Nhớ bài học của thầy Trần Quốc Vượng: Ăn cơm, uống nước Hà Nội thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội

Thành An Thứ bảy, ngày 03/10/2020 14:38 PM (GMT+7)
"Bài học đầu tiên là Nhập môn Khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng, cuối buổi, thầy nhắc học trò: Bây giờ, ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội", GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhớ lại.
Bình luận 0

Trình bày tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội, ngày 3/10,  GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô kể lại câu chuyện cách đây 51 năm, sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm tại Hải Phòng, ông được lên Hà Nội, vào học khoa Sử, Đại học Tổng hợp.

"Bài học đầu tiên là Nhập môn Khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng. Tôi nhớ như in phong cách giảng bài cuốn hút đến kỳ lạ của thầy, cuối buổi thầy khẽ nhắc học trò: Bây giờ, ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội", GS Nguyễn Quang Ngọc nói và chia sẻ ngay từ bài học đầu tiên này ông yêu và gắn bó với Hà Nội đến nay.

Nhớ bài học của thầy Trần Quốc Vượng: Ăn cơm, uống nước Hà Nội thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội - Ảnh 1.

Quang cảnh Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhìn nhận, Hà Nội là một không gian lịch sử văn hóa, một không gian phát triển hết sức điển hình, có một đội ngũ các nhà khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, đông đảo nhất nước có tâm huyết với đời sống văn hóa và khoa học Thủ đô.

Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Hà Nội thực sự mở rộng cửa mời đón các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng đang đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hàng loạt các chương trình khoa học cấp Nhà nước, "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến", chương trình "Bách khoa thư Hà Nội", cùng rất nhiều các đề tài dự án cấp thành phố và cấp cơ sở nghiên cứu tổng kết, nghiên cứu phát triển Thủ đô Hà Nội, cùng kết quả của các hội nghị hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế liên ngành và chuyên ngành về Thăng Long - Hà Nội… chính là những cơ sở bảo đảm cho sự ra đời một ngành khoa học Hà Nội học liên ngành.

Đối với Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, được sự quan tâm của lãnh đạo TP, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, trở thành địa chỉ tin cậy của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hà Nội học cả trong nước và quốc tế từ năm 2014 đến nay.

Nhớ bài học của thầy Trần Quốc Vượng: Ăn cơm, uống nước Hà Nội thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 cho các cá nhân.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đã bước đầu đã xây dựng được cơ sở lý luận và phương pháp luận cho một ngành học Hà Nội học liên ngành, gắn với Khu vực học và Khoa học phát triển; biên soạn và xuất bản được Giáo trình Hà Nội học và một số sách tham khảo rất cơ bản cùng hàng chục cuốn sách và bài báo khoa học khác.

Cùng đó, mở rộng hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành, các đơn vị thuộc TP và các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP để xây dựng cơ sở dữ liệu và tủ sách về Hà Nội học.

Trên cơ sở đó, đã triển khai một số đề tài nghiên cứu chuyên sâu về Đô thị, về Nông thôn, về Địa lý, Lịch sử, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, về Hà Nội truyền thống, Hà Nội mở rộng, Hà Nội phát triển, về một số không gian/địa phương trong vùng Hà Nội...

"Tôi được biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh sự thống nhất trong nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, Bộ GDĐT cũng trao trọng trách và quyền chủ động cho các tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư có thể được sử dụng một thời lượng phù hợp để bổ sung vào nội dung giáo dục về tri thức địa phương.

Sau thời gian gắn bó với mảnh đất văn hiến Thăng Long - Hà Nội, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc đã bắt đầu tham gia tổ chức các đề tài, thực hiện các công trình nghiên cứu có tính liên ngành và tổng kết một số lĩnh vực về Hà Nội. Ông có nhiều đóng góp cho Thủ đô, là chủ biên, tác giả nhiều tập sách trong dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được đánh giá cao. Ông cũng đang chủ biên cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn thiên niên kỷ, là ấn phẩm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tức là xây dựng "địa phương học" thành môn học quan trọng, chính thức trong nhà trường.  Đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức không nhỏ đối với mỗi địa phương, nhưng theo tôi lại là thuận lợi rất cơ bản cho Hà Nội, vì Hà Nội đã đi trước các địa phương khác trong toàn quốc, chủ động xây dựng môn học "Hà Nội học" phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới", GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nói.

Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô khẳng định, chặng đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn, song là người được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý của Hà Nội "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 tại Đại hội Thi đua yêu nước của TP lần này, ông thấy mình phải cố gắng hơn nữa.

"Tôi tin chắc rằng: Thăng Long - Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận để mỗi công dân của Hà Nội cũng như những người đã đến với Hà Nội cống hiến để cùng TP phát huy truyền thống Thủ đô hơn 1000 năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, nơi lắng hồn của núi sông ngàn năm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vì sự phát triển toàn diện và bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Văn minh và Hiện đại", GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc bày tỏ.

10 công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020

Tại Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 cho 10 cá nhân, gồm:

- GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam;

- Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bộ Y tế;

- Nhà thơ Vũ Ngọc Chúc (tức Vũ Quần Phương), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội;

- Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm;

- GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô;

- Trung tướng Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 2;

- Bà Lưu Thị Phẩm, công dân thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh;

- Ông Đoàn Văn Tiến, Quản đốc bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam;

- Ông Vũ Duy Trương (tức Vũ Oanh), nguyên Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu;

- Ông Nguyễn Đức Trường, giáo viên, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem