Nới lỏng chống dịch, kinh tế Trung Quốc vẫn khó bật dậy?
Wall Street Journal đưa tin theo cuộc khảo sát với các doanh nghiệp và nhà máy, vào tháng 5, hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, nhưng với tốc độ chậm hơn tháng 4.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng do những biện pháp chống dịch gắt gao. Nhưng giới quan sát cho rằng nền kinh tế thứ 2 thế giới khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều.
Thượng Hải đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa theo từng giai đoạn. Nhưng những hạn chế vẫn được duy trì ở các thành phố như Bắc Kinh và Thiên Tân, dù đã bớt nghiêm ngặt.
Đà giảm chậm lại
Tình hình đã trở nên xấu đi trên toàn cầu. Lãi suất tăng cao, lạm phát làm xói mòn sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều này khiến xuất khẩu của Trung Quốc - vốn là động lực chính của nền kinh tế trong năm 2020 - bị ảnh hưởng.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng từ 47,4 trong tháng 4 lên 49,6 vào tháng 5.
Chỉ số đo lường các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng được cải thiện. Nhưng cả 2 chỉ số vẫn duy trì dưới ngưỡng 50.
Theo dữ liệu chính thức, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định của Trung Quốc đã lao dốc nghiêm trọng trong tháng 4. Việc phong tỏa những thành phố lớn khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, hàng triệu người mắc kẹt ở nhà, hoạt động vận tải bị gián đoạn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Theo dữ liệu được công bố hôm 31/5, nỗi đau kinh tế vẫn kéo dài trong tháng 5. Điều này phơi bày nguy cơ nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ lao dốc trong quý II/2022.
Các chỉ số đo lường về hoạt động sản xuất tại nhà máy, nhu cầu xuất khẩu và lượng đơn đặt hàng mới đều bị thu hẹp.
Theo ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura (có trụ sở ở Hong Kong), việc tái mở cửa của Thượng Hải có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất trong tháng 6. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nền kinh tế sẽ vẫn gặp khó.
"Bước ngoặt thực sự chỉ đến khi Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận với virus", ông Lu nhận xét.
Hầu hết nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Tuần trước, Barclays đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm xuống 3,3%. Lý do được đưa ra là các dữ liệu kinh tế xấu đi, và nguy cơ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phong tỏa vì khó kiểm soát biến thể Omicron dễ lây lan.
Hôm 16/5, Citigroup cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II và cả năm xuống lần lượt 1,7% và 4,2%, giảm từ mức 4,7% và 5,1% trước đó.
Vài ngày trước đó, JPMorgan đã giảm dự báo từ 4,6% xuống 4,3%. Vào cuối tháng 4, Morgan Stanley cũng cắt giảm mục tiêu 0,4 điểm phần trăm xuống 4,2%.
Khó phục hồi một sớm một chiều
Trong cuộc họp hôm 25/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận rằng ở một số phương diện, nền kinh tế Trung Quốc đang tồi tệ hơn so với năm 2020. Nói với các quan chức địa phương, doanh nghiệp quốc doanh và tổ chức tài chính, ông kêu gọi giảm tỷ lệ thất nghiệp vốn đã tăng vọt.
"Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ở một số khía cạnh, khó khăn thậm chí còn lớn hơn thời điểm dịch bệnh tấn công vào năm 2020", ông bình luận.
Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ở một số khía cạnh, khó khăn thậm chí còn lớn hơn thời điểm dịch bệnh tấn công vào năm 2020
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Theo ông Lý, Trung Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu tác động của các chính sách chống dịch đối với nền kinh tế. Nhưng ông này không nêu chi tiết những biện pháp để đạt được điều này.
"Song song với kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế", ông Lý khẳng định.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế hoài nghi rằng những nỗ lực kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh khó có thể nhanh chóng vực dậy nền kinh tế. Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Điều này đồng nghĩa với việc giới chức nước này có thể tiếp tục tái áp dụng những hạn chế gắt gao nếu xuất hiện ổ dịch mới.
Triển vọng kinh tế và thu nhập xấu đi bởi chiến lược Zero-Covid khiến người tiêu dùng không dám chi tiêu. Các doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư hơn.
Còn theo ông Craig Botham - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics (có trụ sở ở London), những tiêu chí nghiêm ngặt nhằm quản lý các dự án đủ điều kiện cấp vốn đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương đang gặp khó trong việc chi tiêu quỹ cơ sở hạ tầng mà họ có.