Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa

Dạ Tư Thứ năm, ngày 22/02/2024 06:05 AM (GMT+7)
Từ tháng 6/2023, chị Nguyễn Thị Điệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cùng các chị em trong xã đã quen với công việc không lương mang tên: “Biến rác thải thành tiền".
Bình luận 0

“Biến rác thải thành tiền"

5 giờ 30 phút, khi trời bắt đầu hửng sáng, chị Nguyễn Thị Điệp đã có mặt tại điểm tập kết - nơi chị cùng hàng chục chị em phụ nữ trong 8 tháng qua đã không ngại vất vả, thu gom phế liệu của từng hộ dân gây quỹ từ thiện.

“Trong một đợt đi tham khảo các mô hình do Hội phụ nữ Huyện Thanh Trì tổ chức. Tôi đã vô tình biết được mô hình “Biến rác thải thành tiền". Tôi thấy mô hình rất ý nghĩa và thiết thực như: Góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo ra nguồn tiền ổn định để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ vài tháng sau đó, đúng ngày 5/6/2023 (Ngày Môi trường thế giới) tôi đã nhanh chóng triển khai mô hình trên địa bàn xã” - Chị Điệp chia sẻ.

Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 1.

Từ sáng sớm, các thành viên trong Hội Phụ nữ xã Duyên Hà đã có mặt tại điểm tập kết phế liệu của mô hình “Biến rác thải thành tiền". Ảnh: Phạm Tuấn.

Những ngày đầu tiên triển khai, chị Điệp gặp nhiều khó khăn do chưa lan tỏa được ý nghĩa của mô hình nên chỉ vài người tham gia, giờ đây đã lên đến 50 thành viên trên mỗi buổi thu gom rác của Hội Phụ nữ xã Duyên Hà.

Từ 360.000 đồng trong buổi thu gom phế liệu đầu tiên, tính đến hiện tại Hội Phụ nữ xã Duyên Hà đã có 30.000.000 đồng được gửi đến trẻ em nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo chị Điệp, số tiền dư quỹ 4.000.000 đồng sẽ tiếp tục được tăng lên, chuẩn bị cho đợt tặng quà vào ngày 01/06 sắp tới.

“Càng làm, chúng tôi lại càng cảm thấy hạnh phúc. Những phế liệu tưởng chừng như không thể mang lại giá trị to lớn lại đang là tiền đề để chúng tôi giúp đỡ được rất nhiều người. Chính vì thế, dù đây là công việc vừa không lương lại còn vất vả, nhưng từ lâu chúng tôi đều tự hào khi làm việc này" - Chị Điệp khẳng định trong hạnh phúc.

Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 2.

Là người tiên phong triển khai mô hình, chị Nguyễn Thị Điệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ ngày càng to lớn từ mọi người. Ảnh: Phạm Tuấn.

Những “người phụ nữ đồng nát”, nghề được trả lương bằng tình yêu

Sớm chủ nhật, điểm tập kết phế liệu của Hội Phụ nữ xã Duyên Hà tại thôn Đại Lan rộn ràng như một phiên chợ Tết, tiếng nói cười rộn vang cả một khoảng trời. Các thành viên nhanh chóng phân chia công việc: Người phân loại thùng cát tông, người nhanh tay chia những chai nhựa sang một bên,... Dù ai cũng có những nghề nghiệp riêng, nhưng khi đến với chương trình, tất cả đều trở thành những người thu gom phế liệu chuyên nghiệp.

Bà Trần Thị Thanh Hiền (60 tuổi, thôn Đại Lan) là người tham gia mô hình từ những ngày đầu chia sẻ: “Tuổi đã già, trước đây tôi chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu. Giờ đây, tôi thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa từ ngày tham gia mô hình. Chỉ cần có người gọi, tôi sẵn sàng lên xe đến tận gia đình để thu gom phế liệu”.

Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 3.
Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 4.

Những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của các thành viên khi tham gia mô hình "Biến rác thải thành tiền". Ảnh: Phạm Tuấn.

Đối với bà Chiến, chị Điệp hay tất cả các thành viên trong Hội phụ nữ xã Duyên Hà, khoảnh khắc khiến họ hạnh phúc nhất là khi những đồng tiền mồ hôi của cả nhóm được trao đến đúng người, đúng hoàn cảnh. "Thu gom phế liệu là công việc vất vả, với nhiều người là bẩn thỉu. Thế nhưng cứ nghĩ đến niềm hạnh phúc, những nụ cười của các gia đình khó khăn khi nhận được những đồng tiền này, chung tôi lại có thêm sức mạnh để cố gắng" - Bà Nguyễn Thị Chiến (75 tuổi, thành viên Hội Phụ nữ xã Duyên Hà) bày tỏ.

Mô hình “Biến rác thải thành tiền" không chỉ có tác động đến các thành viên trong hội phụ nữ. Những ý nghĩa của chương trình đã góp phần hình thành thói quen sống xanh, phân loại rác thải tại các hộ gia đình trong địa bàn xã.

“Mỗi tháng chúng tôi sẽ tổ chức thu gom phế liệu 2 lần. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì môi hình này trong xã. Tôi hi vọng rằng với những ý nghĩa thiết thực, mô hình sẽ được nhân rộng nhiều hơn trong xã hội” - chị Điệp chia sẻ. 

Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 5.
Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 6.
Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 7.
Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 8.
Những “người phụ nữ đồng nát" biến rác thải thành món quà ý nghĩa- Ảnh 9.

Không ngần ngại vất vả, ai cũng cố gắng để hoàn thành công việc không lương, góp phần giúp ích cho xã hội. Ảnh: Nguyệt Minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem