"Nỗi đau" ở vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây (Bài 1)

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 19/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây với hơn 14.000ha. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 700ha, tức đã có trên 13.000 ha (chiếm 95%) không còn trồng khoai mà chuyển sang cây trồng khác.
Bình luận 0

LTS.Từ một vựa khoai lớn nhất các tỉnh miền Tây, đến nay, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chỉ còn khoảng 700ha khoai lang. Việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi Trung Quốc liên tục có những thay đổi trong kiểm soát thực phẩm nhập khẩu đã khiến thị trường tiêu thụ khoai lang Bình Tân bị thu hẹp. 

Tìm giải pháp phát triển ổn định một đặc sản của Bình Tân đang là một câu hỏi khó lúc này.

Bài 1: Diện tích khoai lang Bình Tân giảm đến 95%

Khoai lang Bình Tân từ 14.000ha giảm xuống còn 700ha

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân cung cấp cho Báo Dân Việt, trong 6 tháng đầu năm 2022, diện tích khoai lang (chủ yếu là khoai lang tím) trên địa bàn toàn huyện chỉ ghi nhận được 700ha (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 6.300ha).

Người dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ về việc thua lỗ khi trồng khoai lang tím. Video: Huỳnh Xây

Cũng theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, diện tích khoai lang trên địa bàn huyện ghi nhận nhiều nhất vào năm 2018 với khoảng 14.000ha. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay diện tích giảm liên tục. Cụ thể, năm 2019 ghi nhận 13.500ha; năm 2020 là 12.700ha; năm 2021 là 7.300ha.

Bài 1: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây: Giảm 95% diện tích, diện tích nhỏ còn lại có thể không giữ được - Ảnh 1.

Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc (xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bên 2ha khoai lang tím chưa bán được. Ảnh: Huỳnh Xây

Để tìm hiểu rõ về nguyên nhân diện tích khoai lang Bình Tân giảm mạnh đáng kinh ngạc trên, phóng viên đã đi qua nhiều xã có diện tích trồng khoai lang lớn để tìm hiểu. Theo đó, phần lớn người dân cho biết, không còn trồng khoai lang nữa là vì nhiều năm thua lỗ liên tiếp, không cầm cự nổi.

Gặp phóng viên, ông Sơn Văn Luận - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) cho hay, từ năm 2016-2019, hợp tác xã có trên 200ha trồng khoai lang tím. Từ năm 2019 đến nay, diện tích trồng khoai giảm dần và hiện chỉ còn 2ha.

"2ha này là đất của tôi. Do giá khoai lang tím giảm, chỉ 100.000 đồng/tạ (60kg) nên không bán được, khi nào giá tăng mới bán. Nếu đợi hoài giá không tăng thì tôi bán theo dạng khoai dạt" - ông Luận nói.

Ông Luận nói tiếp: "Tính ra giá 1kg khoai lang tím chỉ hơn 1.600 đồng, mức giá này không đủ để thuê người thu hoạch khoai, còn chi phí đầu tư coi như mất trắng. Do không thấy ai trồng, tôi trồng thử coi có giá không, nào ngờ giá tiếp tục giảm".

Bài 1: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây: Giảm 95% diện tích, diện tích nhỏ còn lại có thể không giữ được - Ảnh 2.

Vựa khoai của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc (xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đã ngừng hoạt động hơn 1 năm. Ảnh: Huỳnh Xây

"Ngày xưa vùng này toàn trồng khoai lang tím, đi đâu cũng thấy khoai. Hiện đã giảm hơn 90% diện tích. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc không mua, còn các nước khác thì mua rất ít và mua chậm. Phần lớn người dân thua lỗ 1 công (1.000m2) khoảng 12 triệu đồng" - ông Luận khẳng định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc có 50 công nhân làm công việc lựa khoai tại vựa. Thế nhưng, vựa khoai của hợp tác xã đã ngừng hoạt động hơn 1 năm.

Số ít diện tích đang trồng khoai lang có thể không giữ được

Theo ông Luận, ngoài Hợp tác xã Thanh Ngọc, các hợp tác xã khác và người dân trồng khoai ở Bình Tân cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Về xã Tân Thành thuộc huyện Bình Tân, phóng viên Dân Việt được nhiều hộ dân cho hay, phần lớn diện tích trồng khoai lang tím đã chuyển đổi sang trồng mít Thái, lúa, đậu bắp,...

Bài 1: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây: Giảm 95% diện tích, diện tích nhỏ còn lại có thể không giữ được - Ảnh 3.

Diện tích trồng khoai lang tím ở huyện huyện Bình Tân chỉ còn 700ha. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Võ Văn Tước (ở tổ 3, ấp Tân Dương, xã Tân Thành) cho biết, hơn 3 năm về trước, toàn ấp có 161ha trồng khoai lang tím, hiện nay đã chuyển sang cây trồng khác 159ha, tức chỉ còn 2ha trồng khoai. 2ha trồng khoai này có nguy cơ chuyển hẳn sang cây trồng khác nếu giá không tăng lên.

Riêng gia đình ông Tước có 6ha trồng khoai lang tím đã chuyển hẳn sang trồng mít Thái và mít ruột đỏ xơ vàng. "Nếu tôi không bỏ khoai lang tím sớm, đã bị lâm nợ khoảng 1,5 tỷ đồng rồi" - ông Tước cho hay.

Cũng theo ông Tước, gia đình ông có truyền thống trồng khoai lâu đời. Từ 1,6 ha đất ban đầu do cha mẹ cho, ông tập trung trồng khoai lang và mua thêm đất, đến nay đã 6ha.

"Có lúc đỉnh điểm tôi lời tới 100 triệu đồng chỉ với 3.000m2 đất trồng khoai lang tím sau khi trừ hết chi phí. Đếm tiền mà run tay, thấy mê lắm" - ông Tước nhớ lại.

Bài 1: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây: Giảm 95% diện tích, diện tích nhỏ còn lại có thể không giữ được - Ảnh 4.

Trên 13.000 ha trồng khoai lang tím ở Bình Tân đã thay thế bằng cây trồng khác. Ảnh: Huỳnh Xây

Thế nhưng, 3 năm trở lại đây (từ năm 2019 đến năm 2021), giá khoai lang tím bắt đầu giảm mạnh, sâu hại khoai xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất tăng vọt làm ông Tước nhiều vụ mất trắng.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa và anh Nguyễn Văn Đoàn cùng ở ấp Tân Yên, xã Tân Thành cũng chuyển diện tích trồng khoai lang tím sang trồng lúa sau vài năm thua lỗ nặng.

Cụ thể, anh Nghĩa trồng hơn 4.000m2 khoai lang tím và thua lỗ 60 triệu đồng. Còn anh Đoàn trồng 1,1ha khoai lang tím và thua lỗ nhiều năm liên tiếp, riêng 2 năm 2020 và 2021 thua lỗ 200 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem