Nhóm hacker khét tiếng Anonymous kêu gọi người dùng gỡ TikTok
Nhóm hacker gọi ứng dụng TikTok của Trung Quốc là "công cụ gián điệp", là phần mềm độc hại. Tuyên bố của họ kèm theo bài phân tích của một thành viên mạng xã hội Reddit, cho thấy ứng dụng TikTok sẽ khai thác những thông tin đáng lo ngại: thông tin về phần cứng smartphone, danh sách những ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị.
Đặc biệt, TikTok có thể xác định được smartphone đã bị root (đối với Android) hay jailbreak (đối với iPhone) hay chưa, cho phép tin tặc lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để tấn công vào smartphone của người dùng. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy TikTok thực hiện điều này.
Anonymous đưa ra tuyên sau khi chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng đến từ Trung Quốc: TikTok, WeChat, UC Browser… vì cho rằng những ứng dụng này ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.
Đây không phải lần đầu tiên Anonymous chỉ đích danh TikTok là công cụ gián điệp. Họ từng đăng tải trên trang Twitter của mình hồi tháng 6 cho rằng TikTok là ứng dụng được tạo ra để theo dõi người dùng của Trung Quốc, cũng như cách thức hoạt động của Facebook/Instagram để theo dõi người dùng của chính phủ Mỹ.
Ứng dụng TikTok cũng đã từng lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ với lo ngại ứng dụng này thu thập thông tin của người dùng và được sử dụng cho mục đích tình báo. Nhiều cơ quan chính phủ, quân đội, hải quân Mỹ đã cấm nhân viên và binh sĩ sử dụng TikTok vì lo ngại các vấn đề an ninh và bảo mật.
Trước những tuyên bố của Anonymous, hiện TikTok chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Gần đây, TikTok liên tục gặp các rắc rối liên quan đến bảo mật thông tin người dùng và bị tẩy chay tại Ấn Độ. Phiên bản iOS 14 beta phát hiện TikTok truy cập vào clipboard (bộ nhớ tạm) của điện thoại. Vụ việc thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, đồng thời khiến nhiều chuyên gia công nghệ khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng.
Ngoài ra, căng thẳng về biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng khiến chính phủ Ấn Độ cấm 58 ứng dụng của Trung Quốc trong đó bao gồm cả TikTok. Phần mềm mạng xã hội này thậm chí còn bị rút khỏi App Store và Play Store ở thị trường đông dân thứ hai thế giới.
Năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đưa ra mức phạt lên đến 5,7 triệu USD (hơn 120 tỉ đồng) đối với Tiktok vì có hành vi thu thập trái phép thông tin của trẻ em vị thành niên dưới 13 tuổi. Theo FTC, đây là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay do cơ quan này đưa ra liên quan việc vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.
Tờ The Washington Post năm ngoái có bài bình luận về việc phải chăng Tiktok là một “cánh tay nối dài” của chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, tờ The New York Times đưa tin chính phủ Mỹ đang xem xét về việc Tiktok có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia của nước này.
TikTok là nền tảng mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất của công ty Trung Quốc là ByteDance. Ứng dụng hiện có hơn 800 triệu người dùng thường xuyên và cũng đang đứng đầu bảng về khả năng kiếm tiền, vượt qua Youtube trong tháng 4 với doanh thu khoảng 78 triệu USD.
TikTok bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2019. Theo thống kê của We are Social, TikTok xếp thứ sáu trong số những mạng xã hội được yêu thích tại Việt Nam.
Anonymous là nhóm hacker nguy hiểm và có quy mô hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay. Họ thường kêu gọi cộng đồng hacker trên toàn cầu cùng tham gia thực hiện những chiến dịch tấn công nhằm vào những mục tiêu nhất định mà theo họ là xứng đáng.
Nhóm hacker nổi tiếng với những vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào trang web của các cơ quan chính phủ, các tổ chức hay tập đoàn lớn trên toàn cầu. "Nạn nhân" của nhóm hacker này có thể kể đến các cơ quan chính phủ tại Mỹ, Israel, Uganda.... hay các công ty lớn như PayPal, MasterCard,Vista, Sony...
Bên cạnh đó, họ cũng có những hành động được xem là "nghĩa hiệp": tấn công vào tài khoản Twitter của Đảng Ku Klux Klan (3K) - hội kín nổi tiếng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay tuyên chiến và tấn công vào tài khoản mạng xã hội của các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhóm hacker cũng đã đánh sập nhiều trang web được IS sử dụng để tuyên truyền và tuyển thành viên trên toàn cầu.
Anonymous hoạt động theo mô hình ngang hàng, nghĩa là không có thủ lĩnh thực thụ nên rất khó có thể lần ra những người cầm đầu và hạ gục nhóm.