Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 - Kỳ 2: Trầm cảm vì chịu đựng quá nhiều đau đớn

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 24/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Không chỉ gồng gánh khối lượng công việc bằng 200-300% sức lực mà trong đại dịch Covid-19, nhân viên y tế còn căng thẳng, trầm cảm khi đối mặt với việc bệnh nhân tử vong liên tục, xa nhà dài ngày, nhớ thương người thân..
Bình luận 0

Trĩu nặng nỗi đau khi bệnh nhân tử vong vì Covid-19 liên tục

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Khoa Gây mê Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức) khi vào "tiếp sức" cho các đồng nghiệp tại TP.HCM giữa lúc dịch Covid-19 căng thẳng nhất hồi tháng 9, tháng 10.

Chị đã gặp rất nhiều cú sốc khi chứng kiến nhiều bệnh nhân của mình không qua khỏi. Trong Bệnh viện dã chiến thời tiết rất nóng, không có điều hòa mà chỉ có quạt thông gió để đảm bảo thông gió, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Các chị phải liên tục phải mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang nên khả năng hoạt động khó khăn hơn, khả năng chịu đựng cũng giảm sút trong điều kiện làm việc như vậy.

Nhân viên Y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Trầm cảm vì chịu đựng quá nhiều đau đớn  - Ảnh 1.

Có những đêm trực, chị Hạnh phải cho hỗ trợ 2 ca ép tim liên tục, Công việc vô cùng áp lực, căng thẳng. (Một ca ép tim trong ca trực tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM do Bệnh viện Việt Đức phụ trách. Ảnh BYT)

Không chỉ vậy, bệnh nhân nặng rất đông, chuyển biến xấu nhanh, nhân lực hạn chế nên các chị quay như chong chóng, vòng hết bệnh nhân này qua bệnh nhân khác để chăm sóc, cấp cứu.

Chị tâm sự, có nhiều buổi trực chị đã rất buồn vì dù mình đã nỗ lực hết sức mà bệnh nhân không qua khỏi. Nhiều ngày đối mặt với mất mát như thế, không chỉ bác sĩ mà kể cả điều dưỡng, nhân viên chăm sóc... đều rất xúc động, buồn bã. Mọi người sa sút khi thấy mình đã bỏ rất nhiều trí lực để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mà không chiến thắng được Tử thần.

Dù khoảnh khắc đã qua  như khi nhắc lại, chị Hạnh vẫn rơm rớm nước mắt. Đến giờ chị vẫn ám ảnh về những giây phút chứng kiến hoặc nghe tin bệnh nhân mà mình đang theo dõi không qua được.

"Làm việc trong điều kiện căng thẳng cả về thể xác lẫn tinh thần, nhiều nữ nhân viên y tế đã ngất xỉu, kiệt sức. Ngoài sức lực không bằng nam giới, các nữ nhân viên y tế cũng bị ảnh hưởng cảm xúc hơn.

Nhân viên Y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Trầm cảm vì chịu đựng quá nhiều đau đớn  - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Thị Lan (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở Đồng Nai) khi đang tham gia điều trị bệnh nhân ngay tại Bệnh viện từng xa con gái 3 tuổi suốt 2 tháng, tâm sự: "Tôi chỉ muốn dịch qua nhanh để về ôm con vào lòng". Ảnh BYT

Họ phải đối mặt với khủng hoảng khi mất nhiều bệnh nhân, cố hết sức mà không cứu được họ. Hơn nữa, chị em hầu hết đang có con nhỏ, xa nhà, xa con cái nên nỗi nhớ thương, lo lắng cho gia đình càng nhiều hơn", chị Hạnh dừng lại nghẹn lời.

Lúc khóc, lúc cười sau khi đi chống dịch Covid-19 trở về

Có cán bộ y tế, sau khi vào TP.HCM công tác vào giữa đại dịch Covid-19, chứng kiến quá nhiều bệnh nhân tử vong, nhìn đồng nghiệp vất vả, kiệt sức, trở về nhà chị liên tục khủng hoảng, lúc khóc, lúc cười.

Chị cũng không dám kể với chồng con về những việc ám ảnh mà chị đã trải qua, chỉ dám giữ chặt trong lòng.

Một nhân viên y tế tham gia hỗ trợ tư vấn qua điện thoại cũng chia sẻ những căng thẳng mà chị phải chịu đựng: "Ngày hôm trước gọi điện bệnh nhân còn khỏe, cười đùa động viên nhau, ngày hôm sau điện thoại chỉ còn "báo tắt", sau khi tìm hiểu qua đồng nghiệp thì biết bệnh nhân đã tử vong.

Nhân viên Y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Trầm cảm vì chịu đựng quá nhiều đau đớn  - Ảnh 3.

Dù là y bác sĩ dày dạn, sắt đá nhất cũng bị "ngợp" trước hàng trăm bệnh nhân nặng, phải thở máy, hồi sức tích cực cùng một lúc như thế này (Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Việt Đức phụ trách tại TP.HCM hồi tháng 9-11. Ảnh BVCC)

Nhân viên y tế stress, stress vô cùng

"Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nhân viên y tế.

"Có thể nhận thấy, nhân viên y tế đang làm việc nhiều hơn, nghỉ ít hơn, stress nhiều hơn, chăm sóc cho gia đình ít hơn, thu nhập giảm, ít được đi đào tạo để trau dồi kiến thức, đồng thời họ cũng thiếu thốn về tình cảm khi ít được chia sẻ với người thân trong gia đình.

Thời gian qua, nhân viên y tế cũng chịu sự kỳ thị nặng nề của cộng đồng. Nhiều người cho biết, khi hàng xóm biết họ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thường né tránh khiến nhân viên y tế không dám đi cùng cầu thang..

Ngay cả truyền thông liên tục tung hô nhân viên y tế chống dịch Covid-19 như những người hùng cũng tạo thêm áp lực cho chúng tôi.

Có những thời kỳ, các cơ sở y tế đều "4 tại chỗ" nên nhân viên y tế chống dịch vài ba tháng thậm chí nửa năm không được về với gia đình... Chúng tôi stress, stress vô cùng".

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực (Đại học Y Hà Nội), đang tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19.

 Lại có khi tư vấn cho người nhà F0, hôm sau gọi lại đã nghe bệnh nhân không qua được, còn người nhà vừa khóc vừa chửi mắng mình vô trách nhiệm, không lương tâm... 

Mình vừa đau đớn, vừa tủi thân, về nhà bỏ ăn, ám ảnh cả đêm... Mình mới nghe điện thoại đã vậy, những đồng nghiệp giữa tâm dịch sao chịu được?".

Cũng vào chống dịch Covid-19 ở TP.HCM giữa những ngày tháng cam go nhất, bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) tâm sự: "Làm trong môi trường ngột ngạt, nóng bức, xa gia đình, ăn uống không hợp khẩu vị, công việc vô cùng vất vả, thường xuyên đối mặt với các cái chết thực sự khiến các nhân viên y tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Mỗi ngày, công việc lặp đi lặp lại như vậy khiến mỗi người đều trở nên căng thẳng. Để tiết kiệm đồ bảo hộ, mọi người đều cố gắng làm việc xuyên ca không ăn, không uống. 

Bởi chỉ cần tháo chiếc khẩu trang ra uống 1 hớp nước đã phí mất cả bộ bảo hộ lẫn chiếc khẩu trang giá vài trăm nghìn đồng.

Nhưng những điều đó đâu có đáng gì với những cảm xúc mà họ chịu đựng, khi họ liên tiếp đối mặt với những nỗi ám ảnh về cái chết, mà với người bình thường cả đời chỉ gặp có một đôi lần.

Sợ nhất là khi phải gọi điện thông báo cho người nhà của bệnh nhân rằng cha, mẹ, con, anh em... của họ đã không qua được. Nghề và nghiệp của người thầy thuốc là đem lại sự hi vọng. Bỗng nhiên lúc này tiếng nói của họ được đổi thành kẻ mang đến sự bi thương và tuyệt vọng.

15 năm qua, tôi làm hồi sức cấp cứu, ngày ngày đối mặt với nhiều cái chết. Nhưng tôi cũng không thể tưởng tượng được có ngày phải đối mặt với sự khắc nghiệt trong nghề nghiệp đến như vậy và chứng kiến nỗi đau chạm đến phần sâu nhất trong mỗi con người như thế".

Nhân viên Y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Trầm cảm vì chịu đựng quá nhiều đau đớn  - Ảnh 5.

Không gì cùng cực hơn khi mệt nhoài nhưng chỉ dám ngồi xuống đất nghỉ tạm rồi lại tiếp tục lao vào công việc (Nhân viên y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BVCC)

70% nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19 bị lo lắng, trầm cảm

Mới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế đã công bố nghiên cứu về "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19". Nghiên cứu khảo sát hơn 2.500 y bác sĩ trên cả nước tại nhiều tỉnh thành phố.

PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, "Đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế.

Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ."

Kỳ III: Lao lực nhưng lương không đủ sống


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem