Nhịp sống mới ở vùng lũ lịch sử Sa Pa

Mùa Xuân
12/02/2025 17:27 GMT +7
Vượt lên những mất mát, đau thương do hậu quả nặng nề từ trận lũ lịch sử tháng 9/2023 để lại, người dân thôn Nậm Than và thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã từng bước khắc phục khó khăn, tập trung khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn.
Clip: Cá nước lạnh của người dân thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) đã được xuất bán sau một thời gian nuôi. 

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi có dịp trở lại thôn Nậm Than và thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. Cách đây hơn 1 năm trở về trước, mưa lớn kéo dài đã gây ra trận lũ ống lịch sử càn quét qua 2 thôn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở vùng quê yên bình này.

Đến thôn Nậm Than, xã Liên Minh khi cuộc sống người dân đã trở lại bình thường. Tuyến đường vào các trại nuôi cá nước lạnh của bà con trong thôn đã được tu sửa, nhiều ao cá đã được khôi phục, còn một số ao gần suối đã bị bỏ lại để đảm bảo an toàn cho người nuôi.

Ông Vù A Xá, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) nhớ lại: Đêm 12/9/2023 là một đêm ác mộng, kinh hoàng đối với bà con chúng tôi. Đối với gia đình tôi, cơn lũ ập về không chỉ làm mất đi người thân trong gia đình mà còn gây thiệt hại hàng chục tấn cá nước lạnh, ước tính thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng.

Theo ông Xá, gia đình ông cũng như các hội viên trong tổ nuôi cá nước lạnh nhận hỗ trợ từ quỹ Hỗ trợ nông dân và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi cá chưa lâu thì xảy ra lũ ống, lũ quét. Nhiều ao cá bị cuốn trôi, nước đục... khiến toàn bộ cá bị chết, một số ao cá không thể khôi phục, khó khăn chồng chất khó khăn.

Vượt lên những mất mát đau thương, ông Xá cũng như nhiều hộ dân trong thôn Nậm Than và thôn Nậm Cang đã từng bước khắc phục khó khăn, tập trung khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Trong đó, việc tái thiết lại khu vực nuôi cá nước lạnh ngoài sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, sự hỗ trợ của Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương, gia đình ông Xá đã sửa chữa lại ống dẫn nước về 8 ao nuôi cá của gia đình.

Ông Xá chia sẻ: Ngoài được hỗ trợ 60 triệu đồng để sửa chữa ao, ống dẫn nước, gia đình tôi còn được Công ty TNHH MTV thương mại và Dịch vụ du lịch Song Nhi Sa Pa hỗ trợ 1.000 con cá hồi để nuôi khôi phục sản xuất.

Bây giờ, người dân chúng tôi được hỗ trợ sản xuất, những con cá đã lớn, cuối năm 2024, gia đình tôi đã bán được hơn 2 tấn cá hồi, với giá bán 150 nghìn đồng/kg, thu về 300 triệu đồng.

Khu vực người dân thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) nuôi cá nước lạnh. Ảnh: Mùa Xuân.

“Người dân chúng tôi mãi biết ơn Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm đã giúp đỡ, hỗ trợ người dân chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Bà con chúng tôi sẽ cố gắng tập trung phát triển kinh tế để vươn lên”, ông Xá tâm sự.

Người dân thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) thu hoạch cá hồi bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Vù A Sáu, thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) bảo: Gia đình tôi nuôi cá nước lạnh từ những năm 2.000. Trận lũ lịch sử tháng 9/2023 khoảng 14.000 con cá nước lạnh của gia đình tôi đã bị lũ cuốn trôi và chết hết.

Phải mất một thời gian dài, gia đình tôi mới khôi phục lại được 11 ao cá của gia đình. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 16.000 con cá tầm, cá đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến đến tháng 6/2025, gia đình sẽ xuất bán được khoảng 7 tấn cá tầm ra thị trường, thu về khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng.

Cuộc sống người dân thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) đã trở lại bình thường sau cơn lũ dữ năm 2023. Ảnh: Mùa Xuân.

Sau hơn 1 năm xảy ra cơn lũ lịch sử và trận mưa lũ của năm 2024, số hộ dân nuôi cá nước lạnh trên địa bàn thôn Nậm Than đã giảm một nửa, nhiều hộ dân đã chuyển sang mô hình kinh tế khác...

Chị Giàng Thị Si, thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) nghẹn ngào kể: Nhắc lại trận lũ lịch sử đêm 12/9/2023, đó sẽ mãi là ký ức không bao giờ quên đối với bản thân tôi cũng như người dân trong thôn.

Tôi đã mất đi người chồng, người trụ cột gia đình sau trận lũ đó. Cùng với đó là hàng nghìn con cá hồi trong 8 ao của gia đình tôi đã bị nước lũ cuốn trôi, cá chết.

“Bây giờ, tôi đang phải gồng gánh hai trách nhiệm lớn, vừa làm cha, vừa làm mẹ kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học. Vì điều kiện khó khăn nên gia đình tôi không nuôi cá nữa.

Ngoài duy trì diện tích lúa ruộng, tôi chăm sóc diện tích thảo quả và đi làm thêm ở trên thị xã Sa Pa để có thêm thu nhập chăm lo con cái ăn học thôi”, chị Si xúc động nói.

Khu vực xảy ra lũ quét qua tại thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Vàng A Xay, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Sở dĩ số hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn thôn giảm hẳn so với trước đây là do điều kiện nhiều hộ dân còn khó khăn, nhất là về vốn đầu tư; địa hình không thuận lợi, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở chăn nuôi, nguồn nước hạn chế.

Bên cạnh đó, những năm gần đây thời tiết thất thường, vào mùa mưa nước lũ đầu nguồn chảy về lớn gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi... Do vậy, nhiều hộ đã không duy trì được và chuyển hướng sang phát triển các mô hình kinh tế khác.

Thôn Nậm Than hiện có 154 hộ dân với 820 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Năm 2024, cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã hỗ trợ tái thiết khu tái định “Đồi Gianh” cho các hộ dân vùng thiên tai của thôn Nậm Than. Đến cuối tháng 1/2025, khu tái định cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng, người dân nơi đây đã có nơi ở mới, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Còn tại thôn Nậm Cang, xã Liên Minh cũng là thôn bị thiệt hại nặng nề người và tài sản do trận mưa lũ lịch sử tháng 9/2023.

Anh Phàn Vần Sinh, thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ: Gia đình tôi có 5 ao nuôi cá nước lạnh. Trận mưa lũ năm 2023 đã gây thiệt hại toàn bộ ao cá; cá trong ao bị chết, lũ cuốn trôi. Sau khoảng gần năm khôi phục, hiện gia đình tôi mới nuôi được 6 tháng thôi.

Người dân vui mừng khi đàn cá nuôi đang lớn lên từng ngày. Ảnh: Mùa Xuân.

Trận lũ lịch sử đêm 12/9 đến rạng sáng 13/9/2023, vẫn khiến người dân xã Liên Minh ám ảnh bởi thiệt hại do lũ gây ra quá lớn, 7 người chết, 6 người bị thương; ước thiệt hại về tài sản gần 150 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về cơ sở hạ tầng hơn 41 tỷ đồng; thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi hơn 104 tỷ đồng; thiệt hại về nhà ở, tài sản khác gần 3 tỷ đồng.

Hơn 1 năm trôi qua, những cây cỏ xanh mướt đã dần phủ xanh trên đống đổ nát. Người dân vùng lũ đã quay trở lại nhịp sống bình thường, từng bước khôi phục sản xuất, nhiều hộ tái thiết lại đàn cá đã mất, nhiều hộ khác chuyển sang mô hình chăn nuôi khác để kiếm kế sinh nhai.

Khánh thành khu tái định cư "Đồi Gianh", thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) cho người dân vùng thiên tai. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho hay: Sau khi xảy ra lũ, địa phương đã huy động tối đa nguồn lực tại chỗ tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân không nuôi cá ở các khu vực nguy hiểm, nhất là 2 bên bờ suối, nuôi phải đảm bảo khoảng cách an toàn.

Đến thời điểm này, trên địa bàn xã chỉ còn 120 trại cá nước lạnh, với hơn 200 hộ tham gia nuôi. Đối với các hộ không đảm bảo điều kiện nuôi, không có vốn đầu tư lại đã chuyển đổi sang các mô hình kinh tế khác phù hợp hơn.

Mùa Xuân