Nợ xấu ngày càng tăng cao, ngân hàng khó xử vì "mắc đủ đường"

Huyền Anh Thứ năm, ngày 20/07/2023 16:17 PM (GMT+7)
Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một số nhà băng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Điểm chung của các ngân hàng này là nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu đã "phình" to so với cuối năm 2022. Trong khi đó, việc xử lý nợ vẫn "mắc đủ đường".
Bình luận 0

"Nóng ruột" vì nguy cơ nợ xấu tăng cao

Là nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2023, BacAbank ghi nhận gần 96.595 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 30/6/2023. Trong đó, nợ xấu (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) xấp xỉ 679 tỷ đồng - tăng trên 32,1% so với cuối năm 2022;  tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,55% tăng lên 0,7%.

Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 316% sau 6 tháng; nợ nghi ngờ tăng 52% và nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1,4% so với cuối năm 2022.

"Vén màn" nợ xấu ngân hàng, xử lý nợ "mắc đủ đường" - Ảnh 1.

Nợ xấu ngân hàng ngày càng "xấu"

Chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, song bức tranh nợ xấu "xấu hơn" của PGBank cũng phần nào được tiết lộ qua báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2023 của nhà băng này.

Tính đến 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của PGBank đạt 30.250 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm ngoái. Cùng với đó, số dư nợ xấu cũng tăng theo, nhưng với tốc độ tăng nhanh hơn.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2023, nợ xấu (nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 12,7%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tiến ngày càng sát với ngưỡng 3%, từ 2,56% lên 2,77%. Chưa kể, nợ cần chú ý của PGBank cũng đội lên gấp 2,2 lần sau 6 tháng đầu năm.

Với khối ngân hàng thương mại nhà nước, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 6 năm 2023 chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85% mặc dù thấp so với hệ thống, song nếu so với thời điểm cuối năm 2022 tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cũng đã nhích lên (cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Vietcombank khoảng 0,68%).

Ngay cả ông lớn Agribank, vốn có thành tích xử lý nợ xấu rất tốt 5 năm trước đây (giai đoạn 2016-2020 đưa nợ xấu từ 8,1% xuống còn 1,86%) hiện cũng "đau đầu" khi nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.

"Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn", Chủ tịch Agribank nhấn mạnh.

Có thể nói, dù đã có cơ chế việc nợ xấu gia tăng như một thực tế "không thể đảo ngược", và đã được nhà quản lý tiền tệ lường trước từ đầu năm. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng thừa nhận, 6 tháng đầu năm có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống.

Ngân hàng ngày càng khó xử lý nợ

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB đánh giá: áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu, đây là một bài toán khó cho các ngân hàng khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023.

Chuyên gia này phân tích, thông tư 02 về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng có thời hạn 1 năm đến hết tháng 6/2024, được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Các giải pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 5/2023 tăng 14%.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022, nợ nhóm 2 tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong quý II/2023.

"Áp lực nợ xấu sẽ đẩy về tương lai khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nhất là trong trường hợp các ngân hàng không kiểm soát tốt chất lượng tài sản khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng", bà Hiền nói.

"Vén màn" nợ xấu ngân hàng, xử lý nợ "mắc đủ đường" - Ảnh 2.

Ngân hàng ngày càng khó xử lý nợ xấu. (Ảnh: Dautu)

Không chỉ nóng ruột vì nguy cơ phình to của nợ xấu, các ông chủ nhà băng còn "đau đầu" vì xử lý nợ  "mắc đủ đường".

Thực tế cho thấy, thời gian qua các ngân hàng dồn dập bán đấu giá khoản nợ, rao bán tài sản bảo đảm. Số lượng các khoản nợ, tài sản được rao bán trong giai đoạn gần đây ngày càng tăng nhanh với giá trị chỉ từ trên 500 nghìn đồng (nợ tiêu dùng) cho đến các tài sản giá trị hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, việc thanh lý tài sản khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản rao bán 10 – 20 lần vẫn "ế".

Chưa hết, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc do khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Theo như lời TS Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, đại diện Hiệp hội ngân hàng đề nghị Bộ Công An, Viện kiểm sát, tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.

Ông Hùng đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án các cấp thống nhất hình thức xử lý tranh chấp liên quan đến chủ tài sản đảm bảo tạo tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng.

Về phía ngân hàng thương mại, đứng trước áp lực nặng nề về nợ xấu và xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. Do đó, ông cho rằng, ngân hàng có quyền được đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.

Trong khi đó, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB kiến nghị, Quốc hội và Chính Phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị: Giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo. Khi phát mại tài sản đảm bảo cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết. Tùy từng trường hợp, phải có thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo trong bao lâu, không phải ngân hàng thương mại thu hồi rồi "ngâm" đấy đợi giá lên mới xử lý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem