Nội bộ rạn nứt, nguy cơ G7 không đạt được tuyên bố chung
Nguy cơ G7 không có tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử
Thủ tướng Đức Angela Merkel tranh luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 (Canada) tháng 6.2018. Bức ảnh thể hiện rõ tình thế rạn nứt của các thành viên G7
Trả lời giới truyền thông trong cuộc họp báo hôm 21.8, Tổng thống Pháp Macron chỉ ra rằng nỗ lực đi đến một thông cáo chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tới đây gần như là vô vọng. Ông Macron viện dẫn việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết rút chân khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đi ngược lại những nỗ lực cắt giảm lượng xả thải carbon trên toàn cầu, một trong những nội dung quan trọng của tuyên bố chung.
Hội nghị thượng đỉnh G7 quy tụ nhóm các nhà lãnh đạo từ 7 quốc gia công nghiệp phát triển gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, dự kiến diễn ra tại thị trấn Biarritz, bờ biển phía Tây Nam nước Pháp từ ngày 24-26.8 tới đây.
Trong vài năm gần đây, các nước G7 ngày càng tỏ ra khó khăn để đi tới một tuyên bố chung, mà nguyên nhân một phần là do Tổng thống Mỹ ưu tiên các hiệp định thương mại song phương hơn là đa phương.
“Không thể dự đoán Mỹ sẽ làm gì. Chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho những bất ngờ từ Trump” - ông Agathe Demarais, giám đốc phụ trách dự báo toàn cầu từ đơn vị Tình báo Kinh tế EIU nhấn mạnh. “Mỹ luôn là một ngoại lệ khó lường trong cách tiếp cận và xử lý tranh chấp”.
Những rạn nứt đã âm ỉ từ lâu
Năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Ottawa, Canada, ông Trump đã gây sốc khi bất ngờ quay lưng với tuyên bố chung vì những phát biểu mà ông cho là sai trái của Thủ tướng Canada Trudeau trong cuộc họp báo sau hội nghị. Vị Tổng thống Mỹ từ chối ký tuyên bố cuối cùng trước khi rời khỏi Hội nghị, trở về nước trong chuyến bay sớm và thậm chí buông những lời “lăng mạ” ông Justin Trudeau. Hội nghị G7 sau đó rơi vào hỗn loạn.
Dù không thừa nhận, nhưng đã có một vết nứt trong mối quan hệ giữa Mỹ và 6 quốc gia còn lại. Và Pháp trên cương vị chủ nhà giờ đây chắc chắn không hy vọng một hội nghị G6+1 với những quan điểm đối lập của Mỹ hay tranh cãi không hồi kết - quan điểm của ông Constantine Fraser, nhà phân tích chính trị châu Âu tại TS Lombard.
Ông Fraser đồng tình với quan ngại của Tổng thống Pháp Macron rằng nhiều khả năng sẽ không có thông cáo chung nào sau Hội nghị thượng đỉnh G7. “Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Khả năng có đi tới tuyên bố chung ngày càng ảm đạm”.
Trong những năm gần đây, G7 không còn là sân chơi chung dành cho các quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới, nó không thể hiện mặt trận tư tưởng thống nhất sau hàng loạt mâu thuẫn lợi ích và hiềm khích riêng.
Nước chủ nhà Pháp thời gian qua đã gây nên tồn tại những mâu thuẫn chưa thể giải quyết với Mỹ khi phê duyệt thuế kỹ thuật số 3% nhắm thẳng đến các đại gia công nghệ Mỹ. Pháp dự định sẽ thu về khoảng 28 triệu USD từ các đại gia công nghệ đang hoạt động trên thị trường này, qua đó bảo hộ và tăng cường lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất, bán lẻ nội địa.
Google, Facebook, Amazon, Apple là 4 đại công ty Mỹ lên tiếng phản đối thuế kỹ thuật số gay gắt nhất. Amazon thậm chí tăng ngay 3% chi phí bán hàng với các đối tác là doanh nghiệp có trụ sở tại Pháp, qua đó chuyển tải mức thuế kỹ thuật số mà hãng phải chịu lên đầu người tiêu dùng Pháp.
Còn Tổng thống Trump thì đe dọa sẽ trả đũa thuế kỹ thuật số bằng hàng loạt các mức thuế trừng phạt với ô tô, rượu vang...để buộc Pháp trở lại đúng hướng. Chính quyền Trump còn mở một cuộc điều tra mức thuế kỹ thuật số dựa trên Mục 301 đạo luật thương mại 1974 của WTO. Không chỉ riêng Pháp, nhiều quốc gia Châu Âu khác cũng đang xem xét áp dụng mức thuế này, điều có nguy cơ khiến xung đột Mỹ - EU trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh vấn đề thuế kỹ thuật số, những mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ G7 về thỏa thuận Brexit, vấn đề đưa Nga trở lại G7, xung đột thương mại, suy thoái kinh tế… cũng trở thành trở ngại lớn cho tuyên bố chung.