Ninh Bình: Nghề độc đáo nhất Việt Nam- bện rơm khô thành đuôi trâu "khổng lồ" bán sang Nhật Bản

Phạm Anh Thứ năm, ngày 09/09/2021 12:06 PM (GMT+7)
Từ những cọng rơm khô tưởng như bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo của thợ thủ công mỹ nghệ, đã làm ra những đồ vật với đủ hình dáng để xuất khẩu sang Nhật Bản, đem lại thu nhập tương đối cao cho bà con làm nghề ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Clip: Quấn, tết "đuôi trâu" xuất khẩu sang Nhật Bản, nông dân ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có thu nhập khá.

Khi nghề dệt chiếu cói truyền thống hàng trăm năm ở huyện Kim Sơn dần mai một, các thợ thủ công mỹ nghệ ở đây đã liên tục đổi mới cả về mẫu mã và chất liệu, sao cho phù hợp với các thị trường xuất khẩu chính.

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 2.

Gia đình chị Trần Thị Hạnh làm công việc quấn, tết "đuôi trâu" xuất ngoại hơn 20 năm qua.

Nhiều chất liệu sẵn có ở địa phương đã được tận dụng, như: cây bèo tây, dây đay, bẹ chuối... Đặc biệt, vệc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với nguyên liệu bằng rơm khô,  trở thành hướng đi đột phá, mang lại thu nhập cao, phát triển nghề truyền thống ở đây lên một tầm cao mới.

Nghề quấn, tết rơm khô xuất hiện ở huyện Kim Sơn có khoảng hơn 20 năm nay, nhưng thời gian gần đây ngày càng có nhiều người tham gia hơn, do có thu nhập tốt. Mỗi năm, cứ đến vụ lúa (một năm hai vụ) là người dân ở nơi đây lại nhộn nhịp với công việc quấn rơm khô thành các con thú xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thông thường công việc này bắt đầu từ đầu tháng 4 và kéo dài cho đến hết tháng 9 (âm lịch). Có những năm việc nhiều, bà con ở đây làm đến gần hết năm, việc nhiều nên ai đấy cũng phấn khởi làm ngày làm đêm.

Do hình dáng nhìn kỳ lạ, có phần giống đuôi trâu nên mọi người ở đây cứ gọi vui với nhau là quấn đuôi trâu. Cũng từ đó mà cái nghề quấn đuôi trâu hình thành, trải qua hơn 20 năm nay, nghề quấn đuôi trâu ngày càng phát triển và đem lại thu nhập cao hơn so với các nghề truyền thống khác.

Hiện nghề này đang phát triển mạnh ở các xã Ân Hòa, Kim Chính, Như Hòa, Quang Thiện.... và đang là nghề mang lại thu nhập rất cao. Cái nghề lạ này cũng đang lan rộng ra một số huyện khác như Yên Khánh, Nho Quan... và thu hút được rất đông lao động.

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 3.

Nguyên liệu chính để làm đuôi trâu là thân các cây lúa tám thơm, loại lúa này sau khi được cấy được khoảng 45 ngày (lúa chưa trổ bông) sẽ được được doanh nghiệp thu mua, cắt về đem phơi, sấy khô và cung cấp cho bà con làm nghề.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thứ mà bà con đang gọi là "đuôi trâu" thực chất là một đồ trang trí vào các dịp đầu năm mới và có tên gọi là Shimenawa ở đất nước Nhật Bản. Theo văn hóa của người Nhật, vào các ngày tết mọi người thường treo Shimenawa ở trước cửa nhà, với mong muốn mang nhiều may mắn đến với gia đình mình, xua đuổi ma quỷ, chào đón các vị thần...

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 4.

Khi quấn rơm đôi bàn tay phải chắn chắn, cẩn thận mới ra được sản phẩm đẹp và đúng theo tiêu chuẩn

Theo chị Trần Thị Hạnh (45 tuổi, ở xóm 16, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), một người thợ lâu năm và có tay nghề cao nhất trong vùng cho biết, nguyên liệu để làm " đuôi trâu" là lúa tám thơm cao cây. Loại lúa này, sau khi cấy được khoảng 45 ngày, ở giai đoạn "thì con gái" mướt mát, thơm ngào ngạt sẽ được cắt về đem sấy khô.

Khi sấy lên, rơm lúa có màu xanh, thơm mùi lúa non và có độ dẻo dai  phù hợp cho việc quấn, tết. Lúa được các doanh nghiệp trồng, thu hoạch rồi sấy khô, sau đó giao cho người dân.

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 5.

Công việc quấn, tết đuôi trâu giúp chị Hạnh có thu nhập từ 400-500 ngàn đồng/ngày.

Mọi người chỉ việc đến nhận và mang về nhà đến quấn, tết theo yêu cầu mẫu mã của doanh nghiệp cung cấp. Khi sản phẩm hoàn thành, người dân sẽ thu gom nhập cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua xứ sở mặt trời mọc.

"Đuôi trâu có rất nhiều mẫu mã và kích thước, mỗi chiếc có giá khoảng vài nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng tôi có thể kiếm được khoảng 400 - 500 ngàn đồng, có những đợt phía doanh nghiệp đặt quấn loại cỡ lớn, dài cả chục mét thì có thể kiếm được gần 1 triệu/ngày" - chị Hạnh tiết lộ.

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 6.

Nghề quấn đuôi trâu đã và đang đưa nghề thủ công mỹ nghệ ở huyện Kim Sơn lên một tầm cao mới.

Nhờ cái nghề độc đáo này mà sau mỗi vụ mùa rảnh rỗi, gia đình chị Hạnh lại có thêm thu nhập, cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Nhờ vậy, vợ chồng chị có điều kiện để nuôi con cái ăn học, trang trải cho cuộc sống.

Cách đó không xa là gia đình nhà bà Trần Thị Mỵ (48 tuổi, ở xóm 9, xã Quang Thiện), vừa quấn đuôi trâu, bà Mỵ chia sẻ, quấn đuôi trâu này rất nhiều công đoạn, rơm lúa sau khi được lấy về sẽ được phân loại. Loại rơm xấu được làm con độn bên trong, còn loại đẹp dùng để quấn, tết bên ngoài.

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 7.

Khi sản phẩm hoàn thành, người làm nghề sẽ thu gom nhập cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua xứ sở mặt trời mọc.

Nhà bà có 3 lao động thực hiện công việc theo dây chuyền, chồng bà Mỵ làm công việc sản xuất con độn và làm chân. Còn việc quấn, tết đuôi trâu chỉ hợp với phụ nữ khéo tay, chịu khó như bà Mỵ, công đoạn cuối cùng nhặt mối cho sạch thì dành cho con cái hoặc người già trong gia đình phụ giúp.

Công việc "quấn đuôi trâu" của gia đình bà Mỵ bắt đầu từ 6h sáng cho đến 11h trưa, buổi chiều bắt đầu từ 14h cho đến chập tối. Có ngày doanh nghiệp yêu cầu hàng gấp thì làm đến tận khuya mới nghỉ, mỗi ngày gia đình bà kiếm được vài trăm ngàn từ công việc này.

Ninh Bình: Đưa rơm khô xuất ngoại, nông dân ở đây có thêm thu nhập khá - Ảnh 8.

"Năm nay dù bị ảnh hưởng từ covid-19, nhưng lượng hàng vẫn nhiều như các năm. Đặc biệt, giá cả lại tăng hơn so với các năm nên người làm cũng có đồng công cao hơn" - bà Mỵ tiết lộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem