Giống lúa mới cho năng suất vượt trội trên những cánh đồng huyện miền núi Phú Thọ, nông dân lãi hơn 2 triệu/sào

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 24/05/2023 10:04 AM (GMT+7)
Vụ Xuân 2023, bà con xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) trồng thử nghiệm giống lúa Thái Xuyên 111 và giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá. Hai giống lúa mới phát triển tốt, cho năng suất vượt trội, giúp nông dân thu lãi hơn 2 triệu đồng/sào.
Bình luận 0

Trình diễn giống lúa TBR225 trên cánh đồng xóm Đường xã Mỹ Thuận. Video: Hoan Nguyễn.

Bộ đôi giống lúa Thái Xuyên 111 và giống lúa TBR225 cho năng suất vượt trội

Ngày 22/5, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed (ThaiBinh Seed) phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trình diễn giống lúa Thái Xuyên 111 và giống lúa TBR225 kháng bạc lá vụ xuân 2023 tại xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Ông Phạm Văn Đức - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn cho biết, nhằm thay thế các giống cũ đã thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cấy lúa cho nông dân, vụ Xuân năm 2023, Trạm khuyến nông huyện phối hợp với Thaibinh Seed triển khai mô hình sản xuất giống lúa lai Thái xuyên 111 và giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá.

Cấy lúa kháng bạc, chịu hạn, chịu rét siêu tốt, nông dân thu lãi hơn 2 triệu/sào - Ảnh 2.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ (đứng giữa) thăm mô hình sản xuất lúa giống TBR225 có gen kháng bạc lá và Thái Xuyên 111 của ThaiBinh Seed tại xã Mỹ Thuận. Ảnh: Hoan Nguyễn

Mô hình sản xuất giống lúa mới này được triển khai tại xóm Đường 2, xã Mỹ Thuận trên diện tích 3,8ha (giống lúa Thái Xuyên 111 trồng 1,2ha; giống lúa TBR 225 có gen kháng bạc lá trồng 2,6ha), với sự tham gia của 46 hộ.

"Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống (30kg giống lúa lai Thái Xuyên 111 và 105kg giống lúa thuần TBR225 kháng bạc lá/ha), được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh" - ông Đức nói.

Hiện nay, cánh đồng trồng lúa giống mới đều chín vàng, các hộ tham gia mô hình chuẩn bị bước vào thu hoạch đại trà. Một số bà con đã bắt đầu xuống đồng gặt lúa.

Anh Nhâm Xuân Tùng - Phó trưởng Phòng kinh doanh ThaiBinh Seed chia sẻ, trong quá trình triển khai mô hình cấy giống lúa Thái Xuyên 111 và giống lúa TBR225 tại xã Mỹ Thuận, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp cùng khuyến nông huyện và các hộ dân theo dõi sự sinh trưởng phát triển của cây trồng, phòng trừ dịch bệnh và đánh giá khả năng chống chịu với nhiệt độ, thời tiết của địa phương cũng như các loại dịch hại. Đến nay, 2 giống lúa này thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại đây và phát triển tốt, đặc biệt hạn chế dịch bệnh, cho năng suất vượt trội.

Cấy lúa kháng bạc, chịu hạn, chịu rét siêu tốt, nông dân thu lãi hơn 2 triệu/sào - Ảnh 3.

Vụ Xuân năm 2023 là vụ đầu tiên xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ gieo cấy giống lúa Thái Xuyên 111 và TBR225 có gen kháng bạc lá. Ảnh: Hoan Nguyễn

Với giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá, thời gian sinh trưởng khoảng 125 ngày. Sau khi cấy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, bản lá rộng, lá đòng to. Thời kỳ lúa làm đòng, cây phát triển khỏe, bông lúa trỗ tập trung 4-5 ngày, trỗ thoát cổ bông.

Còn giống lúa Thái Xuyên 111 có thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 135 ngày, chiều cao cây 105-110cm; chống đổ tốt; đẻ nhánh khỏe, lá đứng; trổ bông to, hạt dài.

Theo ông Phạm Văn Đức - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn, vụ Xuân 2023, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn ở giai đoạn đầu vụ; cuối vụ mưa to, dông lốc. Bên cạnh đó, các đối tượng sâu bệnh gây hại (ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, sâu đục thân…) đã làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Nhưng toàn bộ diện tích lúa cấy giống Thái Xuyên 111, giống TBR225 không bị đổ ngã. Đặc biệt, với đặc tính nổi bật của bộ giống lúa mới là có gen kháng bạc lá, chuyển gen kháng đạo ôn, qua đó tăng rõ rệt khả năng chống chịu dịch bệnh, giúp ruộng lúa không bị bệnh bạc lá, đạo ôn…

Đánh giá chung, cả 2 giống lúa mới đều có số hạt chắc trên bông cao. Năng suất thực thu của giống Thái Xuyên 111 ước đạt 250-260kg/sào (cao hơn năng suất trung bình toàn huyện 40-50kg/sào); giống TBR225 kháng bạc lá ước đạt 230-240kg/sào (cao hơn năng suất trung bình toàn huyện 20-30kg/sào).

Nông dân tăng lãi từ giống lúa Thái Xuyên 111 và giống lúa TBR225

"Sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế mà giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá giúp người nông dân thu lãi hơn 1,6 triệu đồng/sào, giống lúa Thái Xuyên 111 thu lãi hơn 1,8 triệu đồng/sào" - ông Đức nhấn mạnh.

Cấy lúa kháng bạc, chịu hạn, chịu rét siêu tốt, nông dân thu lãi hơn 2 triệu/sào - Ảnh 4.

Chị Ngô Thị Hài (xóm Đường, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vui mừng vì lúa TBR225 cho bông dài, hạt chắc, năng suất đạt hơn 2,5 tạ/sào. Ảnh: Hoan Nguyễn

Hộ ông Hà Văn Hữu (xóm Đường 2, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, đây là vụ đầu tiên ông cấy lúa giống Thái Xuyên 111. Lúc đầu, ông và các hộ đều khá băn khoăn, lo lắng dù đã được cán bộ kỹ thuật khuyến nông và công ty hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Qua quá trình gieo trồng, ông Hữu nhận thấy giống lúa Thái Xuyên 111 có tỷ lệ nảy mầm hạt giống rất đồng đều, mạ lên khỏe. Kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản nhưng tăng hiệu quả kháng bạc lá, đạo ôn rất tốt.

"Đặc biệt, trước đây khi cấy giống lúa thuần, gia đình bỏ ra hơn 800.000 đồng tiền chi phí/sào/vụ, mất nhiều công chăm sóc, phải phun thuốc 2-3 lần/vụ, bón đến 60kg phân/sào. Nhưng cấy giống lúa Thái Xuyên 111, gia đình rất nhàn khi chăm sóc, ruộng lúa không hề bị sâu bệnh, bông to, đẹp, nhiều hạt chắc. Gia đình chỉ phải phun thuốc sâu 1 lần, bón 40kg phân/sào, tính ra chi phí giảm nhiều, chưa đến 600.000 đồng/sào. Ước tính, cấy lúa giống mới, vụ này gia đình tôi đạt hơn 3 tạ thóc/sào. Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 2 triệu/sào. Như vậy trên cùng diện tích ruộng đã giúp gia đình tôi thu lãi cao hơn hẳn so với các vụ cấy trước đây" - ông Hữu nói.

Cấy lúa kháng bạc, chịu hạn, chịu rét siêu tốt, nông dân thu lãi hơn 2 triệu/sào - Ảnh 5.

Gia đình bà Hà Thị Kim Vy (xóm đường 2, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vụ Xuân 2023 cấy 5 sào lúa TBR225 và Thái Xuyên 111. Gia đình chuẩn bị bước vào thu hoạch lúa với mùa bội thu. Ảnh: Hoan Nguyễn

Vụ xuân này, bà Hà Thị Kim Vy (xóm Đường 2, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cấy 2 sào giống lúa TBR225, 3 sào lúa giống Thái xuyên 111. Đây cũng là lần đầu tiên gia đình bà cấy loại giống mới nên cũng hơi nghi ngại, bởi lẽ nếu không thành công sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa, nguồn thu của gia đình.

Tuy nhiên, bà Kim Vy rất bất ngờ về hiệu quả của giống lúa mới, với ưu điểm vượt trội như: Cây cứng, không bị nhiễm bệnh bạc lá, đạo ôn, sâu rầy; số hạt trên bông cao; sinh trưởng và phát triển nhanh, ngắn ngày. Năng suất lúa Thái Xuyên 111 thu hoạch ước đạt gần 3 tạ/sào, lúa TBR225 đạt gần 2,5 tạ/sào.

"Cả 2 loại đều cho năng suất cao hơn hẳn các giống lúa trước đây gia đình từng trồng. Bên cạnh đó, cấy lúa giống mới nhàn hơn, mất ít công sục cỏ, chăm sóc mà chi phí đầu tư cũng giảm nhiều do không phải phun nhiều lần… Vụ này, gia đình tôi chắc chắn thắng lớn, thu hơn chục triệu tiền lãi. Mọi người mừng lắm, bởi thu nhập chính trông chờ vào mấy sào ruộng lúa. Vụ đông xuân sắp tới, gia đình vẫn mong được hỗ trợ giống, kỹ thuật để tiếp tục sử dụng giống lúa mới này gieo cấy" - bà Kim Vy phấn khởi.

Cấy lúa kháng bạc, chịu hạn, chịu rét siêu tốt, nông dân thu lãi hơn 2 triệu/sào - Ảnh 6.

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại phức tạp, việc đưa các giống lúa mới có phẩm chất tốt vào canh tác giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Hoan Nguyễn

Tại hội nghị tổng kết mô hình, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn khẳng định giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và giống lúa Thái Xuyên 111 là giống lúa mới, ưu điểm vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Do đó, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn kiến nghị ThaiBinh Seed tiếp tục có chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình nhân rộng giống lúa Thái xuyên 111 và giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và các giống lúa mới trên địa bàn huyện Tân Sơn.

Thăm mô sản xuất lúa giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và giống lúa Thái Xuyên 111 tại xã Mỹ Thuận, ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cây lúa là một trong những cây trồng chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Hằng năm, diện tích đất sản xuất lúa đạt trên 2.000ha/vụ, năng suất lúa bình quân đạt trên 54 tạ/ha.

Thời gian tới, huyện đặt mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng. Trong đó, tỷ lệ lúa lai ở mức khoảng 60%, lúa chất lượng cao khoảng 40%.

Việc ThaiBinh Seed phối hợp cùng người dân xã Mỹ Thuận trồng thử nghiệm thành công giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và giống lúa Thái Xuyên 111 đã mở ra cơ hội để người dân tiếp cận với những bộ giống mới, vừa giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa nâng cao năng suất, sản lượng.

Bên cạnh đó, những giống lúa mới, phương pháp canh tác mới sẽ giúp việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện có thêm nhiều dữ liệu, cơ sở, đánh giá chính xác để đi đúng, đi trúng; mang lại thu nhập ngày càng cao cho người dân...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem