Nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, phòng, chống dịch tại Hà Nội

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 18/01/2023 08:32 AM (GMT+7)
Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình tổ chức, triển khai mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn một số tồn tại thiếu sót, vi phạm.
Bình luận 0

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm vừa ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm vaccine, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Hà Nội, giai đoạn từ ngày 1/1/2020-31/12/2021. Trong đó, trực tiếp thanh tra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) và 11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình tổ chức, triển khai mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn một số tồn tại thiếu sót, vi phạm.

Mua thiết bị qua các công ty trung gian làm tăng giá

Cụ thể, về tổ chức, thực hiện mua sắm thiết bị: Chủ đầu tư lấy đơn giá tổng hợp của dự toán gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự để phê duyệt dự toán mà không lập chi tiết cho thiết bị và các phụ kiện kèm theo. Hồ sơ đề xuất của nhà thầu đối với tất cả các gói thầu cung cấp thiết bị đều có đơn giá tổng hợp, không tách riêng giá trị thiết bị, thuế, phí theo hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư.

Nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, phòng, chống dịch tại Hà Nội - Ảnh 1.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra. Ảnh: PV

Kết luận nêu rõ: Bệnh viện Bắc Thăng Long vi phạm quy định về đăng tải thông tin đấu thầu; Bệnh viện Đông Anh thực hiện mua sắm gói thầu có thay đổi máy thở không lấy ý kiến của Hội đồng khoa học, Hội đồng mua sắm, chuyên gia. Cùng đó, Bệnh viện Đông Anh phê duyệt dự toán một số gói thầu tư vấn có giá trị cao hơn mức quy định, không lập dự toán với tổng số tiền hơn 17,965 triệu đồng.

Ngoài ra, một số nhà thầu được các hãng sản xuất thiết bị y tế có văn bản gửi đến UBND TP.Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện về việc chỉ định nhà phân phối cho hãng hoặc cam kết cung cấp đầy đủ thiết bị nếu trúng thầu, tuy nhiên sau khi trúng thầu không mua thiết bị của hãng mà lại mua qua các Công ty khác làm tăng đơn giá thiết bị, như: Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Công ty Tài Lộc); Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách (Công ty Tùng Bách), Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê (Công ty Trần Lê).

Về giá của trang thiết bị y tế, theo Thanh tra Chính phủ, giá của 20 loại thiết bị y tế do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội (58 gói thầu) được mua bán qua nhiều công ty trung gian, các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, mỗi lần mua bán giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.

Mặc dù UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu giảm giá để cùng chung tay với TP chống dịch, nhưng giá một số thiết bị vẫn cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu. Cụ thể, tổng giá trị trúng thầu là 134.764 triệu đồng, giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm là hơn 61.954 triệu đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu là hơn 72.809 triệu đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng nhà thầu giảm giá còn hơn 111.482 triệu đồng, chênh lệch hơn 49.527 triệu đồng.

Trong đó, có 41 gói thầu thiết bị tại 34 bệnh viện và CDC Hà Nội, do 2 nhà thầu đã mua, bán qua nhiều công ty trung gian và có giá trị chênh lệch lớn là Công ty Tài Lộc trúng thầu và Công ty Tùng Bách trúng thầu với tổng giá trị 66.623 triệu đồng, chênh lệch hơn 35.101 triệu đồng (nhập khẩu là hơn 31.521 triệu đồng).

Đối với 40 gói thầu thiết bị tại 33 bệnh viện và CDC Hà Nội, do 3 nhà thầu có giá trị chênh lệch lớn là Công ty Trần Lê, Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông với tổng số tiền chênh lệch hơn 20.559 triệu đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu giảm giá nhưng vẫn chênh lệch hơn 18.574 triệu đồng.

Nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, phòng, chống dịch tại Hà Nội - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi công bố kết luận thanh tra. Ảnh: PV

"Ăn" chênh hàng chục tỷ đồng

Về giá một số loại sinh phẩm, hóa chất chất, vật tư, kít xét nghiệm, Thanh tra Chính phủ xác định gói thầu mua sắm bổ sung sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-Covid-2 lần 3, lần 4 và bổ sung tại Bệnh viện Đông Anh: "Khi đánh giá, mặc dù hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện không đáp ứng hồ sơ mời thầu nhưng đơn vị tư vấn vẫn đánh giá "Đạt"".

Bên cạnh đó, mặt hàng Kit Realtime PCR chẩn đoán SARS-Covid-2 được CDC Hà Nội và các bệnh viện mua của một số đơn vị trực tiếp nhập khẩu (Công ty Phương Đông) hoặc sản xuất trong nước (Công ty Việt Á, Công ty Sao Thái Dương)… 

"Vì vậy, một số gói thầu cung cấp sinh phẩm, vật tư, kít xét nghiệm của một số công ty có chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu". Cụ thể, Công ty Phương Đông nhập khẩu Kit Realtime PCR và trúng thầu có mức giá chênh lệch 2,49 lần; Công ty 3TK nhập khẩu và trúng thầu cung cấp vật tư y tế cho CDC Hà Nội có mức chênh lệch từ giá mua đến giá bán từ 1,68 đến 5,52 lần; Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam có mức chênh lệch từ 2,79 đến 4,59 lần.

"Tổng giá trị của các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư kít xét nghiệm đã được 12 đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội trúng thầu và ký hợp đồng mua sắm chênh lệch hơn 35.664 triệu đồng. Giá trúng thầu sau khi giảm giá chênh lệch hơn 33.155 triệu đồng.

Trong đó, có một số gói thầu của Công ty 3TK trúng thầu cung cấp cho CDC Hà Nội chênh lệch trên 20.351 triệu đồng. Còn lại một số gói thầu sinh phẩm, kít xét nghiệm: Giá trúng thầu chênh lệch hơn 15.312 triệu đồng. Giá trúng thầu sau khi giảm giá chênh lệch hơn 12.803 triệu đồng.

"Trách nhiệm thuộc về CDC và các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan", Thanh tra Chính phủ xác định.

Nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, phòng, chống dịch tại Hà Nội - Ảnh 3.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho người dân trên địa bàn Hà Nội.

Đề nghị giao Bộ Công an làm rõ

Trước những vi phạm chỉ ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, xử lý đối với những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra.

Giao cho Thanh tra TP phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế rà soát lại đối với một số gói thầu trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm.

Cùng với đó, chỉ đạo xử lý trách nhiệm các sở ngành, cơ quan, đơn vị, CDC Hà Nội và các bệnh viện có liên quan. "Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định…".

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chuyển thông tin để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đối với một số gói thầu thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại một số đơn vị.

Cụ thể, gồm có 7 gói thầu mua sắm 7 máy X quang di động kỹ thuật số, đơn vị trúng thầu là Công ty Tài Lộc, do 7 bệnh viện (Đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Phổi Hà Nội, Thanh Nhàn, Xanh Pôn) có chênh lệch hơn hơn 19.917 triệu đồng, sau giảm giá vẫn chênh lệch 12.690 triệu đồng.

Các gói thầu của Công ty Tùng Bách có sự chênh lệch từ nhập khẩu, mua bán qua khâu trung gian và trúng thầu hơn 9.355 triệu đồng. Cùng với đó là các gói thầu do Công ty Trần Lê, Công ty Ánh Sao, Công ty Phương Đông là đơn vị trúng thầu có sự chênh lệch từ nhập khẩu, mua bán qua khâu trung gian và trúng thầu hơn 18.574 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem