“Nợ xấu với lĩnh vực bất động sản đã giảm dần”
Phân tích về việc huy động vốn trái phiếu, cổ phiếu vào bất động sản, PGS. TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: "Quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng năm 2021 đạt 430.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước".
"Tính riêng nhóm bất động sản phát hành 172.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Do đó, nhóm bất động sản được đánh giá là chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Thông tư 16 khi chính thức có hiệu lực vào ngày 15/1/2022", PGS. TS. Trần Kim Chung cho hay.
PGS. TS. Trần Kim Chung cho rằng: "Còn những tồn tại của nguồn vốn từ cổ phiếu vận hành vào thị trường bất động sản hiện nay".
Cụ thể, sự dao động mạnh của thị trường chứng khoán làm luồng tiền lưu thông giữa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản thiếu ổn định.
Sau thời điểm lập đỉnh, sự suy giảm của thị trường chứng khoán xảy ra, dưới tác động của phản ứng của thị trường, có thể thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng luồng tiền từ thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán, sau một số phiên điều chỉnh, đã mất đi một lượng giá trị nhất định.
Ngoài ra, một số hoạt động của một số doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có hành vi vi phạm. Điều này không chỉ tác động đến bản thân doanh nghiệp mà còn có tác động đến thị trường chứng khoán nói chung và nhóm chứng khoán bất động sản nói riêng.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn trái phiếu, cổ phiếu, PGS. TS. Trần Kim Chung cho hay, Cơ quan quản lý nhà nước cần tà soát, hoàn thiện, ban hành mới hệ thống thể chế đối với thị trường bất động sản nói chung.
Theo đó, rà soát hoàn thiện văn bản về trái phiếu bất động sản; cổ phiếu bất động sản. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng hệ thống văn bản về các công cụ tài chính phái sinh bất động sản để tạo lập đa dạng nguồn vốn tài chính bất động sản nhằm giảm áp lực cho trái phiếu và cổ phiếu bất động sản...
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: "Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế".
Theo ông Hùng, trong năm 2021 lãi suất huy động giảm mạnh, thị trường vàng biến động, chứng khoán tăng cao và do tác động của đại dịch Covid-19… nên người dân đổ tiền vào bất động sản, đầu cơ lướt sóng. Song dư nợ tín dụng bất động sản tính đến cuối năm 2021 chỉ đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12% (thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế).
Tính đến ngày 31/3/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2021 tăng 2,16%); dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24%.
Bên cạnh đó, các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8%; dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%; đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%; đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,4%; đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng, chiếm 15,4%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 12,9%; đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác chiếm tỷ lệ 25,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ông Hùng đánh giá, cơ cấu tín dụng bất động sản chuyển dịch theo hướng tích cực, gần 70% là phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng, còn lại là cho vay kinh doanh bất động sản.
Mặc dù dư nợ của hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7% trên tổng dư nợ tín dụng, song tài sản bảo đảm bằng bất động sản lại chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 80%) trong tổng tài sản thế chấp mà các ngân hàng đang quản lý hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia thì dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn trong ngưỡng an toàn.
Nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản đã giảm dần: Năm 2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,48%; Năm 2018, tỷ lệ nợ xấu là 3,66%; năm 2019, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,87%. Năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,69%; năm 2021 là 1,92… Điều này cho thấy, chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từng bước được cải thiện.