Nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh

Minh Anh Thứ ba, ngày 19/09/2023 19:10 PM (GMT+7)
Là địa phương được tỉnh Đắk Lắk lựa chọn để xây dựng thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phát triển toàn diện hệ thống đô thị, từng bước hướng đến đô thị thông minh.
Bình luận 0

Phát triển hạ tầng số

Xác định công tác chuyển đổi số, đặc biệt là việc phát triển hạ tầng số là một trong những nội dung quan trọng cần triển khai để bắt kịp xu hướng 4.0, TP. Buôn Ma Thuột đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các nội dung tại Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh - Ảnh 1.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk tọa lạc tại TP. Buôn Ma Thuột.

Trong đó, trước hết là chú trọng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Sau đó là phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành trên toàn thành phố.

Hiện nay, 100% cán bộ, công chức của thành phố được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn; 100% máy tính tại các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng; 100% các đơn vị đã triển khai mạng nội bộ; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 21/21 phường, xã. UBND thành phố còn xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 21/21 phường, xã và kết nối về UBND tỉnh đảm bảo triển khai các cuộc họp trực tuyến giữa các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai xây dựng Trung tâm điều hành, giám sát camera tập trung tại Công an thành phố. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 kết nối 454 mắt camera tại các phường, xã về giám sát tập trung tại Công an thành phố, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh để theo dõi, giám sát các nơi công cộng, tuyến đường giao thông trọng điểm.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay đơn vị đã tạo lập và cung cấp các dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm chi phí... Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố đã tiếp nhận 10.275 hồ sơ và giải quyết xong 10.119 hồ sơ.

Trong đó, giải quyết trước hạn là 9.219 hồ sơ, giải quyết đúng hạn là 726 hồ sơ. Tỉ lệ đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp liên quan đạt 100%.

Nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh - Ảnh 2.

Khu đô thị Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột được lồng ghép thực hiện một số tiện ích đô thị thông minh.

Về kinh tế số, UBND thành phố đã triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: Hóa đơn điện tử, ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động, thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức hướng dẫn các hộ nông dân và các hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và giao dịch trên các sàn thương mại. Ngoài ra, UBND thành phố đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC từ thành phố đến phường, xã để phục vụ người dân và doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Với phương châm mỗi người dân là kênh thông tin, chính quyền tạo điều kiện cho người dân tham gia vào giải quyết các vấn đề của địa phương, UBND thành phố đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các dịch vụ phản ánh hiện trường và đường dây nóng phản ánh về hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố; thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành thuế; triển khai chợ 4.0 trên địa bàn xã Hòa Phú…

Hướng đến đô thị thông minh

Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án), TP. Buôn Ma Thuột đã lồng ghép một số nhiệm vụ của Đề án vào các Chương trình phát triển đô thị TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh - Ảnh 3.

Đại biểu nhấn nút kích hoạt "Tuyến phố thanh toán không tiền mặt - Buôn Ma Thuột năm 2023".

Hiện nay, toàn tỉnh có 4 dự án phát triển các khu đô thị đang được đầu tư, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép thực hiện một số nhiệm vụ của Đề án về quản lý đô thị thông minh, tiện ích đô thị thông minh phục vụ cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong đô thị, bao gồm: Đô thị sinh thái Văn hóa Cà phê Suối Xanh, TP. Buôn Ma Thuột; Khu đô thị dân cư Km7 thuộc Khu đô thị Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột; Khu dân cư Hà Huy Tập, phường Tân An thuộc Khu đô thị Bắc đường vành đai phía Tây, TP. Buôn Ma Thuột; Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng ưu tiên đã được thành phố đưa ra các chương trình như: Xây dựng hệ thống giám sát thu gom rác thải đô thị thông minh, Xây dựng hệ thống quản lý cấp nước, Xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh với hình thức doanh nghiệp đầu tư hoặc hợp tác công tư (PPP, BOT). Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án triển khai đô thị thông minh theo các nội dung của Đề án "Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045".

Đến nay, Đề án này đã vận hành chính thức các dịch vụ đô thị thông minh; thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (Dak Lak IOC) và tiến hành thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, gồm: Giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Giám sát điều hành kinh tế và xã hội; Phản ánh hiện trường; Giám sát an toàn thông tin mạng; Giám sát an ninh trật tự và điều hành giao thông.

Nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh - Ảnh 4.

Khách hàng thanh toán qua mã QR tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trong năm 2023, 5 dịch vụ gồm: Giám sát hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Giám sát hoạt động y tế; Giám sát hoạt động giáo dục; Giám sát hoạt động du lịch; Giám sát môi trường sẽ được mở rộng và triển khai thí điểm.

Tin rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc ứng dụng chuyển đổi số và các nền tảng thông minh vào xây dựng đô thị, Buôn Ma Thuột sẽ ngày càng phát triển, xứng danh là "Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên" và đô thị thông minh, bản sắc.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai xây dựng hệ thống wifi công cộng tại Hoa viên thành phố, Bệnh viện Đa khoa thành phố, tuyến đường Phan Đình Giót. Đồng thời duy trì hệ thống wifi công cộng tại Quảng trường 10 tháng 3, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thành phố để phục vụ người dân truy cập internet giải quyết thủ tục hành chính và vui chơi, giải trí.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem