Nới room tín dụng, hơn 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12: Cần nhưng chưa đủ

06/12/2022 14:48 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% so với cuối 2021. Việc nới room tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Nới room tín dụng khoảng 1,5 - 2%, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Theo tính toán của bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý, mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.

Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm.

Nới room tín dụng, hơn 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Thực tế, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách tiền tệ rất chặt chẽ mặc dù không tăng nhiều về lãi suất điều hành nhưng cung tiền được quản lý rất chặt.

Các công cụ để kiểm soát cung tiền như: Kiểm soát bằng room tín dụng; kiểm soát bằng bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá, đồng nghĩa với việc hút VNĐ khỏi lưu thông; nhiều đợt phát hành tín phiếu.

Một vấn đề khác làm cho cung tiền của Việt Nam rất chặt chẽ, đó là bội chi ngân sách nhưng lại không thể giải ngân đầu tư công.

Thống kê cho thấy bội thu ngân sách 280.000 tỷ, đồng thời, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ để có nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng đều đạt và vượt kế hoạch. Tức là, hút tiền vào rất mạnh nhưng kênh bơm tiền ra gần như "tắc". Đó cũng là lý do khiến cho thanh khoản nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trong khoảng 2 tháng nay cực kỳ căng thẳng.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ngân hàng nới room tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Bởi lẽ, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.

"Số liệu tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. Do đó, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn; tính chung cả ngành về con số tuyệt đối, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau", ông Hùng nói.

Như vậy, muốn doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong thời gian này, nhà quản lý tiền tệ phải bơm tiền, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Thực tế, cùng với việc nới room tín dụng ra, Ngân hàng Nhà nước cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn, thậm chí qua tết âm lịch. Như vậy, thị trường sẽ không còn quá lo lắng về vấn đề thanh khoản của hệ thống, của nền kinh tế từ nay tới cuối năm?

Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023

Dự báo cho năm 2023, chuyên gia phân tích tại Chứng khoán VnDirect cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt 11-12%, bởi một số nguyên nhân.

Thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, và lãi suất tăng.

Đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm nguồn vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.

Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ tăng trưởng chậm lại 9 - 10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Nới room tín dụng, hơn 400 nghìn tỷ chờ "giải phóng" trong tháng 12: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 3.

Tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao.

Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, chúng tôi nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…

Thứ ba, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận chỉ số LDR tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Huyền Anh
Cùng chuyên mục