NHTM có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp của năm 2022

17/07/2022 13:51 GMT+7
Phó Tổng giám đốc ABBANK cho rằng mức tăng của CPI 6 tháng qua của Việt Nam chủ yếu do lạm phát nhập khẩu, các chỉ số trong nước vẫn ở dưới mức mục tiêu kiểm soát. Các NHTM có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp theo nhờ năng lực đã tăng cường.

Ngân hàng thương mại có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh

Chia sẻ trong chương trình Talkshow Chọn danh mục kỳ 12 với chủ đề “Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh” do Báo Đầu tư tổ chức chiều 14/7/2022, Phó Tổng giám đốc ABBANK, bà Nguyễn Thị Hương tin rằng, các ngân hàng thương mại có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2022 nhờ năng lực điều hành, kiểm soát của các NHTM đã được tăng cường. Đặc biệt nguồn vốn của các ngân hàng được bổ sung thông qua các đợt tăng vốn của những năm trước đây.

Hơn nữa, theo bà Hương cơ sở để tin tuởng tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm là chỉ số lạm phát. Mục tiêu đầu tiên của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát. Bức tranh lạm phát của các nước rất cao, nhưng lạm phát của Việt Nam với chỉ số CPI đến hết tháng 6 trung bình ở mức 2,44%- là mức rất thấp so với các nước trên thế giới và các nước trong khu vực.

Đặc biệt, theo Phó Tổng giám đốc ABBANK, chỉ số lạm phát cơ bản - lõi (sau khi loại bỏ các cú sốc) chỉ ở mức 1,25% trung bình trong 6 tháng qua. Điều này cho thấy mức tăng của CPI chủ yếu do lạm phát nhập khẩu, còn các chỉ số trong nước vẫn ổn định, vẫn ở dưới mức mục tiêu kiểm soát.

Theo lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng ABBANK, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm chịu rất nhiều tác động ngoại cảnh. Cụ thể:

Ở Mỹ đã công bố lạm phát thời điểm tháng 5 và gần đây là tháng 6 trên 9%, ở mức rất cao. Lạm phát ở châu Âu là 8,6%, ở Anh là 9,1%, nhìn trong châu Á: Hàn Quốc là 6%, Singapore lần đầu tiên trong lịch sử lạm phát tăng đến 5,6%, Philippine trên 6%,Thái Lan 7,6%.

Như vậy, bức tranh lạm phát đã xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới. Và trước bối cảnh này, các Ngân hàng trung ương (NHTW) đều phải thực hiện động thái thắt chặt chính sách tiền tệ bằng tăng lãi suất.

Điển hình trong 6 tháng đầu năm 2022, FED 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất, lần sau cao hơn lần trước, đến nay đưa mức lãi suất FED Fund Rate lên mức từ 1,25 – 1,7%. NHTW Anh 6 lần tăng lãi suất, NHTW châu Âu cũng đã tăng lãi suất liên tiếp.

Dự kiến vào cuộc họp ngày 27/7 tới đây của FED cũng sẽ tiếptục tăng lãi suất, thị trường dự đoán mức tăng tối thiểu là 75 điểm cơ bản. Các tháng tiếp theo vào tháng 9,11,12 cũng có sự điều chỉnh có thể là 25 điểm cơ bản cho mỗi lần. Cuộc họp của NHTW cũng dự kiến tăng lãi suất lên mức dương thay vì mức âm duy trì suốt từ năm 2014.

Ở trong châu Á, NHTW Hàn Quốc liên tiếp tăng lãi suất; Malaysia có mức lạm phát thấp hơn chỉ khoảng 2,8% nhưng họ cũng thận trọng và tăng lãi suất.

Với bối cảnh lạm phát tăng và lãi suất các nước liên tục điều chỉnh, chúng ta nhìn thấy ở trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ và kết quả đạt được rất phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường điện tử liên ngân hàng, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn đều giữ nguyên và ổn định. Điều này giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay của NHNN với mức lãi suất thấp và tạo điều kiện cho các ngân hàng ổn định mức lãi suất cho vay.

Thứ hai, NHNN đã có sự điều tiết tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ rất linh hoạt. Thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở, lãi suất tiền tệ được duy trì ởmức rất thấp như hiện nay với lãi suất qua đêm chỉ từ 0,7 – 1%, hay lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ khoảng 2,5%. Đây là mức lãi suất rất thấp giúp cho các ngân hàng có thể tiếp cận với nguồn vốn để thực hiện nhu cầu thanh khoản với chi phí rất thấp.

Thứ ba, tỷ giá trung tâm cũng được điều hành rất linh hoạt phù hợp với diễn biến trong nước cũng như quốc tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

6 tháng đầu năm nay tăng tín dụng cả hệ thống đạt 9,35% so với cuối 2021 – cao hơn 2020 và 2021 ảnh hưởng bởi dịch bệnh, so với cùng kỳ là tăng trưởng 16,69%. Điều này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng tích cực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện là tín hiệu tốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Phó Tổng giám đốc ABBANK, Nguyễn Thị Hương

Thứ tư, kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống với mức mà NHNN định hướng là 14% trong năm nay. Và 6 tháng tăng trưởng tín dụng đạt 9,35%, vì vậy, vẫn có những dư địa để chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đến cuối nay. Đồng thời với kiểm soát quy mô tín dụng, NHNN cũng định hướng các NHTM tập trung gắn liền với chất lượng tín dụng và định hướng tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên, kiểm  soát chặt chẽ tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay dự án BOT giao thông.

"Còn nhiều dư địa để kiểm soát tình hình vĩ mô"

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, hệ thống thanh khoản của các ngân hàng vừa qua khá tốt, nhờ các ngân hàng tranh thủ tăng vốn các năm qua, đảm bảo tính thanh khoản của mình.

Ông Nguyễn Thế Minh cũng đồng tình với Phó Tổng giám đốc ABBANK về dư địa cho chính sách tiền tệ. Việt Nam còn nhiều dư địa để có thể kiểm soát tình hình vĩ mô cuối năm. Hai vấn đề lãi suất và tỷ giá, trước mắt, có những bức tranh kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh, đặc biệt tháng 7.  Tương đồng các dự báo của các tổ chức tài chính thế giới về việc lạm phát có thể đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm. Theo đó, áp lực lạm phát và lãi suất có thể trở nên nhẹ nhàng hơn trong thời gian tới, trong khi thời gian qua đã khá căng thẳng.

Về tỷ giá, sau 2021 gặp khó khăn vì covid, năm 2022 xuất khẩu tăng trưởng trở lại qua đó thặng dư đạt 7,2 tỷ USD. Với nguồn lực dồi dào như vậy Việt Nam có dư địa để ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD chưa hạ nhiệt.

Nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ tài chính tiền tệ rất hữu hiệu của NHNN để điều tiết thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Đây là một nghiệp vụ rất bình thường và NHNN có thể bơm tiền hoặc có thể hút tiền trên thị trường liên ngân hàng thông qua công cụ này.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, việc NHNN quay lại hút tiền thông qua việc chào bán tín phiếu là nghiệp vụ bình thường trước tình trạng thanh khoản trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiền động bị dư thừa dẫn đến lãi suất interbank đang ở mức thấp. Đây cũng là động thái giảm áp lực lên tỷ giá.

NHTM có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp của năm 2022 - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc ABBANK, bà Nguyễn Thị Hương tin rằng, các ngân hàng thương mại có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2022

Tính đến 11/7 vừa qua, số dư tín phiếu kho bạc là khoảng 187.000. Điều đó cho thấy ngân hàng đang hút về 187.000 nghìn thông qua tín phiếu. Tuy nhiên, kỳ hạn rất ngắn là 7, 14 và 28 ngày, có nghĩa sau hết kỳ hạn ngắn này, lượng tín phiếu, lượng tiền đó lại quay trở lại hệ thống ngân hàng và tiếp tục đi vào nền kinh tế.

Ngoài công cụ này, NHNN còn nhiều công cụ khác để điều hành một cách nhịp nhàng để đảm bảo sự cân đối giữa tiền tệ với kinh tế vĩ mô và các cân đối khác.

Không nên quá lo ngại khi NHNN hút tiền qua tín phiếu và đường cong lãi suất đảo ngược

Phó Tổng giám đốc ABBANK cho rằng, nhà đầu tư không nên quá lo ngại trước động thái hút tiền của NHNN thông qua tín phiếu. Vì đây chỉ là hoạt động điều tiết thông qua các cụm công cụ khác để đảm bảo quan hệ tiền hệ, lãi suất tỷ giá và dòng cân vốn được đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, thông thường nhà đầu tư lo ngại về đường cong lãi suất.  Khi đường cong này đảo ngược báo hiệu suy thoái kinh tế sẽ xảy ra, mở rộng ra có thể là khủng hoảng.

Đã có 6 đợt suy thoái, trong đó có 2 đợt khủng hoảng lớn nhất là năm 2000 và 2007 – và 2 năm này, chỉ số Dow Jones đã rơi đâu đó trên 48%, thậm chí 2008 khủng hoảng tài chính thì chỉ số này giảm hơn 55%.

Tương tự như vậy, đường cong lãi suất hiện nay cũng đang rơi về 2 vùng đáy này, có nghĩa là suy thoái có thể xảy ra.

Nhưng, đặc biệt, 2 lần trước trước khi đường cong lãi suất giảm, chỉ số Dow Jones đều tăng trưởng rất mạnh, còn lần này, chỉ số này có mức sụt giảm hơn 20% trước khi đường cong lãi suất quay về mức đáy. Có nghĩa rằng lần này, phần lớn đến từ yếu tố tác động lớn là lạm phát khiến cho đường cong lãi suất giảm.

Mức tác động của lạm phát thời gian qua chủ yếu từ các yếu tố ngắn hạn, như chiến tranh Nga Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do covid. Những yếu tố này khi giải quyết được thời gian tới thì có thể giải quyết được bài toán mức hồi phục của đường cong lãi suất.

Theo đó, ông Minh cho rằng, hiện tại, chưa có dấu hiệu đáng lo ngại rằng, các đợt suy thoái thời gian tới sẽ mở rộng ra thành các đợt khủng hoảng.

Kỳ vọng, khả năng kịch bản khủng hoảng tương tự 2000 và 2007 khó xảy ra, nhưng có khả năng có các đợt suy thoái do tác động của lạm phát.

Quỳnh Nguyễn
Cùng chuyên mục