Những khó khăn, vướng mắc Lạng Sơn cần "gỡ" trong xuất khẩu nông sản

19/04/2020 09:12 GMT+7
Dịch covid- 19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát phòng chống dịch đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) gây nhiều khó khăn trong hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam. Lạng Sơn đang nỗ lực đàm phán với phía Trung Quốc vừa tạo điều kiện thuận lợi XNK hàng hóa vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đối với Việt Nam, cụ thể: Thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, còn 5 tiếng/ngày và nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ tại các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam; dừng hoạt động thông quan tại cửa khẩu Bình Nghi; chưa cho nhập khẩu mặt hàng thủy hải sản tươi sống qua cửa khẩu Cốc Nam; chưa thực hiện việc bổ sung, mở rộng thêm các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được nhập khẩu bằng đường sắt ga Đồng Đăng sang Trung Quốc giống như qua các cửa khẩu đường bộ.

Những khó khăn, vướng mắc Lạng Sơn cần "gỡ" trong xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Xe chở hàng hóa chờ thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Do vậy, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn, năng lực thông quan giảm, từ ngày 7/4 (thời điểm áp dụng đội lái xe chuyên trách) lượng xe xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 600 lượt xe xuất nhập khẩu/ngày (giảm khoảng 50% so với thời gian trước đó và những ngày cuối tuần chỉ đạt gần 400 xe xuất nhập khẩu/ngày); lượng xe tồn tại các cửa khẩu trên địa bàn luôn duy trì từ trên 2.300 - trên 2.600 xe (phần lớn là nông sản, trái trái cây tươi). UBND tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần đề nghị phía Trung Quốc phân luồng, cho khôi phục thông quan để nhập khẩu nông sản qua tất cả các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như: Chi Ma, Bình Nghi, Nà Nưa, Na Hình, Pò Nhùng để góp phần tăng khả năng thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh nhưng chưa được thực hiện.

Những khó khăn, vướng mắc Lạng Sơn cần "gỡ" trong xuất khẩu nông sản - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành văn bản khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả điều tiết giảm hoặc hạn chế đưa hàng hoá xuất khẩu lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhưng lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh nội địa lên cửa khẩu duy trì ở mức 400-450 xe/ngày Trước tình trạng trên, ngày 13/4/2020 UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tạm thời dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu trong thời gian 15 ngày để tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo giải quyết thông quan lượng hàng xuất khẩu đang tồn tại cửa khẩu. Đây là các giải pháp chủ động đưa ra để tỉnh Lạng Sơn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung giải quyết lượng trái cây tồn đọng tại cửa khẩu Tân Thanh. Những ngày gần đây, lượng xe chờ hàng hóa xuất nhập khẩu lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ở mức từ 300 - 350 xe/ngày.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước những quy định kiểm soát chặt chẽ như vậy từ phía Trung Quốc, xuất khẩu qua cửa khẩu gặp khó, hàng nghìn xe hàng hóa vẫn ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn. Cụ thể Trung Quốc yêu cầu thành lập đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, mỗi bên khoảng 300 lái xe; chỉ cho phép lái xe có hộ khẩu tại Lạng Sơn; có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với covid-19 (sau 14 ngày phải xét nghiệm lại); lưu trú tạm thời trong khu vực cửa khẩu. Danh sách lái xe được lực lượng chức năng hai bên gửi thông báo, thống nhất, cấp thẻ để phối hợp quản lý và kiểm tra y tế hàng ngày.

Những khó khăn, vướng mắc Lạng Sơn cần "gỡ" trong xuất khẩu nông sản - Ảnh 3.

Lượng hòa hóa ùn ứ tại cửa khẩu hiện trên 2.600 xe

Do thực tế đa số lái xe đều đã có giao dịch gắn bó với các chủ hàng, doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong cả nước; số lượng lái xe của tỉnh Lạng Sơn không đáp ứng được số lượng nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trao đổi với phía Trung Quốc để danh sách lái xe được đến từ các tỉnh, thành khác của Việt Nam (trừ 5 tỉnh phía Trung Quốc cho rằng có diễn biến phức tạp về dịch bệnh là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Ninh).

Hiện nay, Đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 492 lái xe và cửa khẩu Tân Thanh là 460 lái xe, Chi Ma khoảng 50 lái xe đảm bảo duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, việc xét nghiệm PCR với covid-19 đối với đội lái xe chuyên trách, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Y tế chủ động triển khai thực hiện, nhưng hiện đang  khó khăn về hóa chất xét nghiệm nên việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Về giá dịch vụ thuê lái xe chuyên trách: Để tránh việc chèn ép về giá thuê dịch vụ lái xe chuyên trách, tỉnh Lạng Sơn đã giao các sở, ngành và lực lượng chức năng chủ trì hiệp thương thống nhất với các lái xe, doanh nghiệp, chủ hàng về giá dịch vụ thuê lái xe chuyên trách. Mức giá này là mức giá tối đa (mức chi trả tối đa), có sự theo dõi, giám sát của cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, chủ hàng xuất nhập khẩu hàng hóa và lái xe chuyên trách làm cơ sở thỏa thuận trong việc chi trả, thanh toán dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua biên giới trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trường hợp lái xe chèn ép các doanh nghiệp, chủ hàng xuất nhập khẩu hàng hóa vượt quá mức như trên thì sẽ bị loại ra khỏi danh sách lái xe chuyên trách.

Những khó khăn, vướng mắc Lạng Sơn cần "gỡ" trong xuất khẩu nông sản - Ảnh 4.

Tại cửa khẩu Tân Thanh, phía Trung Quốc nghỉ ngày cuối tuần nên hàng hóa Việt Nam không thể thông quan xuất khẩu.

Việc dán biển số xe điện tử tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị quan đã được phía Trung Quốc yêu cầu thực hiện từ giữa năm 2019, theo đề nghị là để nâng cao năng lực thông quan, giảm thời gian trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh (phía Trung Quốc cho biết đây là hệ thống của Hải quan Trung Quốc được kết nối từ cửa khẩu đến Tổng cục); UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Sở Giao thông vận tải báo cáo xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải (Báo cáo số 2028/BC-SGTVT ngày 29/8/2019); theo đó, đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét đàm phán với Chính phủ Trung Quốc nghiên cứu, sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc và Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước về việc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ, đưa nội dung thực hiện Biển số xe điện tử vào phạm vi thích hợp của Hiệp định và Nghị định thư hướng dẫn để thống nhất triển khai thực hiện. Tuy nhiên đến nay chưa có thông tin hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

Liên quan đến nội dung này, trong tháng 8/2019 và đầu tháng 4/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn gửi 02 Công hàm và 1 Thư công tác đề nghị lực lượng chức năng phía Trung Quốc không thực hiện việc cấp biển số xe điện tử và dán lên kính chắn gió các xe vận tải hàng hóa của Việt Nam cho đến khi được cấp có thẩm quyền hai Bên thống nhất thực hiện. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn triển khai thực hiện việc cấp, dán biển số xe điện tử lên các phương tiện của Việt Nam từ ngày 10/4/2020. Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Biên phòng tại cửa khẩu đã thực hiện việc tháo các Biển xe điện tử do phía Trung Quốc dán lên các phương tiện của ta. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, cần tiếp tục có  ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ giao thông vận tải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nội dung trên.

Những khó khăn, vướng mắc Lạng Sơn cần "gỡ" trong xuất khẩu nông sản - Ảnh 5.

Hàng hóa ùn ứ tại Bến xe Tân Thanh, Lạng Sơn.

Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh: Với việc phía Trung Quốc chỉ thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu 5 tiếng/ngày (sáng từ 08 giờ đến 11 giờ, chiều từ 12 giờ đến 14 giờ) và nghỉ làm việc thứ 7, chủ nhật (trước đây cuối tuần vẫn thông quan bình thường); năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vốn đã hạn chế do phía Trung Quốc thiếu lao động xếp dỡ hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch bệnh (trước đây 85% lao động xếp dỡ hàng hóa tại bến bãi phía Trung Quốc là người Việt Nam) nay lại càng hạn chế hơn. Từ ngày 7/4 đến nay lượng xe xuất khẩu hàng ngày chỉ đạt từ 80 - 100 xe (có ngày chỉ xuất được 39 xe) trong khi năng lực xếp dỡ, giải phóng hàng hóa (cửa khẩu Pò Chài, Trung Quốc) chỉ đạt 50 - 60 xe/ngày (trong tháng 3 có ngày xuất được trên 200 xe và trước khi có dịch xuất từ 300 - 350 xe/ngày). Lượng xe tồn tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Pò Chài luôn duy trì trên 1.000 xe/ngày.

Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần có ý kiến với Quảng Tây cho xe không hàng của Trung Quốc sang bến bãi cách ly tại cửa khẩu Tân Thanh nhận hàng để giải quyết khó khăn về lao động (tỉnh Lạng Sơn sẽ bố trí phát miễn phí khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế cấp cho lái xe Trung Quốc). Hoặc tỉnh Lạng Sơn thành lập Đội lao động để sang Pò Chài, Trung Quốc bốc xếp hàng hoá nhằm tăng năng lực thông quan (người lao động được kê khai đầy đủ thông tin, được kiểm tra sức khỏe hằng ngày, được hướng dẫn các kỹ năng phòng chống dịch bệnh và cam kết tuân thủ các nội quy, quy định của Trung Quốc). Tuy nhiên đến nay phía Trung Quốc chưa đồng ý cho phương tiện sang nhận hàng và việc đưa lao động của Việt Nam sang chưa đạt được sự thống nhất về công tác quản lý lao động và phương thức giao dịch, thỏa thuận giá xếp dỡ hàng hóa.

Tại cửa khẩu song phương Chi Ma: Hiện nay Chính phủ hai nước chưa xác nhận thời gian làm việc chính thức của cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) và bổ sung cặp cửa khẩu vào phụ lục Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung nên ảnh hưởng đến hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục