Nông nghiệp giữ vững kỳ tích giữa đại dịch Covid-19 (bài 4): Chủ động thích ứng, doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 08/10/2021 14:46 PM (GMT+7)
Để ứng phó với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực chế biến thịt lợn, thủy sản, trái cây đã linh hoạt mô hình vừa sản xuất vừa chống dịch an toàn. Tuy nhiên, cũng không ít đơn vị duy trì sản xuất trong tình trạng cầm cự, thậm chí đứng bên bờ vực bị phá sản.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, hiện sản lượng thịt lợn mát và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX cung cấp ra thị trường đã giảm tới 80% so với thời điểm trước khi "làn sóng" Covid-19 lần thứ 4 xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

"Cắn răng" chịu lỗ để duy trì sản xuất

Với chuỗi khép kín A-Z từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối, HTX Hoàng Long đã khẳng định được thương hiệu tới người tiêu dùng Thủ đô trong nhiều năm qua. 

Ngoài cung cấp thịt lợn mát, HTX còn cung cấp các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua... chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hà Nội: - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, doanh số bán ra từ các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX đã giảm đến 80% so với thời điểm cách đây 2 năm trước. Ảnh: Minh Ngọc

Nhờ chất lượng sản phẩm, mô hình chuỗi của HTX đã xây dựng được hệ thống phân phối qua 5 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại các quận nội thành; 30 bếp ăn nhà trẻ, mẫu giáo tại huyện Thanh Oai và một số cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố. 

Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 tấn thịt heo mát và 0,5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 tới nay, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến của HTX đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, trường học, bếp ăn tập thể phải dừng hoạt động. Những chỉ số kinh doanh mang "màu sắc" tươi sáng ngày nào giờ chỉ còn là "giấc mơ" đối với ông Long cùng các thành viên của HTX.

Hà Nội: - Ảnh 2.

Khu vực chế biến các sản phẩm từ thịt lợn của HTX Hoàng Long vào thời điểm này hệ thống máy móc vẫn chưa được vận hành tối đa công suất do đầu ra sản phẩm bị bó hẹp, tiêu thụ chậm. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Long chia sẻ: "Mặc dù khó khăn đến từ nhiều phía, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, thị trường thu hẹp, dịch bệnh Covid-19 chưa biết khi nào dừng lại nhưng các thành viên của HTX, công nhân vẫn động viên nhau, cố gắng duy trì sản xuất".

Để vượt qua những ngày gian khó này, mỗi ngày HTX Hoàng Long phải chi ra 70 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn lợn hơn 4.000 con. Ông Long bảo: "Cũng phải chấp nhận "cắn răng" chịu lỗ, chứ đàn lợn hàng nghìn con không thể một ngày không có thức ăn".

"Sản phẩm tiêu thụ chậm, mỗi ngày chỉ bán được có vài chục kg thịt lợn mát, dẫn đến lợn trong chuồng cũng không thể giết mổ, phải nuôi quá lứa, các chi phí đều đội lên... Nhưng cũng chẳng biết phải làm sao bây giờ, buông bây giờ thì xóa sổ ngay", ông Long giọng chậm lại chia sẻ với Dân Việt.

Hà Nội: - Ảnh 3.

Sản phẩm thịt lợn mát được sản xuất theo chuỗi A-Z của HTX Hoàng Long. Ảnh: Minh Ngọc

Doanh nghiệp “trụ khỏe” bất chấp Covid -19

Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, một số doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn “trụ khỏe”.

Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu rau quả của Công ty vẫn diễn ra bình thường. 

Công ty đã sớm chủ động lường trước mọi khâu trong sản xuất, bao gồm thủ tục “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng, nên không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông.

Hiện Doveco duy trì chế biến từ 400 - 500 tấn nguyên liệu/ngày, tạo ra 150 - 180 tấn thành phẩm. Ngoài sản phẩm dứa truyền thống, Công ty còn thu mua xoài, ngô ngọt Sơn La, măng Yên Bái và chanh leo Gia Lai để đa dạng hóa sản phẩm.

Nông nghiệp giữ vững kỳ tích giữa đại dịch Covid-19 (bài 4): Chủ động thích ứng trước dịch bệnh, doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 4.

Dây chuyền chế biến dứa của Doveco tại Ninh Bình. Ảnh: KL

Còn theo ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, từ khi dịch Covid -19 bùng phát trở lại, đơn vị đã tăng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường lên gấp đôi so với thời gian trước.

Thực tế cho thấy, trong khi nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm phải ngừng hoạt động do có những ca nhiễm Covid-19, thì Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội vẫn tăng số lượng lên 300 - 400% theo yêu cầu của thành phố và thị trường để phục vụ cho các hệ thống siêu thị tại Hà Nội.

“Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ”, 3 ngày thực hiện test Covid-19 cho công nhân một lần, riêng chi phí test, sát khuẩn, bảo hộ với 70 người làm việc đã tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày. 

Trong thời gian thực hiện giãn cách, doanh nghiệp sản xuất hết công suất, lao động làm tăng ca gấp đôi so với bình thường để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại thành phố Hà Nội”, ông Dũng chia sẻ.

Doanh nghiệp thủy sản phục hồi sau đại dịch

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7 và tháng 8 năm nay là quãng thời gian mà TP. HCM và 18 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19.

Do đó, các doanh nghiệp và người lao động ở khu vực này gặp nhiều khó khăn và áp lực đứt gãy chuỗi sản xuất ngày càng gia tăng.

Các nhà máy chế biến thủy sản từ Nam Trung bộ đổ vào các tỉnh ĐBSCL duy trì sản xuất cầm chừng với mô hình "3 tại chỗ", lao động có việc làm chỉ 20 - 30%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Bước sang những ngày đầu tháng 10, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại TP. HCM cũng như một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL dần được kiểm soát. Vì vậy, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong ngành thủy sản nói riêng cũng đã nhanh chóng bắt tay ngay vào quá trình phục hồi sản xuất.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Công ty đã vượt qua mọi khó khăn, từ đầu năm đến nay chỉ tiêu xuất khẩu đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Để giữ chân người lao động ở lại làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”, công ty đã hỗ trợ 3 suất ăn/ngày, nơi ăn, ngủ, cùng một số chính sách khác, nhưng cũng chỉ có khoảng 1.400 lao động ở lại làm việc, tức chỉ bằng khoảng 40% so với ngày thường.

Nông nghiệp giữ vững kỳ tích giữa đại dịch Covid-19 (bài 4): Chủ động thích ứng trước dịch bệnh, doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 5.

Mặc dù từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với việc áp dụng "3 tại chỗ", duy trì sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) có doanh số chung đạt gần 100 triệu USD, tăng 29% so cùng kỳ năm 2020. Ảnh: IT

Với những nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp trước sự tác động không nhỏ của dịch Covid-19, báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 được công bố từ Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) thì doanh số chung đạt gần 100 triệu USD, tăng 29% so cùng kỳ năm 2020.

Tính đến thời điểm ngày 21/9, danh sách số lượng lao động đang đi làm trong các nhà máy đã ngang bằng so với trước đây. Ngoài ra, Công ty đã có đủ nguyên liệu chế biến cho lực lượng lao động trước những đơn hàng đã ký kết.

Với Công ty cổ phần Nam Việt sau gần hai tháng thực hiện chủ trương "3 tại chỗ", doanh nghiệp này đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là duy trì sản xuất và bảo đảm không để dịch lây lan vào nhà máy.

Ông Doãn Thiên, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Nam Việt cho rằng, yếu tố quyết định trong việc duy trì hoạt động giữa thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay chính là tiêm vaccine phòng Covid-19. 100% lượng lao động "3 tại chỗ" của Công ty đã được tiêm mũi 1.

Dự kiến hết quý 3 Công ty này sẽ hoàn tất việc tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ lao động. 

"Nhờ có kho lạnh với công suất khoảng 6.000 tấn nên nhà máy của Nam Việt đủ nguyên liệu dự trữ để duy trì sản xuất trong suốt thời gian vừa qua. Hơn nữa, từ giữa tháng 9, chúng tôi đã được nhập nguyên liệu từ bên ngoài để tiếp tục hoạt động sản xuất, đáp ứng cho các đơn hàng đã ký, đủ để sản xuất đến quý đầu năm 2022", ông Doãn Thiên cho biết thêm.

Về kết quả kinh doanh, theo ông Doãn Thiên, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Nam Việt, doanh thu từ mặt hàng cá tra đông lạnh trong tháng 7 và 8 của Nam Việt đạt hơn 18.5 triệu USD; trong đó nổi bật có thị trường Thái Lan và Colombia tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch gần 3 triệu USD chỉ trong tháng 8/2021.

Dự kiến đến cuối năm Công ty này sẽ tiếp tục giảm mức hàng tồn kho xuống mức thấp hơn bởi, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra đông lạnh được dự đoán tăng mạnh ở hầu hết các thị trường vào thời điểm cuối năm.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem