Nikkei: Việt Nam lập 'kỳ tích' trong chống dịch Covid-19, nhưng cuộc chiến kinh tế còn ở phía trước

07/05/2020 17:49 GMT+7
Việt Nam được nhiều chuyên gia quốc tế nhắc đến như một quốc gia hưởng lợi trong thương chiến Mỹ Trung. Giờ đây, nước ta lại về cơ bản kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Liệu các nhà hoạch định chính sách có thể biến cơ hội này thành động lực tăng trưởng kinh tế hay không, tờ Nikkei Asian Review đặt câu hỏi.
Nikkei: Việt Nam lập 'kỳ tích' trong chống dịch Covid-19, nhưng cuộc chiến kinh tế còn ở phía trước - Ảnh 1.

Được nhận định là kẻ chiến thắng trong thương chiến Mỹ Trung, Việt Nam còn kiểm soát thành công đại dịch Covid-19

Tờ Nikkei nhận định Việt Nam đã khéo léo và may mắn tận dụng mọi lợi thế để trở thành một trong những kẻ chiến thắng hiếm hoi trong thương chiến Mỹ Trung. Chính phủ nỗ lực mở cửa thị trường, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vốn đang chạy trốn khỏi thị trường Trung Quốc trước mức thuế quan trừng phạt của Mỹ. Vị trí đặc biệt thuận lợi với đường biên giới giáp Trung Quốc và chi phí nhân công rẻ cũng trở thành những điểm cộng lớn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Nike… đã tìm đến Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất của mình.

Khi thương chiến Mỹ - Trung nguội đi và đại dịch bùng phát, Việt Nam lại nhận được nhiều lời ngợi khen có cánh từ quốc tế về việc kiểm soát các trường hợp nhiễm bệnh và mở cửa trở lại các doanh nghiệp với tốc độ mà tờ Nikkei nhận định là “nhanh như chớp”. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC cũng ngợi khen phản ứng chống dịch Covid-19 kịp thời và hiệu quả của chính phủ Việt Nam. Thành công này hoàn toàn trái ngược với một số quốc gia trong khu vực như Singapore hay Indonesia, những nơi đang vật lộn với làn sóng bùng phát dịch thứ hai.

Là quốc gia có đường biên giới giáp Trung Quốc, Việt Nam chỉ báo cáo 271 ca nhiễm Covid-19 kể từ đầu mùa dịch đến nay. Tính đến hôm 7/5, đã hơn 20 ngày Việt Nam không chứng kiến ca nhiễm Covid-19 nào do lây lan trong cộng đồng. Tốc độ kiểm soát dịch bệnh được nhận định là “đầy kinh nghiệm và nhanh chóng”. Tờ Nikkei Asian Review thậm chí gọi con số 0 ca tử vong do đại dịch Covid-19 trên tổng số 96 triệu dân của nước ta là “một kỳ tích”. Trong khi đó, một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines với dân số xấp xỉ 105 triệu người đã báo cáo 630 ca tử vong. Còn ở bên kia bán cầu, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ báo cáo 1,2 triệu ca nhiễm dịch Covid-19.

Đây được coi là cơ hội lớn cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hôm 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5%, tức là vẫn còn nhiều dư địa để kích thích kinh tế thông qua chính sách tiền tệ. Vào cuối năm 2019, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam ước tính khoảng 38% và được dự báo tăng lên 42,5% trong năm nay, theo Fitch Ratings. Con số này thấp hơn nhiều tỷ lệ nợ quốc gia vượt quá 310% GDP của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây không phải là lúc để ăn mừng. Cú sốc cung - cầu toàn cầu do đại dịch Covid-19 đang tấn công tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Quỹ tiền tệ IMF mới đây dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,7% trong năm 2020, thấp hơn nhiều mức tăng hơn 7% năm 2018 và 2019. Nguyên nhân là do ngành du lịch trong nước, nơi đóng góp tới 10% vào GDP quốc gia gần như đã đóng băng. Là một nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu chiếm vai trò quan trọng, sự phục hồi kinh tế có vẻ xa vời với Việt Nam khi các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu chứng kiến nhu cầu giảm mạnh.

Một rủi ro đáng quan ngại khác cũng đang dần tăng lên, là nguy cơ quan hệ Mỹ - Trung rạn nứt và chiến tranh thương mại 2.0 bùng nổ khiến thương mại toàn cầu bất ổn. Những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang cân nhắc các hành động trả đũa Bắc Kinh do cáo buộc hành động sai lầm của Trung Quốc trong xử lý đại dịch đã khiến dịch bệnh lan rộng toàn cầu, gây thiệt hại nặng nề cho Mỹ. Ông Trump thậm chí đe dọa tiếp tục dùng thuế quan như một công cụ trừng phạt Bắc Kinh. 

Tờ Nikkei cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đã giảm tốc do đại dịch Covid-19, Việt Nam khó có thể tiếp tục hưởng lợi từ thương chiến 2.0 như những gì xảy ra hồi năm 2019. Bằng chứng là một cuộc khảo sát hồi tháng 4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 60% các công ty đối diện với rủi ro thiếu vốn và giảm dòng tiền. Ít nhất 35.000 công ty đã phá sản trong quý I/2020.

Kết lại bài phân tích, tờ báo này cảnh báo Việt Nam nên đa dạng hóa nền kinh tế ngoài lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho công tác giáo dục, đào tạo để tăng cường năng suất sản xuất. Quan trọng không kém là thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước để nhường chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân và khởi nghiệp, tạo nền luồng gió mới cho nền kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục