Nhân viên làm lộ sao kê tài khoản danh hài Hoài Linh: Các luật sư nói gì?

28/05/2021 08:44 GMT+7
Việc MB đình chỉ công việc với cá nhân làm lộ sao kê tài khoản nghi của nghệ sỹ Hoài Linh và gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra, theo luật sư Trương Thanh Đức, không điều tra về hành vi lộ bí mật khách hàng.

Như Dân Việt đã thông tin, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – mã: MBB) cho biết, đã kiểm tra và xác minh sự việc sao kê tài khoản của nghệ sỹ Hoài Linh đăng lên mạng xã hội được cho là do "Nhân viên của ngân hàng đăng tải". Qua kiểm tra, MB đã phát hiện một cá nhân làm việc tại ngân hàng để lộ lọt thông tin của khách hàng.

Hiện, MB đã đình chỉ công việc đối với cá nhân vi phạm và sẽ tổ chức thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất. Đồng thời ngân hàng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.

Nhân viên MB “mất việc” vì tiết lộ sao kê tài khoản nghi của nghệ sỹ Hoài Linh, phạt thế nào? - Ảnh 1.

MB đã đình chỉ công việc đối với cá nhân tiết lộ thông tin sao kê tài khoản Hoài Linh

Nhân viên MB tiết lộ thông tin: Xử phạt hành chính từ 30-40 triệu đồng

Dưới góc độ pháp lý, vấn đề bảo mật thông tin của ngân hàng hiện nay đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm quy định cung cấp thông tin khách hàng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của ngân hàng.

Box: Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định Bảo mật thông tin như sau:

1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định trong luật, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong trường hợp khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép. Hai là, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế,...).

Ba là, cung cấp thông tin trong trường hợp phục vụ cho hoạt động nội bộ.

Ngoài 3 trường hợp kể trên, việc cung cấp thông tin khách hàng sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Điều 47 "Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin", Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ.

Theo đó, hành vi của cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định (như trường hợp của nhân viên MB làm lộ thông tin tài khoản của nghệ sỹ Hoài Linh) thì có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này.

Bên cạnh đó, khách hàng bị lộ thông tin có quyền đề nghị cơ quan chức năng xử lý cá nhân gây lộ lọt thông tin, thậm chí là kiện ngân hàng, đòi bồi thường vì để xảy ra sự việc nêu trên.

Riêng đối với nhân viên ngân hàng tiết lộ thông tin khách hàng sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng (theo quy định của bộ luật lao động) có thể bồi thường thiệt hại nếu có.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, có thụ lý hay không là chuyện khác?

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhấn mạnh thêm, việc phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác cũng là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm hành vi sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.

Theo đó, người nào có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

"Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt cao nhất đối với tội phạm này có thể lên đến 7 năm tù", luật sư Cường chia sẻ.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, cho ý kiến về việc MB chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, "Ngân hàng cứ chuyển, còn có thụ lý hay không là chuyện khác?". 

Theo vị luật sư này, chưa rõ MB chuyển hồ sơ đề nghị điều tra xử lý về hành vi gì, nhưng cơ quan điều tra không điều tra về hành vi làm lộ bí mật khi không nằm trong danh mục 31 thông tin mật Nhà nước của ngành Ngân hàng. 

N.Minh
Tags:
Cùng chuyên mục