Nới lỏng chính sách tiền tệ tác động chưa rõ trên thị trường
Sau khi hạ đồng loạt các lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 và bơm ròng liên tục 6 tuần vừa qua, việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay từ ngày 19/11/2019 đã thể hiện rõ hơn chủ trương điều hành nới lỏng tiền tệ của NHNN.
Động thái này của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất trên thị trường huy động và cho vay đối với các tổ chức kinh tế và dân cư. Tuy nhiên, số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, lãi suất huy động chỉ giảm rất ít, còn lãi suất cho vay vẫn đứng nguyên.
Thống kê mới nhất từ NHNN cho biết, trong tuần từ 18 - 22/11/2019, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,2 - 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5 - 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,5%/năm.
Trước đó, trong tuần cuối tháng 9, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,5%/năm.
Về cho vay, trong tuần từ 18 - 22/11/2019, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Mức lãi suất này được giữ nguyên từ cuối tháng 9 đến nay.
Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, biện pháp nới lỏng mạnh tay của NHNN có thể cần một thời gian để thực sự kéo giảm được lãi suất huy động và cho vay đối với các tổ chức kinh tế và dân cư, sau khi một phần tiền gửi dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ và giai đoạn cao điểm cuối năm qua đi.
Trong khi đó, bình luận về động thái chính sách tiền tệ nêu trên, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm: “Nới lỏng chính sách tiền tệ là biểu hiện khá rõ và cho thấy NHNN muốn hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và cùng nhịp điều hành của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới. Song thực tế, mức độ nới lỏng nêu trên là không đáng kể và chưa thể tác động ngay đến thị trường. Chỉ lác đác vài ngân hàng giảm lãi suất huy động, ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất huy động khá cao và thậm chí còn tăng”.
Vì lý do đó, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vay vốn với mức lãi suất cao như cũ. Đáng chú ý, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã huy động vốn trên thị trường trái phiếu với mức lãi suất rất cao do không thể tìm được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.
Về vĩ mô, vị chuyên gia này cho biết, biểu hiện rõ nhất trên thị trường là lạm phát được giữ rất ổn định, điều này cho thấy cung tiền vẫn đang được kiềm chế.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, việc cắt giảm lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại chỉ mang tính cục bộ với mục đích chính là cơ cấu lại nguồn vốn huy động. Hay nói cách khác, các ngân hàng muốn điều chỉnh giảm huy động nguồn vốn này và tăng huy động nguồn vốn khác, chẳng hạn, một số ngân hàng có thể giảm huy động kỳ hạn 3 tháng và tăng huy động kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm. Đồng thời, ông Cấn Văn Lực cho rằng, đây cũng là động thái để hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất của NHNN.
Dự báo về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm, ông Lực cho rằng, lãi suất cho vay ở các lĩnh vực không phải ưu tiên sẽ khó giảm. Có thể một số ngân hàng sẽ giảm lãi suất đầu ra, tuy nhiên chỉ áp dụng với một số lĩnh vực ưu tiên chứ không phải tất cả.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trí Hiếu nói: “Có thể thấy rõ nỗ lực giảm lãi suất của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, song có lẽ cũng khó có thể thay đổi được nhiều. Nhiều ngân hàng cũng muốn đẩy thêm tín dụng ra thị trường để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng không hẳn ngân hàng nào cũng còn hạn mức. Vì vậy, nhiều khả năng là xu hướng lãi suất vẫn như hiện nay”.