Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân “còng lưng” vì giá phân bón tăng, mong sớm bình ổn giá phân bón

Thu Hà Thứ bảy, ngày 23/04/2022 13:16 PM (GMT+7)
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 được tổ chức vào tháng 5, nhiều nông dân trồng chè, lúa, trồng rau, cây ăn quả... kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp bình ổn thị trường giá phân bón cũng như chi phí đầu vào để bà con yên tâm sản xuất.
Bình luận 0

Giá phân bón tăng nóng, người trồng chè lao đao

Nhiều năm gắn bó với cây chè, bà Phạm Thị Nụ – Giám đốc Công TNHH chè Shan Trúc Thanh (Lai Châu) rất trăn trở với tình trạng giá phân bón tăng liên tục như hiện nay.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, bà Phạm Thị Nụ chia sẻ: Lai Châu là địa phương diện tích trồng chè lớn, sản lượng chè tương đối cao. Đa số nguồn kinh tế gia đình người nông dân ở Lai Châu phụ thuộc vào việc trồng, chăm sóc, thu hái chè. 

Cây chè từng được ví như "vàng xanh", giúp nông dân Lai Châu xoá nghèo, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, bước sang năm nay, giá phân bón tăng cao quá mà giá chè lại giảm nên người trồng chè lao đao, vất vả.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân “còng lưng” vì giá phân bón tăng, mong sớm bình ổn giá phân bón - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Nụ – Giám đốc Công TNHH chè Shan Trúc Thanh ở Lai Châu cho biết, giá phân bón tăng cao quá mà giá chè lại giảm nên người trồng chè lao đao, vất vả. Ảnh: Thu Hà

"Hiện nay, giá phân bón tăng cao liên tục, cụ thể phân đạm từ 1,1 triệu/tạ giờ lên đến 1,8 triệu/tạ, người nông dân Lai Châu rất khó khăn trong việc mua phân bón để chăm sóc cây chè. Nhiều hộ dân do giá phân bón cao nên 2 năm nay không mua và bón phân cho cây chè. Lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, số lượng chè trên địa bàn" - bà Nụ nói.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân “còng lưng” vì giá phân bón tăng, mong sớm bình ổn giá phân bón - Ảnh 2.

Cùng với trồng chè, bà Nụ còn đầu tư máy móc chế biến chè. Mỗi năm, Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh do bà Nụ làm giám đốc xuất bán ra thị trường 1.500 tấn chè khô/năm, tương đương 8.500 tấn chè tươi/năm. Ảnh: Thu Hà

Bà Nụ cho biết thêm, hiện vùng nguyên liệu trồng chè của công ty lên đến hơn 150ha, công suất 50 tấn – 70 tấn chè tươi/ngày. 

Để đồng hành cùng với người trồng chè, bà Nụ đứng ra cung ứng phân bón trả chậm (khi nào thu hoạch chè bà con mới phải trả tiền phân bón cho công ty), hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chè cho bà con nông dân tham gia mô hình liên kết.

"Bình quân, mỗi năm công ty chúng tôi nhập hơn 300 tấn phân bón vô cơ gồm phân đạm, kali, NPK để cung ứng phân bón cho người trồng chè. Nếu như cùng thời điểm năm 2021, chúng tôi chỉ cần chi hơn 2 tỷ đồng tiền mua phân bón, nhưng năm nay giá phân bón tăng gấp đôi, có loại phân bón tăng gấp 3, chúng tôi phải chi 6 tỷ đồng đầu tư phân bón cho nông dân trồng chè".

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân “còng lưng” vì giá phân bón tăng, mong sớm bình ổn giá phân bón - Ảnh 3.

Không chỉ người trồng chè ở Lai Châu, nhiều nông dân trồng chè ở Thái Nguyên cũng chật vật khi giá phân bón tăng. Ảnh: Thu Hà

Theo bà Nụ, đối với việc trồng chè, việc bón phân rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng chè. 

Trước tình trạng giá phân bón tăng nóng như hiện nay, bà Nụ cũng hướng dẫn người dân sử dụng một số loại phân chuồng đã qua xử lý đưa vào bón cho cây chè nhằm tạo độ tơi, xốp cho đất và cải tạo đất trồng chè. 

"Việc sử dụng phân chuồng tất nhiên năng suất chè sẽ không cao so với trước, nhưng giá phân bón lên quá cao nên đây là giải pháp duy nhất mà người dân trồng chè áp dụng vào thời điểm này", bà Nụ bộc bạch.

Bà Nụ cho biết, năm 2022, cùng với nhập 300 tấn phân bón vô cơ, đơn vị của bà Nụ cũng nhập thêm 200 tấn phân bò, phân gà đã qua xử lý để bón cho cây chè.

Cũng theo bà Nụ, bà rất mong chờ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 tổ chức tại Sơn La tới đây.

"Nếu được phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, tôi sẽ nói về những khó khăn của người dân trồng chè trước "cơn bão" giá phân bón tăng, giá chè xuống thấp như hiện nay. Tôi rất tha thiết mong muốn Chính phủ giúp nông dân vấn đề này, sớm có chính sách bình ổn giá phân bón. Bởi lẽ, nông dân trồng chè nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung bây giờ còn rất nhiều khó khăn khi  dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi nông sản, giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV tăng phi mã, trong khi đầu ra nông sản khó khăn" - bà Nụ bày tỏ.

Nông dân trồng lúa gánh giá phân bón đến "còng lưng"

Tại xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu những ngày này, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân và chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Trước tình trạng giá lúa xuống thấp, trong khi giá phân bón, dịch vụ tăng cao, người trồng lúa xã Long Phước cảm thấy lo lắng và trăn trở về tiếp tục canh tác vụ hè thu nữa hay không.

Với diện tích 6ha, ông Lê Văn Danh là 1 trong những nông dân có diện tích trồng lúa nhiều ở xã Long Phước. Ông Danh chia sẻ: Vụ đông xuân năm nay, thời tiết không thuận lợi, sâu đục thân phá hoại nhiều nên năng suất giảm sâu, ông chỉ thu hoạch được 6 tấn/ha, giá lúa giảm ở mức 4.800-5.000 đồng /kg.

Suốt 3 tháng trồng vụ lúa, tốn nhiều công sức chăm bẵm, tưới tiêu ông chỉ có lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/ha. Tính kỹ ra ông chỉ thu về 11.000 đồng/ngày trên một ha lúa. Nếu tính công lao động của ông thì coi như lỗ. Đấy là những nông dân sản xuất lúa trên ruộng của gia đình, còn ruộng thuê thì chắc chắn là thua lỗ.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Nông dân “còng lưng” vì giá phân bón tăng, mong sớm bình ổn giá phân bón - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hồng là thương lái thu mua đa số lúa của nông dân xã Long Phước cho biết: Với giá thu mua lúa thơm là 5.000 đồng và lúa IR 50404 là 4.200 đồng như hiện nay, trong khi giá phân bón tăng liên tục, nông dân chắc chắn bị lỗ. Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

Ông Nguyễn Văn Bang là nông dân thuê 20ha đất ruộng trồng lúa ở Long Phước. Liên tiếp 2 vụ lúa gần đây gia đình ông Nguyễn Văn Bang bị lỗ 200 triệu đồng.

Ông Bang cho biết: "Ngoài chi phí đầu tư cho sản xuất lúa như phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí làm đất, thu hoạch lúa và dịch vụ khác, người thuê ruộng còn phải chi thêm tiền thuê ruộng mỗi vụ 5 triệu đồng cho 1ha.

Nếu giá cả vật tư và các dịch vụ khác bình thường thì mỗi ha sau khi trừ chi phí sản xuất, người thuê ruộng còn lợi nhuận khoản 14 triệu đồng/vụ/ha. Tuy nhiên năm nay, 2 vụ lúa gần đây, mỗi vụ tôi phải bù lỗ 100 triệu đồng tiền thuê 20ha lúa. Nản quá, vụ hè thu tới đây tôi trả bớt ruộng, không cấy nữa" - ông Bang than thở.

Ông Bang cho biết thêm: Phân bón chiếm trên 50% chi phí sản xuất lúa, so với thời điểm cùng năm 2021 thì giá phân bón tăng gấp đôi. Nếu như trước đây, mỗi bao phân NPK có giá hơn 500.000 đồng, hiện đã tăng lên hơn 1 triệu đồng/bao. 

Các loại phân khác cũng tăng như thế. Giá phân bón tăng cao kéo theo chi phí sản xuất cao, giá lúa giảm, năng suất giảm, nông dân phải chịu lỗ.

Bên cạnh đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp đôi so. Cùng với dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa cũng tăng theo giá xăng dầu làm cho chi phí đầu tư tăng lên, người trồng lúa "còng lưng" bù lỗ.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước chia sẻ: Xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng diện tích trồng lúa là 300ha. Trước tình trạng giá lúa xuống thấp, trong khi giá phân bón, dịch vụ tăng cao, người trồng lúa xã Long Phước cảm thấy lo lắng và trăn trở về tiếp tục canh tác vụ hè thu nữa hay không.

" Để nông dân sản xuất lúa hạn chế tối đa thua lỗ do giá phân bón tăng cao và giá lúa giảm, Hội Nông dân xã Long Phước kiến nghị Chính phủ có giải pháp bình ổn giá phân bón và các vật tư khác phục vụ cho sản xuất lúa. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng kho dự trữ lúa, tăng cường xuất khẩu lúa gạo. Phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ưu tiên cho nhu cầu sản xuất trong nước, có dư thừa mới xuất khẩu"- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem