Ninh Bình phát triển quần thể du lịch xanh được làm bằng cây tre "khủng" nhất Đông Nam Á

Huy Hoàng Thứ ba, ngày 26/04/2022 17:27 PM (GMT+7)
Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với sản phẩm du lịch bản địa của đồng bào các dân tộc, thì một quần thể du lịch xanh được xây từ hơn 200.000 cây tre được đưa vào hoạt động và thu hút khách du lịch.
Bình luận 0

Cụ thể, chương trình Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan do Sở Du lịch Ninh Bình tổ chức thường niên với mục đích đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa, ẩm thực, đặc biệt là các đặc sản núi rừng sẽ được trưng bày để du khách hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây.

Theo ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, năm nay chương trình Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan sẽ được tổ chức cùng với Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn, nhằm kích cầu và đưa ra sản phẩm du lịch mới, một quần thể thể du lịch xanh  - Vedana Resort được làm từ hơn 200.000 cây tre được đưa vào hoạt động và thu hút khách du lịch.

Ninh Bình phát triển quần thể du lịch xanh với số lượng cây tre "khủng" nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Những dụng cụ sinh hoạt của dân tộc Mường được trưng bày tại quần thể du lịch xanh. Ảnh: N.B

Điểm nhấn của quần thể du lịch xanh là các công trình bằng tre thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á, như nhà đón tiếp xây dựng từ 23.000 cây tre và Trung tâm hội nghị với 113.000 cây tre; nhà hàng tre rộng hơn 1.000m2, có chiều cao 15 mét (tương đương một tòa nhà 5 tầng) được xây dựng từ hơn 70.000 cây tre để phục vụ các hoạt động hội nghị, team building… Toàn bộ các công trình này đều không sử dụng vật liệu kim loại để kết nối các thân tre, mà thay vào đó bằng việc dùng kĩ thuật đặc biệt để ghép bởi các thanh tre vót nhọn và dây dù và trong tương lai quần thể này sẽ hiện hữu một Bảo tàng văn hóa Mường với quy mô 1.000 m2.

Chia sẻ về quần thể du lịch xanh, ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương (Vedana Resort) cho hay: "Để làm được những công trình bằng tre này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, cây tre sau khi được ngâm, tẩm, sấy, xử lý kỹ thuật sẽ không bị mối mọt, độ bền cao không thua kém gì so với vật liệu công nghiệp nhưng lại rất gần gũi với thiên nhiên. 

Điều thú vị là toàn bộ các công trình bằng tre không hề sử dụng bất kỳ một vật liệu kim loại nào trong thân tre hoặc kết nối các thân tre với nhau, mà chúng tôi dùng kỹ thuật đặc biệt nhưng rất truyền thống là gắn kết các thân tre với nhau bằng thanh tre vót nhọn và các loại dây dù bện chặt. Kỹ thuật này không phải ai cũng thực hiện được mà phải là những người thợ có tay nghề cao, tài hoa và thực sự am hiểu về tre mới có thể làm được".

Ninh Bình phát triển quần thể du lịch xanh với số lượng cây tre "khủng" nhất Đông Nam Á - Ảnh 2.

Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thì cho hay, huyện được thiên nhiên ban tặng nhiều di tích lịch sử và danh thắng như động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, nước khoáng nóng Cúc Phương. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Vườn Quốc gia Cúc Phương là địa danh du lịch từng 2 năm liền (2019, 2020) nhận danh hiệu Vườn quốc gia hàng đầu châu Á do World Travel Awards, với khu bảo tồn động thực vật quý hiếm và những di tích văn hóa được xác định có từ sơ kỳ đồ đá mới...nên ngoài mục tiêu bảo tồn văn hóa dận tộc Mường, thì huyện cũng khuyến khích đồng bào dân tộc ở các xã mạnh dạn đầu tư làm du lịch, đồng thời, tư vấn, hỗ trợ cho bà con xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Ninh Bình phát triển quần thể du lịch xanh với số lượng cây tre "khủng" nhất Đông Nam Á - Ảnh 3.

Những cây cổ thụ tại vườn Quốc gia Cúc Phương được du khách thích thú khám phá và check-in

Được biết, trong chương trình Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan tổ chức cùng với Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn sẽ được diễn ra khai mạc ngày 29/4 tại vườn Quốc gia Cúc Phương với sự tham gia của 7 xã dân tộc và miền núi.

Chương trình diễn ra các sự kiện hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; hội trại gắn với trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương. 

Điểm nhấn cuốn hút là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn cồng chiêng, múa sạp; giao lưu nghệ thuật quần chúng; đêm hội âm nhạc. Hoạt động thể thao có bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, kéo co. Các trò chơi dân gian truyền thống trong ngày hội có bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, đánh mảng, đánh đu, ném còn...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem