới này một cách mặc định, không phản kháng và cố gắng để hoàn thành "thiên chức" cũng như trách nhiệm gắn với thiên chức đó của mình", PGS Phương cho biết. 

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lật tẩy "vòng kim cô" khiến cả phụ nữ và đàn ông đều ngột ngạt  - Ảnh 3.

Trong gia đình, khuôn mẫu giới càng nặng nề

Ngoài ra, khuôn mẫu giới ở Việt Nam bị chi phối bởi lăng kính gia đình. 

Ở Việt Nam, khuôn mẫu giới được "đúc" sẵn để đảm bảo để duy trì đời sống gia đình (nam là trụ cột gia đình, nữ chăm sóc và nội trợ). Sự thành công của đàn ông được đo lường bằng sự thăng tiến và thu nhập, còn sự thành công của phụ nữ là con cái khoẻ mạnh và chồng thành đạt. 

Nam chọn công việc dù không phù hợp nhưng có lương cao để gánh vác vai trò trụ cột, nữ chọn công việc có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Những đặc tính giới này trong công việc được nhập tâm bởi cả các nhà tuyển dụng và của cả những người đi xin việc, khiến cho cơ hội việc làm của cả nam và nữ bị giới hạn. 

Xã hội hiện đại, bất bình đẳng càng đè lên cả đàn ông lẫn phụ nữ

Những tưởng rằng khi xã hội phát triển, phụ nữ được giải phóng hơn, bất bình đẳng ít hơn. Tuy nhiên, PGS Phương chỉ ra rằng các khuôn mẫu giới truyền thống được củng cố và làm trầm trọng hơn bởi kinh tế thị trường. 

"Nền kinh tế thị trường cạnh tranh đi cùng với những giá trị mới. Vì sự nghiệp và thành đạt được "đo" bằng tài sản, tiền tệ nên vai trò trụ cột gia đình của đàn ông nặng nề hơn. Không ít đàn ông than thở bị vợ coi thường khi thu nhập thấp hay các thanh niên trẻ kêu bị người yêu bỏ vì lương có 5 triệu... 

Còn phụ nữ càng có nhiều gánh nặng hơn khi không được hỗ trợ về chăm sóc con cái (không sống cùng bố mẹ). Ngoài ra, phụ nữ vẫn phải đáp ứng đòi hỏi xã hội về sự thành đạt "giỏi việc nước, đảm việc nhà", bà Phương phân tích. 

Theo PGS Phương, hiện nay, mặc dù đã xuất hiện xu hướng gỡ bỏ các khuôn mẫu trong giới trẻ, nhưng phần đông cả hai giới đều nhập tâm trách nhiệm của mình nên khi người đàn ông và đàn bà không đáp ứng được vai trò truyền thống được trông đợi. 

Đó là khi phụ nữ hoặc không hoàn thành trách nhiệm chăm sóc gia đình hoặc quá thành đạt ngoài xã hội, đàn ông hoặc không kiếm được nhiều tiền để làm trụ cột kinh tế hoặc quá tham gia vào các công việc nhà) thì đều bị dằn vặt, hoặc phải trả giá (ly hôn), hay bị các "trừng phạt xã hội" (châm biếm, mỉa mai…). 

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lật tẩy "vòng kim cô" khiến cả phụ nữ và đàn ông đều ngột ngạt  - Ảnh 4.

"Khuôn mẫu giới đề cao vai trò trụ cột của đàn ông đã khiến người đàn ông phải gồng mình để mang chiếc mặt nạ nam tính ngoài xã hội, nhưng ở không gian mạng xã hội ẩn danh, những áp lực chất chứa của người đàn ông được thể hiện cực đoan một cách bất ngờ.

Thái độ phản đối bình đẳng giới của nam giới, coi đó là sự bất công với đàn ông, phản ánh nhiều vấn đề của áp lực xã hội hiện nay đối với đàn ông vẫn còn chưa được khám phá. Việc "tháo khuôn", cởi bỏ những khuôn mẫu giới đang đè nặng lên thực hành làm đàn ông và làm đàn bà là cần thiết, vì một xã hội Việt Nam bình đẳng. 

Theo đó, bà Phương cho rằng, các vận động xã hội và chính sách phải nhắm đến thủ phạm của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới chứ không phải do đàn ông hay đàn bà gây ra. 

Nếu các thảo luận xã hội, thậm chí các giải pháp chỉ tập trung vào phụ nữ có thể dẫn đến việc ngầm định nam giới là thủ phạm hoặc nam giới bị bỏ rơi trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới. 

Chính vì vậy, các chiến dịch vận động xã hội và chính sách nên tập trung chỉ ra cả nam và nữ đang là nạn nhân của các khuôn mẫu giới. Khi có "đích ngắm" chung (là khuôn mẫu giới) thì việc có cả nam giới và phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề chung sẽ khả thi và hiệu quả hơn. 

Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPGW), Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE, nhận xét thúc đẩy bình đẳng giới không nên là khuyến khích phụ nữ phấn đấu theo những tiêu chuẩn thành công của nam giới, cũng như không nhất thiết khuyến khích phụ nữ làm những công việc như nam giới. Vì điều này chỉ làm tăng gánh nặng của phụ nữ trong bối cảnh những nền tảng có tính cấu trúc của xã hội chưa dễ thay đổi.

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, các cá nhân nên coi trọng chất lượng của các mối quan hệ trong gia đình dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng, tự do lựa chọn hơn là tuân thủ các khuôn mẫu giới. Các cá nhân nên ủng hộ hoặc ngăn cản quyết định của thành viên trong gia đình dựa trên các giá trị của sự tự do, bình đẳng hơn là tuân thủ khuôn mẫu giới áp lên họ.

“Khi sinh hoạt trong gia đình, xã hội, nhiều người không nhận ra đang bị áp đặt bởi các khuôn mẫu giới vô hình mà chỉ cảm thấy bất công, thất vọng. Mọi người hãy tìm ra những khuôn mẫu đang đè nặng lên vai để tháo gỡ hoặc cẩn trọng hơn khi giao tiếp với mọi người xung quanh, khi truyền thông và thúc đẩy bình đẳng giới” – ông Bình chia sẻ. 

Dựa trên việc khám phá chiều sâu lịch sử của vấn đề vai trò giới ở Việt Nam và làm lộ ra những tiếng nói "thì thào" trên các không gian mạng xã hội ẩn danh, nghiên cứu của Tổ chức ECUE, với sự hỗ trợ của Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Úc Khuôn mẫu giới và vấn đề việc làm: Một nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam đương đại qua các thảo luận trên báo chí và mạng xã hội (do nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình và Nguyễn Minh Huyền tiến hành và hoàn thành tháng 1 năm 2021) đã chỉ ra nguyên nhân không phải từ giới nam hay giới nữ, mà gốc rễ của bất bình đẳng là sự trói buộc của các khuôn mẫu giới trong xã hội Việt Nam truyền thống và đương đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem