Nông sản làm nóng hội nghị gặp gỡ Thủ tướng với doanh nghiệp

Thuận Hải – Hứa Phương Thứ sáu, ngày 29/04/2016 11:47 AM (GMT+7)
Đẩy mạnh hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng chính sách bảo hộ, bảo vệ nông sản trước tình hình hội nhập… là những kiến nghị của nhiều đại diện doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng nay.
Bình luận 0

img

Thủ tướng gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp năm 2016, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm và nông nghiêp.

img

Bí thư Đinh La Thăng gặp gỡ doanh nghiệp

Theo đó VN có rất nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản hiện đặc biệt quan tâm tới đầu tư vào nông nghiệp tại VN. Trên thực tế, sản phẩm nông nghiệp VN rất phong phú, có điều kiện để mở rộng thị trường và áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng.

img

Bà Mai Kiều Liên (áo hoa) Tổng giám đốc Vinamilk đến tham dự hội nghị

Tại Nhật Bản, quốc gia này đã rất thành công trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ phát triển được hệ thống truy xuất nguôn gốc sản phẩm, đảm bảo được sự an toàn của sản phẩm, đảm bảo lòng tin của người tiêu dùng. Trong khi đó tại VN, việc này chưa được quan tâm đúng mức. 

img

Doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị

Nhật Bản tin rằng, hệ thống truy xuất nguôn gốc phát triển sẽ giúp Nhà nước truy tìm được các sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, đồng thời, khuyến khích DN phát triển các sản phẩm an toàn, được người tiêu dùng trên toàn thế giới chấp nhận.

img

Doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi

Do đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phía Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp VN.

img

doanh nghiệp kỳ vọng nhiều ở cuộc gặp

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hệ thống pháp luật cần nhiều thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế nền kinh tế trong nước hiện nay. Cụ thể như, quy định về hạn chế số giờ làm thêm khiến doanh nghiệp phải tăng số lượng lao động để đáp ứng các đơn hàng. Từ đó, phát sinh nhiều chi phí lao động, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Quy định này có thể giảm khả năng cạnh tranh của DN VN trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tỉnh Gia Lai thì cho rằng, trong điều kiện DN trồng cao su khó khăn, giá xuống đáy trong khi lãi suất tăng cao, khả năng thua lỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã phải chặt bỏ vườn cao su. Ngoài ra, nhiều nông sản khác cũng trong tình cảnh tương tự. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai mong muốn Thủ tướng Chính phủ có chính sách bảo trợ, bảo hiểm đối với lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ nông sản trước tình hình chồng chất khó khăn hiện nay

Ngoài ra Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai cũng kiến nghị chính phủ có chính sách chỉ đạo hạn ngạch cho xe qua cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Vì thực tế hiện nay hạn ngạch này chỉ ở mức 500 xe, không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc cấp hạn ngạch xe lưu thông giữa Việt Nam và Lào chỉ được xem xét khi địa phương có kiến nghị gởi cơ quan chức năng. Việc xử lý cấp hạn ngạch chậm trễ có thể ảnh hưởng tới tiến độ lưu thông hàng hóa giữa hai quốc gia, đặc biệt là hàng nông sản.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết bảo vệ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sức cạnh tranh của DN nước ta có xu hướng giảm, do thể chế cũng như thủ tục phiền hà góp phần làm chi phí cao. Thực trạng DN ngày càng nhỏ đi về quy mô, thiếu hụt DN có quy mô vừa, quy mô lớn, chỉ số khả năng thanh toán ít cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tiêu cực gây mất nhiều thời gian, tiền bạc cho DN vẫn tồn tại và còn một bộ phận cán bộ, đảng viên tiêu cực gây phiền hà cho DN ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Theo Thủ tướng Chính phủ, sự hụt hơi, yếu kém của nền kinh tế Việt Nam này cần phải nhìn thẳng vào đó để khắc phục, cải thiện. Theo đó, Thủ tướng cam kết Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh  của DN, DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật cho phép, tất cả các DN, không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế… đều bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực như vốn vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh…

Nhà nước cũng đảm bảo sự ổn định, lâu dài của chính sách đảm bảo tính tiên lượng cho nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ 1 vấn đề, 1 cơ quan chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan đó chịu trách nhiệm đến cùng cho quyết định của mình

“Chính sách thì không được sáng nắng chiều mưa. Các quy định về điều kiện cũng phải lượng hóa được, minh bạch dễ hiểu để nhà đầu tư đánh giá được đáp ứng nhu cầu với chi phí thấp, giảm thiểu rủi ro”, Thủ tướng khẳng định. “Ngoài ra, tôi nhấn mạnh việc ổn định vĩ mô, đảm bảo vấn đề an ninh, không để kẻ xấu phá hoại DN”, Thủ tướng tiếp lời.

Ngoài ra, theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ, DN nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong công tác tạo việc làm, tăng thu nhập, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. Do đó, cần tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phát triển và hội nhập.

“Tôi khẳng định, Đảng, Chính phủ  VN coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế, triệt để ngăn chăn việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý, Nghị định thông tư phải thực hiện theo đúng Luật DN và Luật Đầu tư. Tôi yêu cầu từ 1.7.2016 phải bỏ hết các quy định cũ trái với các Luật đã được Quốc hội thông qua”, Thủ tướng kết luận.

Phân bò, con giống là nỗi lo của Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) kiến nghị, cần có cơ chế cho phép bò, bê sữa do Vinmilk nhập khẩu là con giống, đồng thời, điều chỉnh các quy định về con giống, nhập khẩu con giống cho hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi có nhu cầu trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, theo bà Liên, cần xem xét lại quy định xử lý chất thải trong chăn nuôi. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phát triển theo hướng hữu cơ, trong đó, nguồn nước thải, phân bò là nguồn phân hữu cơ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp bị yêu cầu xử lý nước thải ra mức B1, cực kỳ tốn kém nhưng lại không cần thiết. Thay vì phải đầu tư xử lý để cho ra loại nước có thể uống được, nguồn nước thải từ chăn nuôi này tốt cho sản xuất phân bón, tưới đồng cỏ, phuc vụ chăn nuôi…
Cuối cùng, bà Liên nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.
 

Hứa Phương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem