Nhu cầu về cá tra có thể tăng mạnh vào cuối năm, VCBS gọi tên 2 doanh nghiệp tiềm năng
Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu thủy sản tháng 5/2023 đạt trên 808 triệu USD. Các mặt hàng chủ lực đang hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt doanh số cao nhất từ đầu năm tới nay.
Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD.
Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính trong 5 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra giảm sâu nhất (-40%), tôm giảm 34%, cá ngừ giảm 31%, mực bạch tuộc giảm 12%. Tuy nhiên, vẫn có một số loại cá biển ghi nhận tăng trưởng dương: cá cơm tăng 53%, cá nục tăng 14%, cá chỉ vàng tăng 20%...
Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt. Điều này có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này, bên cạnh đó vào thời điểm cuối quý II là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ.
Còn Trung Quốc, trong tháng 2, thị trường này có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến tại thị trường này bắt đầu tăng công suất 15 – 30% so với đầu năm. Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm 10/3, cầu phao đã được hoàn thiện, do đó, VCBS cho rằng, nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi tiếp sau tháng 4.
Ngoài ra, hiện tượng tắc nghẽn cảng đã được giải tỏa dần từ tháng 1. Thêm vào đó, nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung nên việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.
Đưa ra dự phóng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành, VCBS cho rằng, CTCP Nam Việt (ANV) đang duy trì ổn định các đơn hàng, đảm bảo 100% công suất cho đến hết tháng 6/2023. Sau khi kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 được công bố, công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ mạnh mẽ hơn và bán được sản phẩm của đạo của doanh nghiệp với giá gấp đôi so với các thị trường cũ, qua đó giúp biên lợi nhuận của công ty được cải thiện trong tương lai.
Bên cạnh đó, ANV cũng kỳ vọng giá ở thị trường Trung Quốc sẽ được cải thiện khi nguồn hàng tồn kho cạn dần và tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại. VCBS cho biết công ty đã kết nối được 1 tập khách hàng mới ở Trung Quốc, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 35% tại quốc gia này.
Về mảng Collagen và Gelatin (C&G), sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cho nhà máy Amicogen, ANV dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/ năm. Do mới bước đầu khai thác mảng C&G nên ANV được kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận cho mảng này. Mảng C&G dự kiến đem về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 85 tỷ và 4,25 tỷ đồng cho ANV trong năm 2023.