Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu

30/09/2021 17:11 GMT+7
Cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, Đức được coi là nền kinh tế “ốm yếu” của châu Âu. Nhưng dưới thời Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel, nhà lãnh đạo bảo thủ đã đứng đầu chính phủ trong 16 năm qua, Đức đã có những bước phát triển kinh tế khó tin.

Tờ CNBC gần đây đã tổng hợp 5 biểu đồ về các chỉ số kinh tế - xã hội nước Đức trong nhiệm kỳ của bà Merkel, qua đó chỉ ra những di sản kinh tế đầy thành tựu và cả cơ hội bị bỏ lỡ dưới thời vị nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm.

Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức, bà Angela Merkel (Ảnh: Reuters)

Tăng trưởng GDP

Biểu đồ của CNBC cho thấy nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức, một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, đã tăng trưởng ổn định trong suốt thời gian và Merkel nắm quyền với mức tăng trưởng vượt xa Anh và Pháp.

Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu - Ảnh 2.

Quy mô GDP của Đức (đường màu xanh lam) tăng trưởng ngoạn mục, ngày càng nới rộng khoảng cách với Anh (xanh lá) và Pháp (cam) (Ảnh: CNBC)

Cần lưu ý rằng chỉ 2 năm trước khi bà Merkel nắm quyền năm 2005, nền kinh tế Đức đã trải qua một cuộc suy thoái. Tại thời điểm bà nhậm chức, quy mô GDP Đức ở mức 2,3 nghìn tỷ euro (2,6 nghìn tỷ USD), theo dữ liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức. Trong khi đó, tính đến năm 2020, quy mô GDP đã tăng 1 nghìn tỷ euro, lên tới 3,3 tỷ euro.

Tỷ lệ thất nghiệp

Dữ liệu thống kê bởi Ngân hàng Thế giới World Bank cho thấy trong nhiệm kỳ của bà Merkel, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm mạnh từ 11,1% (năm 2005) xuống 3,8% trong năm 2020 bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch. 

Đức là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong EU. Tính đến tháng 7/2021, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6%. 

Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu - Ảnh 3.

Đức là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong EU (Ảnh: CNBC)

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs khi đánh giá về di sản kinh tế của bà Merkel cho rằng dù tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm mạnh trong nhiệm kỳ 16 năm của nữ Thủ tướng, nhưng phần lớn mức giảm này có thể xuất phát từ những cải cách của người tiền nhiệm Gerhard Schroeder.

Dù vậy, nhìn chung chính phủ của Thủ tướng Merkel sau đó đã thành công nhờ “duy trì tài chính công hợp lý và áp dụng biện pháp hãm nợ theo hiến pháp, nhưng đã có phản ứng mạnh mẽ trong thời gian khủng hoảng, bảo vệ thành công thị trường lao động với chương trình “Kurzarbeit” vào năm 2008 và 2020″.

“Kurzarbeit” là chương trình bảo vệ việc làm ngắn hạn của Đức, theo đó người sử dụng lao động giảm giờ làm việc của nhân viên thay vì sa thải họ trong thời gian khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch Covid.

Chính sách nhập cư

Một lĩnh vực mà quan điểm của Đức khác hoàn toàn Anh và Pháp dưới thời bà Angela Merkel là chính sách nhập cư. Đây có lẽ cũng là điểm mà bà Merkel thu hút cả sự khen ngợi và tranh cãi rộng rãi trong giới phân tích cũng như chính khách.

Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu - Ảnh 4.

Với chính sách mở cửa biên giới của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu năm 2014-2015, hàng triệu người di cư đã tràn vào Đức trong năm 2015 (Ảnh: CNBC)

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu năm 2014-2015, hàng triệu người di cư từ Syria trong cuộc nội chiến ở nước này đã chạy vào khối EU. Các cuộc tranh luận đã nổ ra trong khối về việc phân phối dòng người xin tị nạn vào các quốc gia. Trong đó, đa số các nước Đông Âu từ chối tiếp nhận người tị nạn và tuyên bố đóng cửa biên giới. Riêng Đức, Thủ tướng Merkel đã đưa ra quyết định táo bạo khi mở cửa biên giới nước Đức và cho phép hơn 1 triệu người tị nạn và di cư vào Đức năm 2015.

Thu nhập khả dụng

Trong nhiệm kỳ bà Merkel, thu nhập khả dụng hộ gia đình tại Đức chứng kiến sự tăng trưởng đều đặn. Khi bà Merkel bắt đầu nắm quyền Thủ tướng năm 2005, không có sự chênh lệch quá lớn giữa thu nhập khả dụng hộ gia đình Đức, Pháp và Anh. Nhưng theo thời gian, khoảng cách giữa thu nhập khả dụng hộ gia đình Đức với hai quốc gia còn lại ngày càng nới rộng. 

Ở Đức, tổng thu nhập khả dụng trên đầu người được điều chỉnh của các hộ gia đình là 30.142 euro vào năm 2019, trong khi đó ở Anh là 25.155 euro và 26.158 euro ở Pháp, theo dữ liệu của Eurostat.

Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu - Ảnh 5.

Theo thời gian, khoảng cách giữa thu nhập khả dụng hộ gia đình Đức với Anh và Pháp ngày càng nới rộng (Ảnh: CNBC)

Dù vậy, một vấn đề được nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận về thu nhập hộ gia đình ở Đức là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Đặc biệt là sự chênh lệch giữa miền Đông Đức và Tây Đức.  Vào năm 2020, OECD lưu ý rằng sự chênh lệch GDP bình quân đầu người giữa các khu vực của nước Đức đã giảm trong 18 năm qua nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của các quốc gia OECD. 

Đầu tư công

Một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà chính phủ của Thủ tướng Merkel nhận nhiều chỉ trích từ các nhà phê bình là bỏ bê chi tiêu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm hãm nợ. Quy tắc tài khóa “schwarze Null” (số 0 đen) được cho là biểu tượng của nỗi ám ảnh trong chính sách thắt chặt từng xu của nước Đức.

Nhìn lại di sản của bà Angela Merkel: "Phù phép" nước Đức từ kẻ "ốm yếu" đến nền kinh tế số 1 châu Âu - Ảnh 6.

Chỉ số GFCF (Gross Fixed Capital Formation) đo lường mức đầu tư vào hạ tầng, các yếu tố như đường xá, cầu cống, đường sắt, mạng lưới điện... trên GDP (Ảnh: CNBC)

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng xuống cấp ở Đức bị đổ lỗi cho việc thắt chặt chi tiêu trong khi chính phủ bị chỉ trích vì đã cắt giảm tín dụng và chi tiêu vào thời điểm mà lẽ ra nước này có thể vay với giá rẻ, do môi trường lãi suất thấp. Một số người, chẳng hạn như Stefan Koopman, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Rabobank chỉ trích việc Đức hạn chế chi tiêu và tín dụng khiến nhu cầu thấp hơn, qua đó tạo ra sự mất cân bằng trong khu vực đồng euro. “Việc chính phủ Đức thắt chặt chi tiêu để hãm nợ sau các cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2011 đã góp phần đáng kể tạo nên tình trạng nhu cầu tư nhân thấp triền miên, cán cân đầu tư - tiết kiệm bị xô lệch, đồng euro bị bóp méo”.

Đa số các chuyên gia thừa nhận rằng Đức không thể trì hoãn việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cần thiết lâu hơn nữa. Khi các cuộc đàm phán liên quan đến thành lập chính phủ mới đang diễn ra, nhiều nhà quan sát đang tập trung vào việc các bên thúc đẩy nới lỏng tài khóa đến đâu.


NTTD
Cùng chuyên mục