Nới room tín dụng: Người dân vẫn khó vay tiền ngân hàng mua nhà ở
Nới room tín dụng, người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nới room tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang khan hiếm, thông tin về nới room tín dụng đem đến nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, anh Ngọc Quang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết có nhu cầu mua căn nhà khoảng 2 tỷ đồng để ở. Vợ chồng anh Quang có sẵn 1 tỷ đồng và muốn vay ngân hàng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, suốt hơn 1 tháng nay và đã có thông tin nới room tín dụng cho một số ngân hàng, trong đó có ngân hàng anh Quang vay nhưng phía ngân hàng thông báo vẫn chưa thể giải ngân và tiếp tục chờ đợi.
"Tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ theo yêu cầu từ phía ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp cận được khoản vay. Trong khi đã có thông tin nới room tín dụng nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu tôi tiếp tục chờ đợi. Để yên tâm trước đó tôi cũng vay các ngân hàng khác nhưng đa số các ngân hàng đều đưa ra lý do bị siết room", anh Quang chia sẻ.
Tương tự với anh Quang, chị Thanh Ngân (Hà Đông, Hà Nội) cho biết vợ chồng chị đang mua căn chung cư với giá 2,4 tỷ đồng và đã làm thủ tục vay 60% căn nhà, tương đương với hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số ngân hàng kêu không chấp nhận cho vay vì lý do hết room tín dụng. Và sau khi có thông tin một số ngân hàng được nới room tín dụng, chị Ngân tiếp tục làm thủ tục vay vốn mua nhà tiếp nhưng vẫn không được chấp thuận bởi nhiều lý do khác nhau.
"Vợ chồng tôi mỗi tháng thu nhập được 50 triệu và có thể để ra được 30 triệu đồng mỗi tháng. Mặc dù chứng minh thu nhập đầy đủ giấy tờ nhưng trước đó ngân hàng kêu cạn room tín dụng. Nhưng nay khi được nới room, một số ngân hàng vẫn từ chối cho vay vì đưa ra nhiều lý do như chứng minh thu nhập không đảm bảo, ngân hàng vẫn bị kiểm soát giải ngân hay đã đủ dư nợ tăng trưởng,… và người có nhu cầu mua nhà như chúng tôi vẫn không thể vay được tiền", chị Ngân chia sẻ.
Ngân hàng đã nới room tín dụng nhưng thị trường bất động sản vẫn khó tăng tốc
Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh nới room tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh nới room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2% SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng dòng vốn tín dụng "chảy" vào bất động sản sẽ chưa thực sự đạt mức kỳ vọng, bởi tỷ lệ nới room tín dụng không lớn, chỉ nới room tại một số ngân hàng. Chưa kể, việc cho vay tín dụng sẽ có những nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp ưu tiên được vay.
Thực tế, đến hết tháng 8/2022, sự trầm lắng về thanh khoản bất động sản, cấp phép dự án, kiểm soát tín dụng... khiến cho việc triển khai, mở bán các dự án bất động sản vẫn chậm; hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản vẫn niêm yết giá cao.
Với doanh nghiệp bất động sản, việc tiếp cận vốn lại càng khó. Theo đại diện một số doanh nghiệp bất động sản, hiện nguồn cung căn hộ chung cư đã yếu, cung nhà phố còn nhỏ giọt và thị trường bất động sản đã đi ngang. Nguyên nhân là do room tín dụng không chỉ cạn mà doanh nghiệp bất động sản muốn tiếp cận vốn cũng khó vì bị hạn chế. Chưa kể, trái phiếu bất động sản được kiểm soát chặt thời gian qua càng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kéo theo thị trường chung bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, việc Ngân hàng nhà nước được nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản, vì các doanh nghiệp cần nguồn tiền mới để đảo nợ trái phiếu đến hạn, điều vốn đang gây áp lực lớn và thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại vào các tháng cuối năm 2022 khi các nhà đầu tư mua nhà tiếp cận được vốn, doanh nghiệp giải phóng được hàng tồn kho. Song, khả năng dòng vốn được khơi thông trong ngắn hạn không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian qua, khối ngân hàng đã dành vốn quá nhiều cho lĩnh vực bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng là điều đáng mừng nhưng để làm ấm thị trường bất động sản, thì chỉ một yếu tố đó thôi chưa đủ. Một số vấn đề pháp lý cần được tháo gỡ để nhiều dự án sớm triển khai. Kênh trái phiếu cũng cần được nghiên cứu sớm để khơi thông. Giá bất động sản về cơ bản vẫn ở mức cao so với giá trị thực và vẫn cao so với thu nhập của người dân nói chung, cần được điều chỉnh thì mới hy vọng thị trường phát triển bền vững.
"Việc nới room tín dụng hiện nay có thể chỉ là tác động tâm lý giúp thị trường bất động sản phục hồi đôi chút, nhưng không đóng vai trò giúp thị trường tăng tốc. Vì hạn mức nới room tín dụng thấp, dư địa cho vay còn ít sẽ không đủ đáp ứng hết lượng hồ sơ đăng ký vay tồn đọng, khó vực dậy thị trường đang trầm lắng" ông Châu chia sẻ.