Quảng Nam triển khai tập huấn cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam cho biết: Sau hơn 7 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế nông nghiệp, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn.

Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống…

Ông Vũ cho biết, thông qua lớp tập huấn này, các chủ thể OCOP, cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp sẽ hiểu rõ và chuẩn hóa các sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP năm 2025.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu được phổ biến một số nội dung về triển khai Chương trình OCOP như: Xây dựng và triển khai phương án/dự án sản xuất kinh doanh; phát triển sản phẩm; đánh giá phân hạng sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở; quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất năm 2025.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 493 sản phẩm được công nhận OCOP, với 207 chủ thể tham gia. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 60 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 38 điểm, trung tâm OCOP. Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện, nâng cấp hơn 200 sản phẩm đã công nhận; phát triển mới 200 sản phẩm; phát triển từ 3-4 làng du lịch sinh thái cộng đồng; có ít nhất 5 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Xây dựng 45 điểm bán hàng OCOP, 8 trung tâm OCOP cấp huyện, 2 trung tâm OCOP cấp tỉnh, 1 trung tâm OCOP cấp vùng. Đến năm 2025, doanh số bán hàng OCOP đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận trên 80 tỷ đồng…