“Nở rộ” tình trạng buôn lậu kit test nhanh, thiết bị phòng chống dịch Covid-19

Thanh Phong Thứ tư, ngày 02/03/2022 16:06 PM (GMT+7)
Lợi dụng tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, nhiều đối tượng đã tổ chức buôn lậu, kinh doanh kit test nhanh, thiết bị phòng chống dịch không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian qua, các giao dịch mua bán kit test nhanh Covid-19, máy đo nồng độ ôxy trong máu (SPO2), thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 có xu hướng gia tăng mạnh.

Lợi dụng tình trạng trên, nhiều cơ sở kinh doanh đã buôn bán các thiết bị vật tư y tế và thuốc khám chữa bệnh trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, nhiều người không có chứng chỉ hành nghề dược, không có kiến thức về y tế, vẫn rao bán và quảng cáo các sản phẩm nêu trên.

Do đó, vừa qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh các thiết bị vật tư y tế và thuốc khám chữa bệnh Covid-19 vi phạm.

Trong đó, các sản phẩm nổi bật là kit test, thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Điển hình, tối ngày 1/3, tại Hà Nội, Đội QLTT số 17 phối hợp Đội 4, PC05 (Công an Hà Nội) tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29A.071.52 đang dừng đỗ chờ giao hàng trước ngõ 202 Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội.

“Nở rộ” tình trạng buôn lậu kit test nhanh, thiết bị phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Lực lượng QLTT liên tục phát hiện các sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng thời gian gần đây. (Ảnh: QLTT)

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có 1.950 que test nhanh kháng nguyên Covid-19, do nước ngoài sản xuất (trên bao bì có nhãn chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam).

Trị giá lô hàng hóa vi phạm là gần 100 triệu đồng. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định chủ sở hữu lô hàng hóa trên là bà Hà Thu Hường. Bà Hường khai nhận, đã mua trôi nổi số hàng hóa này trên thị trường về bán kiếm lời và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cùng ngày, Đội QLTT số 5 cũng phối hợp Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra đối tượng vận chuyển hàng hóa tại địa chỉ số 902 Bạch Đằng - phường Thanh Lương - quận Hai Bà Trưng.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 900 bộ kit test Covid-19. Chủ hàng hóa là Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 2001) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Lô hàng có tổng trị giá khoảng 27.000.000 đồng. Đội QLTT số 5 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16.000.000 đồng. Đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 28/2, Đội QLTT số 17 cũng phát hiện trên 3.000 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, được chủ hàng mua trôi nổi về kinh doanh. Hay Đội QLTT số 13 mới đây phát hiện và tạm giữ 5.000 bộ kit test nhanh Covid-19 do nước ngoài sản xuất; 600 máy đo nồng độ oxy trong máu. Theo ước tính lô hàng có trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Không chỉ tại Hà Nội, theo thông tin từ, Cục QLTT Tuyên Quang, cũng trong ngày 1/3 Đội QLTT số 5 thuộc Cục vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra xe ô tô mang biển số 22A-118.21 trên Quốc lộ 2. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 1.000 bộ kit test nhanh SAR-COV-2 xuất xứ Trung Quốc có dấu hiệu nhập lậu, chủ hàng là bà Nguyễn Thị V.T.

Theo đó, bà Nguyễn Thị V.T đã bị lực lượng QLTT Tuyên Quang xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang,... lực lượng QLTT cũng liên tục phát hiện, thu giữ số lượng lớn bộ kit test nhanh Covid-19 cùng các sản phẩm điều trị Covid-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc...

Theo các chuyên gia y tế, việc ngày nào cũng mua kit test nhanh Covid-19 để xét nghiệm là không cần thiết. Đồng thời, người dân không nên quá lo lắng mua thuốc điều trị tràn lan không theo chỉ định của bác sĩ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem