Những đổi mới kiệt xuất, đột phá về khoa học công nghệ, giành giải thưởng VinFuture lần thứ 2

THDV Thứ năm, ngày 22/12/2022 11:07 AM (GMT+7)
Hệ thống lọc chất độc Asen ra khỏi nước với chi phí thấp; Hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán chính xác cấu trúc 3D của protein - AlphaFold 2; Công trình nghiên cứu, phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn..., được đánh giá là những đổi mới kiệt xuất của nhân loại, đã giành giải thưởng Vinfuture lần thứ 2.
Bình luận 0

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trị giá 500.000 USD được trao cho giáo sư Thalappil Pradeep (khoa hóa học Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ) vì đã phát triển hệ thống lọc nước chi phí thấp để loại bỏ asen khỏi nước ngầm, có ích với hàng triệu người ở phía Nam Á.

Giải Hệ thống lọc nước nhiễm Asen và kim loại nặng với chi phí thấp

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới trị giá 500.000 USD được trao cho tiến sĩ Demis Hassabis (phó chủ tịch kỹ thuật tại Google DeepMind), nhà sáng lập Công ty DeepMind, cho vai trò khởi xướng AlphaFold và tiến sĩ John Jumper, nhà nghiên cứu cao cấp của DeepMind, vì đã phát triển AlphaFold 2.

Đây là một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán chính xác cấu trúc 3D của protein giúp giải quyết một trong những vấn đề sinh học thách thức nhất là "bài toán cách gấp protein" có ý nghĩa quan trọng đối với cả nghiên cứu cơ bản và điều chế thuốc.

AlphaFold 2 giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc từ vài năm xuống chỉ còn vài ngày, thậm chí là vài phút, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng trong đời sống. Công trình cũng đã cung cấp cơ sở dữ liệu về cấu trúc của hơn 200 triệu protein làm tài nguyên nghiên cứu cho hàng nghìn nhà khoa học khác trên thế giới.

Công trình của hai ông đã tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.

Giải Hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ trị giá 500.000 USD được trao cho giáo sư Pamela C. Ronald (ĐH California, Davis, Mỹ) vì công trình nghiên cứu đột phá trong việc phân lập gene Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.

Từ gene lúa Sub1, Giáo sư Pamela C. Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gene sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao. Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Giải Phân lập gen Sub1A tạo giống lúa chịu ngập dài hạn năng suất cao


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem