Nhiều tỉnh rục rịch tăng viện phí

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 18/07/2014 15:32 PM (GMT+7)
Đầu tháng 7, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua quyết định điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với Hà Nội, cả nước đã có 29 tỉnh đề xuất điều chỉnh viện phí. Mức điều chỉnh này đang được Bộ Y tế kiểm soát khá kỹ…
Bình luận 0

Khống chế mức tăng viện phí không vượt “trần”

Tại Hà Nội, mức giá dịch vụ y tế được đề xuất tăng 20% ở tất cả các hạng bệnh viện. Chỉ hơn 1 năm, Hà Nội đã 2 lần điều chỉnh viện phí, dấy lên lo ngại về gánh nặng kinh tế.

Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Y tế, đợt điều chỉnh lần này áp dụng đối với 1.348 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư 03/2006 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ LĐTBXH quy định thu một phần viện phí. Trước đó, Hà Nội mới thu viện phí ở mức 65-80% giá trần (tùy theo hạng bệnh viện). Như vậy, mức giá viện phí của Hà Nội đã quá lạc hậu, quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng thấp. Vì thế, nhiều người bệnh đã lựa chọn các bệnh viện ngành, T.Ư cùng đóng trên địa bàn. Ngoài ra, 135 dịch vụ kỹ thuật khác đã được các bệnh viện Hà Nội thực hiện nhưng chưa có trong giá, do đó bảo hiểm xã hội chưa có căn cứ thanh toán.

Cũng theo bà Liên, năm 2013, Hà Nội điều chỉnh giá 447 dịch vụ kỹ thuật mới theo Thông tư 04 thì hiện không điều chỉnh 447 dịch vụ này nữa. Nhận định về mức điều chỉnh viện phí của TP.Hà Nội, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Hà Nội điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 03 lên 80-100% giá trần là phù hợp. Khi điều chỉnh giá, Sở Y tế giải thích chưa kỹ nên gây hiểu lầm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tới thời điểm này đã có 29 địa phương đề xuất điều chỉnh viện phí. Tuy nhiên, qua giám sát, các địa phương chủ yếu chỉ bổ sung thêm giá các dịch vụ mới (trước chưa làm được) hoặc điều chỉnh dịch vụ ngày giường. Riêng tỉnh Bình Định, do mức tăng viện phí chỉ bằng 60% mức giá trần do Bộ Y tế quy định nên sau một thời gian thực hiện thấy mức viện phí quá thấp, Bình Định đã điều chỉnh giá của 827 dịch vụ (trong tổng số 2.338 dịch vụ), bổ sung mới 33 dịch vụ. Tính trung bình, giá viện phí mới của Bình Định tăng từ 60% lên 75-80% so với mức giá trần do Bộ quy định. Hiện nay, Sở Y tế Cà Mau cũng đang trình xin ý kiến UBND về việc điều chỉnh giảm 10 dịch vụ, tăng hơn 160 dịch vụ với tỷ lệ từ 70-100% khung giá tối đa.

“Đợt vừa qua, hầu hết các tỉnh đều điều chỉnh giá viện phí khoảng 65-80% giá trần. Tuy nhiên, họ đều vạch ra lộ trình tăng tiếp tục điều chỉnh viện phí tiến sát tới mức trần theo từng năm. Dù tăng thế nào cũng phải nằm trong khung giá tối đa trong Thông tư 04/2012” – ông Liên khẳng định.

Cố gắng để người nghèo không bị ảnh hưởng



Ông Nguyễn Nam Liên
 Đến năm 2018 sẽ áp dụng mức viện phí theo giá thị trường đủ 7 yếu tố (hiện viện phí mới tính 3 yếu tố). Việc tăng viện phí theo giá thị trường là để các bệnh viện tự lực thu chi, giảm tiền ngân sách nhà nước phải đầu tư cho các bệnh viện.
 
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nam Liên. Theo ông Liên, Bộ Y tế đang phân loại các dịch vụ phẫu thuật để tiến tới tăng giá cho các loại dịch vụ này vào cuối năm 2014. Theo quan sát của Bộ Y tế, dù có đề xuất nhưng trừ TP.Hà Nội, hiện chưa có tỉnh nào áp dụng mức giá mới vì phải chờ quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Các bệnh viện của Bộ chờ phân loại của Bộ, dự tính sẽ áp dụng vào cuối năm 2014. Ông Liên cho biết, tiền phẫu thuật tăng, tiền giường tăng nhưng BHYT đã trả tới 80% tiền viện phí cho người bệnh, riêng người nghèo và cận nghèo được thanh toán 100% theo Luật BHYT sửa đổi nên số tiền mà bệnh nhân có BHYT sẽ phải trả thêm cũng không nhiều.

 

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Kim Phương – chuyên gia tài chính y tế (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) lo ngại: “Nếu mục đích của tăng viện phí là tăng thu cho các bệnh viện thì chưa chắc người dân đã được hưởng lợi ích. Vì nếu như tăng viện phí mà không giải quyết được tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc giá trị cao, lạm dụng các xét nghiệm, chiếu chụp thì tiền BHYT sẽ bị thất thoát, rơi vào tay lợi ích nhóm. Còn người bệnh sẽ chẳng được lợi mà còn bị hành lên hành xuống, chịu hậu quả của kháng kháng sinh còn bệnh viện thì vẫn quá tải”.

Cũng theo đánh giá của bà Phương, dịch vụ y tế ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng người dân Việt Nam vẫn đang phải bỏ xấp xỉ 50% tiền túi để chi cho y tế - ở mức cao so với thế giới, có nghĩa là mục tiêu vì người bệnh vẫn chưa đạt được. Vì thế, Bộ Y tế cần kiểm soát kỹ, để viện phí tăng đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ, giảm phiền hà cho người dân.

  Theo điều chỉnh viện phí mới, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật của êkíp bác sĩ mổ sẽ được cộng vào giá dịch vụ phẫu thuật. Như vậy, giá các ca phẫu thuật đặc biệt tối đa sẽ tăng hơn 1,5 triệu đồng/ca, loại 1 tăng 660.000 đồng/ca; loại 2 là 340.000 đồng/ca, loại 3 là 190.000 đồng/ca. Theo đánh giá chung, mức tăng này so với tổng chi phí của các ca phẫu thuật thì không nhiều. Ví dụ 1 ca phẫu thuật ghép tim (loại đặc biệt) có chi phí vài trăm triệu đồng thì mức tăng tối đa mới là 1,5 triệu đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem