Nhiệt điện Phả Lại bị đình chỉ hoạt động 12 tháng: Lợi nhuận “mỏng như lá lúa”, cổ phiếu vào diện cảnh báo

Ong Lý Thứ sáu, ngày 28/07/2023 09:47 AM (GMT+7)
Dù vốn góp chủ sở hữu của Nhiệt điện Phả Lại luôn duy trì ở mức trên 3.200 tỷ đồng kể từ năm 2016 cho đến nay, thế nhưng lợi nhuận trong 2 năm trở lại đây "co" lại đáng kể. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế so với vốn chủ sở hữu chỉ còn ở mức 4 - 9%.
Bình luận 0

Tối 27/7, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) đã phát đi thông cáo báo chí liên quan vụ việc doanh nghiệp này vừa bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường Bộ Công an xử phạt gần 4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động trong 12 tháng do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

CTCP nhiệt điện Phả Lại cho biết, thời gian vừa qua, PPC đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường theo quy định trong quá trình vận hành nhà máy. Mặc dù vậy, qua kiểm tra công ty vẫn còn một số tồn tại, hạn chế với một số thông số môi trường chưa hoàn toàn đảm bảo đáp ứng yêu cầu ở một số thời điểm.

Trên tinh thần nghiêm túc khắc phục các tồn tại đã được Cục Cảnh sát môi trường nêu, Công ty đang khẩn cấp lập phương án xử lý để triển khai ngay biện pháp khắc phục; đồng thời nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết bị để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ báo cáo kết quả triển khai tới Cục Cảnh sát Môi trường và Bộ Tài nguyên Môi trường.

Với tình hình cung cấp điện ở miền Bắc đang có nhiều khó khăn, Công ty sẽ khẩn trương, nghiêm túc triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường để sớm đưa các tổ máy vào vận hành trở lại trong thời gian sớm nhất để phục vụ cung cấp điện cho miền Bắc.

Nhiệt điện Phả Lại (PPC): Vốn góp cao ngất ngưởng, lợi nhuận "mỏng như lá lúa"

Trong quý II/2023, PPC ghi nhận doanh thu quý II/2023 của Nhiệt điện Phả Lại tăng 9%, lên 1.404,4 tỷ đồng, giá vốn tăng mạnh hơn (10%) nên lợi nhuận gộp kỳ này giảm 7%, còn 103,7 tỷ đồng.

Lãi sau thuế kỳ này của PPC tăng tới 146% lên 167,4 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đáng bàn là, kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu tài chính gấp 15 lần cùng kỳ, đạt gần 104 tỷ đồng, do khoản cổ tức nhận được từ các đơn vị góp vốn với số tiền 99,8 tỷ đồng mà cùng kỳ không có khoản này.

Nhiệt điện Phả Lại làm ăn ra sao trước khi bị phạt gần 4 tỷ, đình chỉ hoạt động 12 tháng? - Ảnh 1.

Tình hình kinh doanh của Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

Cũng chính nhờ lợi nhuận đột biến từ cổ tức được chia nên lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023, PPC đạt 207,3 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Dù kỳ này ghi nhận tăng trưởng tích cực, nhưng đáng chú ý, kết quả năm 2022 của PPC sụt giảm khá mạnh so với giai đoạn 2017-2020. Từ lãi 854 tỷ đồng năm 2017 liên tục tăng lên 1.122,4 tỷ (2018), 1.261 tỷ (năm 2019), 1.011 tỷ đồng (năm 2020). Tuy nhiên năm 2021, lợi nhuận PPC giảm không phanh xuống 216,2 tỷ đồng. Đến năm 2022 phục hồi lại với 497,2 tỷ đồng nhưng cũng chưa bằng một nửa so với năm các năm 2018-2020.

Không chỉ lợi nhuận giảm, tài sản của PPC cũng liên tục giảm mạnh. Cụ thể, giai đoạn 2020-2022 tài sản lần lượt đạt 7.233,7 tỷ đồng, 5.448,6 tỷ đồng và 5.165 tỷ đồng.

Tổng tài sản của PPC cuối tháng 6/2023 đạt 5.835,4 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản chủ yếu là đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 2.499,9 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng tài sản; trong đó đầu tư vào công ty liên kết là 1.451 tỷ đồng; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 1.084 tỷ đồng.

Nhiệt điện Phả Lại làm ăn ra sao trước khi bị phạt gần 4 tỷ, đình chỉ hoạt động 12 tháng? - Ảnh 2.

Tổng tài sản của Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.541,9 tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 719,3 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 695,6 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng tài sản.

Tổng nợ phải trả là 522,1 tỷ đồng, giảm 15% so với số đầu năm là 614,3 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận nợ vay tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn. Dữ liệu cho thấy, PPC đã không sử dụng đòn bẩy tài chính kể từ năm 2020.

Vốn góp chủ sở hữu của Nhiệt điện Phả Lại tại thời điểm tháng 6/2023 đạt 3.206 tỷ đồng - chỉ số này không biến động từ 2016 cho đến nay. Theo đó, thời điểm cuối năm 2022, tỷ suất lợi nhuận sau thuế so với vốn chủ sở hữu (ROE) của Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận mức 0,09 (tương đương 9%). Cuối năm 2021, chỉ số trên ở mức 0,04 lần (tương đương 4%). Điều này cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp không khả quan trong một vài năm trở lại đây khi mức vốn góp của cổ đông ở mức khá cao nhưng lợi nhuận mang về "mỏng như lá lúa".

Cuối năm 2022, cơ cấu cổ đông của PPC bao gồm Tổng công ty Phát điện 2 nắm giữ 51,9%, Công ty TNHH Năng lượng REE (Công ty con của CTCP Cơ Điện Lạnh - REE) góp 24,14% và cổ đông khác góp 23,96% còn lại.

Cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại bị đưa vào diện cảnh báo do có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán

Đáng lưu ý tại BCTC quý II/2023 của Nhiệt điện Phả Lại là phần doanh thu thoái hoàn do sai số thiết bị đo đếm từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2022 ước tính 161 tỷ đồng, PPC chưa hạch toán được vào quý II/2023, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và hạch toán vào quý III/2023.

Trước đó, tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Công ty TNHH KPMG đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do chưa ghi nhận giảm gần 162 tỷ đồng doanh thu.

Kiểm toán cho biết, công ty chưa ghi nhận phần doanh thu thoái hoàn điện năng sau thời điểm phát hành báo cáo tài chính năm trước do sai số thiết bị đo đếm diễn ra từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2022 với tổng số tiền gần 162 tỷ đồng trong BCTC công ty kết thúc ngày 31/12/2022. Việc chưa ghi nhận khoản doanh thu thoái hoàn điện năng này là chưa phù hợp với thông tư 200.

Đơn vị kiểm toán cho rằng nếu công ty ghi nhận phần doanh thu trên thì doanh thu thuần giảm tương ứng gần 162 tỷ đồng; chi phí thuế TNDN giảm gần 32,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm gần 129,6 tỷ đồng. Cùng với đó thuế phải thu Nhà nước tăng 10,26 tỷ đồng và thuế thu nhập hoãn lại tăng 16,89 tỷ đồng. Những nguyên nhân trên sẽ khiến khoản phải thu ngắn hạn khách hàng, các khoản phải nộp Nhà nước và LNST chưa phân phối lần lượt điều chỉnh giảm theo.

Nhiệt điện Phả Lại làm ăn ra sao trước khi bị phạt gần 4 tỷ, đình chỉ hoạt động 12 tháng? - Ảnh 3.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu của Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

Sau ý kiến của kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) Quyết định đưa cổ phiếu PPC vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ và đồng thời đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2022 từ ngày 29/3/2023.

Được biết Nhiệt điện Phả Lại được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Nhiệt điện Phả Lại thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ tháng 1/2006. Khoản vốn góp của EVN vào công ty đã được bàn giao cho Tổng Công ty Phát điện 2 (công ty con của EVN).

Nhiệt điện Phả Lại làm ăn ra sao trước khi bị phạt gần 4 tỷ, đình chỉ hoạt động 12 tháng? - Ảnh 4.

Biến động giá cổ phiếu PPC từ đầu năm 2023 đến nay. Nguồn: Vietstock

Tháng 1/2007, cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại chính thức được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán PPC với giá 105.000 đồng/cp.

Trước những thông tin bất lợi về việc bị phạt và đình chỉ hoạt động, mở cửa phiên giao dịch sáng 28/7, cổ phiếu PPC giảm sàn xuống 14.800 đồng/cp, tăng 20,36% so với hồi đầu năm nhưng "bay" 86% so với thời điểm niêm yết.

Công ty con của REE liên tục thoái vốn tại PPC

Từ tháng 5/2023, Công ty năng lượng của REE liên tục muốn thoái vốn tại Nhiệt điện Phả Lại. Cụ thể, từ 11/5 đến 8/6 Năng lượng REE đã đăng ký bán 3,2 triệu cổ phiếu và bán thành công 1,2 triệu cổ phiếu.

Từ ngày 15/6 đến 13/07, Công ty TNHH Năng lượng REE đã bán 110.000 cổ phiếu trên tổng số 2 triệu cổ phiếu PPC đã đăng ký bán. Sau giao dịch, doanh nghiệp này giảm sở hữu tại PPC từ 23,73% xuống 23,7%.

Sau dịch, Năng lượng REE tiếp tục đăng ký bán thêm 1,9 triệu cổ phiếu PPC trong giai đoạn 20/07-17/08/2023, với lý do giảm tỷ lệ sở hữu. Nếu bán thành công sẽ hạ tỷ lệ sở hữu của Năng lượng REE tại đây xuống còn 23,11%, tương đương 74,1 triệu cổ phiếu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem