Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố (Bài 2): Tiểu thương chợ vùng ven lo giữ nghề

Bùi Phụ Thứ năm, ngày 04/02/2021 06:18 AM (GMT+7)
Dù đã lên phường gần 30 năm nhưng từ cuộc sống đến sinh hoạt, văn hóa buôn bán của người dân Vùng bưng 6 xã (quận 9 cũ, nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM), vẫn đậm chất nông thôn. Người bán, người mua hiểu rất rõ nhau bởi ai cũng nhận mình là dân miệt vườn, hàng xóm...
Bình luận 0

Nhưng có lẽ, cái chân chất ấy đã mất dần và nay lên thành phố rồi, liệu có còn giữ được nét "duyên quê"…

Mơ chợ mới khang trang

Sáng sớm, tôi theo chân bà Hai Tâm trên chuyến buýt 76 xuất phát từ cù lao Long Phước (phường Long Phước, quận 9 cũ) qua cầu Trường Phước để đi chợ Trường Thạnh (phường Trường Thạnh). Trên xe bà Hai Tâm vui giọng bắt chuyện: "Chu choa, lâu quá mới thấy chú Năm đi chợ bằng xe buýt nhen! Hôm nay chú đi mua đồ về cúng Tổ thợ hồ phải hông?".

Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố: (bài 2): Tiểu thương chợ vùng ven lo giữ nghề - Ảnh 1.

Tiểu thương buôn bán tạm bên ngoài. Ảnh: B.P

Đại diện UBND phường Trường Thạnh cho biết, ngôi chợ này đã xây gần 30 năm trước, nay đã xuống cấp nặng. Để duy trì hoạt động, phường đã làm những dãy có mái che bên ngoài cho bà con buôn bán tạm. Hiện UBND đã làm thủ tục xin tháo bỏ chợ cũ và kêu gọi xã hội hóa xây chợ mới.

Tôi chưa kịp trả lời, bà Hai Tâm nói tiếp: "Tôi cũng đi mua ít đồ về nấu mâm cơm cúng Tổ thợ may cho con Út Nhỏ nhà tôi. Chợ Trường Thạnh tuy xa chút nhưng trên đó bạn hàng quen không hà! Sẵn cuối dịp năm đi thăm mấy chỉ luôn chứ để cận tết ai cũng lu bu việc nhà, thăm hỏi hỏng được mấy câu…".

Trong cái sạp che tạm bên ngoài chợ Trường Thạnh, bà Tư Lành cẩn thận gói từng món hàng đặt vào giỏ xách cho bà Hai Tâm rồi căn dặn: "Nè trong này có cả bịch ớt chỉ thiên và lá giang tui để phía trên đó bà Hai à. Bà cẩn thận chứ để rơi phía dưới thì lá bị giập nấu không ngon! Gà nấu lá giang không chua thì ông Hai nhà bà ổng chê đó nhen!".

Không nghe tiếng khách quen trả lời, bà Tư Lành ngước mặt lên mới biết bà Hai Tâm nãy giờ đứng nhìn vào cái chợ Trường Thạnh đang giăng dây cấm người vào nên hỏi lớn: "Nhìn gì mà trân trân thế Bà Hai?".

"Chèn đét ơi, mới mấy tháng tôi không đi chợ mà nay nó xuống cấp thế này sao!" - bà Hai Tâm chắc lưỡi.

"Hư nặng rồi nên nhà nước giăng dây cấm người vào vì sợ nguy hiểm. Nghe UBND phường thông báo sẽ cho đập ra xây mới nhưng chưa biết khi nào mới xây. Gần 70 tuổi rồi nhưng tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó mình dọn hàng vào bán trong chợ mới cho sướng cái thân. Lên thành phố mà, phải có cái chợ xứng tầm chứ phải không bà Hai" - bà Tư Lành nói.

Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố: (bài 2): Tiểu thương chợ vùng ven lo giữ nghề - Ảnh 3.

Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố: (bài 2): Tiểu thương chợ vùng ven lo giữ nghề - Ảnh 4.

Băng rôn cảnh báo người vào chợ Trường Thạnh. Ảnh:  B.P

Theo nhiều bà con tiểu thương, từ ngày chợ Trường Thạnh xuống cấp, UBND phường đã cho dựng tạm những mái che bên ngoài cho bà con buôn bán. Từ đó đến nay, do thay đổi những vị trí buôn bán từ trong ra ngoài, nên chợ ế nhiều khiến một số tiểu thương đã tranh thủ ra ngoài bán rong.

Theo phản ánh của bà con trong chợ, ngay thời điểm chúng tôi có mặt ở chợ buổi sáng, bình thường trước đây người đi chợ đông nhưng hiện tại chỉ lác đác vài người.

Chị Sáu Dung bán hàng rau xanh lâu năm trong chợ cho biết, chị quyết bám trụ chợ bởi gia đình đã bán hơn 20 năm qua và có những khách mua gia đình xem như người thân.

"Nay vì chợ xuống cấp mà nghỉ bán chắc khách buồn lắm. Mặc khác, mình cũng có thủy, có chung, bán tạm ngoài này chờ ngày xây xong chợ mới vào bán cho sang…" - chị Sáu Dung tâm sự.

Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố: (bài 2): Tiểu thương chợ vùng ven lo giữ nghề - Ảnh 5.

Nhiều chợ chồm hổm tự phát trên đường Lã Xuân Oai thuộc phường Long Trường, TP.Thủ Đức. Ảnh: B.P

Lên thành phố có xử được lấn chiếm lề đường buôn bán?

Phải hỏi thăm mấy người tôi mới tìm được tiệm bán vải của chị Tám Nghĩa nằm cách chợ Trường Thạnh hơn 1km chếch về hướng phường Long Thạnh Mỹ. Khi tôi đến, gặp lúc 2 vợ chồng vị khách hơn 60 tuổi trách chị Tám Nghĩa dời tiệm về đây làm gì để mất công đi tìm cả buổi sáng.

Sau khi được chủ vuốt giận, người vợ nói một hơi: "Sáng nay ra chợ, tìm hoài không thấy sạp vải của chị Tám, tôi nói với ổng thôi năm nay mua tạm 2 bộ đồ may sẵn về mặc tết như năm rồi mà ông không chịu. Ổng nói lên thành phố rồi, mặc đồ may sẵn khi đi chúc tết bên gia đình sui gia thì con cháu bên đó họ chê ổng quê mùa, nên bắt tôi phải tìm cho được tiệm chị đó chứ!".

Được biết, chị Tám Nghĩa năm nay cũng đã gần 60 tuổi, thường bán vải trong chợ nhiều năm qua kiêm thợ may. Khách hàng chủ yếu là người quen trong vùng bưng sáu xã này. Chị Tám may quần áo, dựa vào nét cổ điển theo kiểu những người đứng tuổi nên được nhiều người chọn may, nhất là dịp tết…

Trong suốt cuộc trò chuyện với khách, chị Tám Nghĩa luôn trăn trở và thao thức khi nơi mình ở bao nhiêu năm qua vốn "thôn quê", nay lên thành phố. Rồi đây tay nghề may áo sơ mi, quần tây cổ truyền của chị ở vùng quê này có bị thất lạc. Rồi chị cũng hy vọng được vào ngồi bán vải trong ngôi chợ mới xứng tầm thành phố…

Tiễn chúng tôi ra về, chị Tám Nghĩa thổ lộ: "Chắc khi nào vùng này hết những người khách như anh Năm thì tôi mới thất nghiệp!".

Chúng tôi có cuộc khảo sát trong các chợ truyền thống ở Vùng bưng 6 xã và nhiều tiểu thương đểu khẳng định, thời gian gần đây hàng hóa bán trong chợ giảm rất nhiều và nguyên nhân cũng do cạnh tranh không lại các siêu thị và những người bán hàng rong. Anh Nguyễn Thành Trị (xin đổi tên) - chủ một quầy bán trái cây trong chợ Long Trường tâm sự, chính anh đã vài lần bị xử phạt hành chính vì buôn bán chiếm lòng lề đường. "Cạnh tranh không lại nên tôi cũng làm cái 'rờ móc' để xe gắn máy kéo đi bán rong và bị xử phạt. Dù biết là vi phạm nhưng buôn bán ế nên tôi làm liều. Như anh thấy đó, người làm ăn khá giả, có tiền thì họ vào siêu thị mua vừa sạch sẽ, vừa có máy lạnh. Còn giới công nhân, người thu nhập thấp tiện đâu họ mua đó là tất nhiên" - anh Trị phân tích.

Trong lúc chợ truyền thống, các tiểu thương buôn bán có đóng thuế bị ế ẩm vì vắng khách, thì hàng rong ở trên đường Lã Xuân Oai ngày càng nhiều. Theo ghi nhận của chúng tôi, con đường Lã Xuân Oai nối từ phường Tăng Nhơn Phú B đến phường Long Trường chỉ vài km nhưng gần đây xuất hiện nhiều điểm bán hàng rong. Vào những giờ cao những người bán hàng rong tràn ra cả ngoài đường khiến các phương tiện qua lại hết sức khó khăn.

Nghiêm trọng nhất là đoạn từ ngã tư Khu công nghệ cao qua ngã ba Lò Lu (đường Lã Xuân Oai thuộc phường Long Trường), vào giờ điểm đầu buổi sáng và cuối giờ chiều, người bán hàng rong và chợ chồm hổm kéo dài hơn cả km.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem