Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố (Bài 1): Thao thức của những lão nông ven đô

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 03/02/2021 14:51 PM (GMT+7)
Vùng đất Thủ Đức nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai đã đi vào thơ văn hàng trăm năm qua, hiện còn rất nhiều tiềm năng khai thác du lịch, các khu đô thị cao cấp ven sông...
Bình luận 0

Tương lai sẽ là "đất lành chim đậu", hấp dẫn nhiều người khi các quận 2, 9 và Thủ Đức được sáp nhập lại, lập nên TP.Thủ Đức. Cư dân thành phố mới vui mừng, hy vọng đây là đà phát triển mới…

Nông dân uống trà bàn "quốc sự"

Mấy ngày qua, từ khi chính quyền TP.Thủ Đức chính thức hoạt động, nhóm "bạn già" hàng xóm của ông Mười Út (70 tuổi ở phường Trường Thạnh, quận 9 cũ), thức dậy uống trà sớm hơn trước.

Trời chưa sáng, quán các phê "cóc" bên sân vườn nhà ông Mười Út, đã có 4 ông lão U70 ngồi đàm đạo. Mới ngụm trà đầu, ông Tư đã buột miệng: "Mấy hôm nay tôi ngủ không được, cứ gà gáy canh tư (ông bà xưa thường gọi canh tư khoảng 3 giờ sáng) là thức dậy, suy nghĩ về tương lai TP.Thủ Đức mình. Hỏng biết mấy ông có như tôi không vậy?".

"Tôi cũng vậy, từng tuổi này rồi mà mấy đêm gần đây nằm trằn trọc, thao thức cả đêm. Lúc nôn nao, lúc âu lo, rồi bồi hồi như thời trai trẻ chuẩn bị rước mẹ mấy đứa nhỏ về sống chung với tôi đó mấy ông ạ!.. -ng Mười Út đáp lời.

Ngồi lặng thinh nãy giờ, ông Bảy Bền lên tiếng: "Tôi cũng thao thức, nôn nao, nửa mừng, nửa lo như mấy ông chứ có khác gì đâu! Mà hôm nay bàn "quốc sự"gì đây mấy ông ơi?".

"Thì còn chuyện gì nữa, nãy giờ anh em mình bàn chuyện đang là nông dân, ngủ một thêm thức dậy biến thành cư dân TP.Thủ Đức là "quốc sự" quá rồi nè..." - cả ông Mười Út và ông Tư Tình trả lời.

Nhà và đất vườn ông Mười Út nằm ven con rạch Trảo Trảo chảy qua 3 phường Long Phước, Trường Thạnh và Long Trường (quận 9 cũ), gần Khu di tích Vùng Bưng Sáu Xã. Vùng này ngày xưa là cái nôi hoạt động trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ của quân và dân huyện Thủ Đức xưa, và đã có rất nhiều người ngã xuống...

Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố (bài 1): Thao thức của những lão nông ven đô - Ảnh 1.

Một nông dân trồng rau sạch ở phường Trường Thạnh. Ảnh: B.P

Theo Hội Nông dân quận 9, trong năm 2020, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của quận chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện diện tích đất sử dụng cho trồng rau sạch hơn 10ha, trồng sen hơn 35ha, cây ăn trái hơn 21ha, cây kiểng gần 22ha; nuôi trồng thủy sản gần 30ha…

Nhóm bạn của ông Mười Út đều là dân cựu cố ở đây và con cái nay đã trưởng thành, có gia đình riêng cũng nhờ nghề nông của các cụ. Mấy chục năm qua, sáng sớm nào các cụ cũng gặp nhau uống trà, bàn chuyện. Chuyện "quốc sự" của các cụ là hỏi thăm nhau về việc làm của con cái, sức khỏe và tình hình thời sự, chuyện ma chay, chùa chiền trong xóm… Tuy nhiên, chuyện "quốc sự" của các cụ mấy ngày qua là lên TP.Thủ Đức rồi cuộc sống thế nào? Đất đai có bị quy hoạch làm chung cư hay không, nhà nước nếu phóng đường mới thì nhà ai bị giải tỏa, lãnh đạo chính quyền thành phố mới có thương dân không?…

Ông Mười Út cho biết, tổ tiên ông bà để lại cho gia đình ông hơn 10.000m2 đất. Sau khi chia đều cho các con đất thổ cư, hiện tại còn khoảng hơn 7.000m2 đất vườn, trồng cây ăn trái và rau sạch. "Diện tích đất này đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận, thời gian qua nhiều người tìm đến mua, chuyển làm thổ cư để cất nhà nhưng tôi không bán…" - ông Mười Út chia sẻ.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng khu vườn, ông Mười Út tâm sự: "Dù TP.Thủ Đức có hiện đại cỡ nào đi nữa, cũng cần có những mảng xanh. Tôi đang bàn với các con, mai mốt đầu tư khu này làm hoa viên, trong đó có dịch vụ ăn uống, trò chơi trẻ em dưới những tán cây xanh. Làm được việc này, tốt cho sức khỏe cho mình và bà con chứ chưa tính đến chuyện nâng cấp đất, phân lô bán nền nhà...".

Tương lai những vườn rau xanh

Nỗi niềm khi Thủ Đức lên thành phố (bài 1): Thao thức của những lão nông ven đô - Ảnh 3.

Những nông dân trăn trở, thao thức khi các quận 2, 9 và Thủ Đức lên TP.Thủ Đức. Ảnh: B.P

Sáng sớm một ngày sau khi TP.Thủ Đức chính thức hoạt động, chúng tôi cùng theo chân bà Năm Lê ra vườn rau nhỏ nằm ven con rạch ở phường Long Phước và Trường Thạnh (quận 9 trước đây) hái rau xanh. Vườn rau này do chính tay bà trồng, chăm sóc không sử dụng thuốc trừ sâu... Khách hàng của bà là những người hàng xóm thân quen hàng chục năm qua.

Lẳng lặng theo chân bà đi hái rau, rồi chở đi bán từng nhà, suốt hành trình gần 3 giờ liền, chúng tôi cảm nhận được sự trân trọng của người mua rau đến bà. Sau khi trả tiền 2 bó rau xanh, chị Nguyễn Thị Kiều ở đường 4, phường Trường Thạnh vui giọng: "Cháu xin chào bà Năm công dân thành phố. Nhưng mà có lên thành, tỉnh gì đi nữa cũng nhớ trồng rau sạch bán rau cho gia đình cháu ăn nhen…". "Bán chứ, bán đến khi nào đi không nổi nữa thì thôi…" - bà Năm Lê cười đáp lời.

Theo quan sát của chúng tôi, suốt quá trình thu hoạch và bán rau, bà Năm Lê không sử dụng bịch nylon hay chất thải xấu nào. Những vật liệu như bao bì, dây cột được bà tận dụng sẵn có của vườn nhà như tàu lá chuối...

"Tôi dân nông dân quê mùa thiệt, nhưng rõ biết hậu quả khi sử dụng bao nylon, thuốc trừ sâu nên tôi không sử dụng" - bà Năm Lê tâm sự.

Gia đình bà Năm Lê đã ở vùng này gần 50 năm qua. Trước đây đất vùng này đa số là ruộng, vườn, nhưng khoảng 15 năm trở lại đây đô thị hóa, dân xứ khác về mua lại xây nhà ở. Nhiều người cũng đến hỏi mua, nhưng bà và người con gái út quyết để hơn 700m2 còn lại trồng rau sạch. Theo lời bà, mấy ngày gần đây, nhiều người tìm đến hỏi mua đất. Ai cũng nói khu đất gia đình bà ven sông đẹp, nên họ mua để làm biệt thự…

"Mấy hôm nay tôi cũng vui nhưng lòng lại lo lắng vì sợ lên thành phố rồi đất của mình bị quy hoạch làm khu dân cư. Không có đất sẽ hết cơ hội trồng rau sạch bán cho bà con…" - giọng bà Năm Lê lo lắng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem