Ninh Thuận: Tiền vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 11/03/2021 10:00 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) đã có thêm kinh phí để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi con đặc sản, trồng cây đặc sản, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Không ít hộ đã vươn lên trở thành hộ khá giả.
Bình luận 0

Hỗ trợ vốn nuôi dê

Chị Lê Thị Thanh Trang, (thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến) là 1 trong những hộ được vay vốn Quỹ HTND. Chị Trang cho biết: Trước đây, gia đình chị thuộc diện cận nghèo, nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ việc làm thuê và chăn nuôi dê nhỏ lẻ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy là hộ có ý chí trong lao động, Hội ND xã đã tạo điều kiện cho chị vay 25 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản.

Có vốn, gia đình chị Trang đã đầu tư chuồng trại và mua 7 con dê cái để nuôi. Nhờ điều kiện thuận lợi và sự nỗ lực chăm sóc, đàn dê của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt. Những năm gần đây, chị Trang có thu nhập 30 - 35 triệu đồng/năm từ bán dê thịt. Khi đã có thu nhập ổn định, anh Phùng đã hoàn thành việc trả vốn trước thời hạn khoảng 1 năm.

Ưu tiên vốn Quỹ cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi dê vay vốn Quỹ HTND của hội viên nông dân xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Ảnh: Duy Quan

Theo thống kê, đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có trên 60% hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vào Quỹ HTND. Theo đó, đối với các mô hình đã kết thúc được bà con duy trì, nhân rộng triển khai.

Tương tự, gia đình bà Lê Thị Kim Dung (thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến) cũng thuộc diện cận nghèo. Khi tiếp cận nguồn Quỹ HTND, bà Dung cũng được vay 25 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Lúc đầu bà mua 9 con, hiện đã phát triển đàn lên đến 16 con. Mỗi năm bà Dung thu nhập ổn định 35 - 40 triệu đồng từ bán dê. Gia đình bà Dung cũng đã thoát nghèo và hoàn thành việc trả vốn trước thời hạn.

Ưu tiên vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Hội ND huyện Bác Ái, nguồn Quỹ HTND được triển khai từ năm 2013, thực hiện theo hình thức xoay vòng, chu kỳ vay 1 - 3 năm. Hội viên vừa tập trung phát triển các mô hình, dự án kinh tế, vừa tích góp hoàn trả vốn và phí để các hộ khác tiếp tục sử dụng. Vì thế, các hội viên khi đăng ký vay vốn đều tập trung đầu tư vào các mô hình sản xuất hiệu quả để mau chóng hoàn vốn cho Quỹ HTND.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ tịch Hội ND huyện Bác Ái cho biết: Theo thống kê, đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có trên 60% hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vào Quỹ HTND. Theo đó, đối với các mô hình đã kết thúc được bà con duy trì, nhân rộng triển khai. Điển hình như mô hình trồng chuối sứ tại xã Phước Bình, mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung, nuôi bò vỗ béo ở xã Phước Chính. Còn các mô hình đang trong quá trình triển khai thì đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hội viên. Các hội viên được hưởng lợi từ nguồn Quỹ HTND có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì và phát triển hiệu quả mô hình để trả vốn đúng và trước kỳ hạn.

Cũng theo ông Nghĩa, để phát huy hiệu quả vốn vay, trong quá trình bình xét, Hội ND tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, có tinh thần trách nhiệm trong sử dụng vốn vay. Đến nay, nguồn quỹ đã hỗ trợ triển khai 17 dự án cho gần 120 hội viên, với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng.

Ông Nghĩa cũng cho biết, thời gian tới, Hội ND huyện Bác Ái sẽ tiếp tục đề nghị T.Ư Hội, Tỉnh hội xây dựng và phát huy tiềm năng tại địa phương. Đặc biệt là nâng mức vay vốn cao hơn để áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đáp ứng sản lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, sẽ nhân rộng những mô hình hay và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các nông dân giỏi nhằm tạo động lực phát triển sản xuất trong cộng đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem