Nông sản Việt hội nhập sau CPTPP: Giảm phụ thuộc vào một thị trường

Nhóm P.V Thứ năm, ngày 04/07/2019 16:39 PM (GMT+7)
Được sự chỉ đạo của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương, Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt đã phối hợp Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
Bình luận 0

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019 với nhiều cam kết trong cắt giảm thuế quan, cam kết nguồn gốc xuất xứ, cam kết SPS và TBT, cam kết đầu tư, cam kết sở hữu trí tuệ và các cam kết khác.

Không chỉ loanh quanh ASEAN

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là thành viên CPTPP có đa chiều thuận lợi: Một mặt là phát triển thị trường tiềm năng; cùng với đó là giảm thiểu được rủi ro, không để quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, khẳng định vị thế cạnh tranh nông sản Việt trên thương trường.

Với người nông dân Việt Nam, nhiều năm nay, đầu ra nông sản vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó thị trường này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, con đường xuất khẩu tiểu ngạch sẽ dần đóng cửa. Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. CPTPP chính là một chìa khóa để nông sản Việt giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cần phải nói thêm, với CPTPP, mặc dù dân số nội khối chỉ bằng 1/3 so với dân số 1,5 tỷ người của Trung Quốc, nhưng nếu xét về GDP thì Trung Quốc còn thấp hơn khối CPTPP. Những con số này cho thấy, dư địa lớn thâm nhập của nông sản Việt vào các thị trường tiềm năng trong khối không hề nhỏ

img

Sản phẩm xoài của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản... (ảnh tư liệu)

“Bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thời cơ “chu du” xa hơn, vào thị trường khổng lồ và giàu có là các nước thành viên khối CPTPP khi mà rào cản thuế quan được dỡ bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay trở đi, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có thêm nhiều thị trường mới, không còn cảnh thương lái Trung Quốc một mình một chợ để thẳng tay ép giá” - ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích.

Dĩ nhiên, theo ông Thiên, để vào thị trường khối CPTPP cũng có khó khăn là nông sản Việt Nam phải chuyển mình, trở thành “đẹp đẽ hơn, sạch sẽ hơn”, ít ra phải đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Theo báo cáo Việt Nam 2035, ước tính nông nghiệp thuần túy của nước ta vào thời điểm đó chỉ còn chiếm 10 - 15% GDP. Nhưng nếu tính nông nghiệp gắn với các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho đầu vào, đầu ra của nông nghiệp và chế biến nông sản thì có thể chiếm tới 35% GDP và chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường. “Cuộc sống của nông dân và những người lao động gắn với nông nghiệp sẽ tốt đẹp hơn” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.

Với triển vọng như vậy, hẳn nhiên nền kinh tế của chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc? Bà Chi Lan cho rằng, về nông nghiệp, hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP là Nhật Bản.

“Việt Nam có thể trở thành cứ điểm mạnh cung cấp một số loại nông sản cho hơn 120 triệu người dân Nhật. Đây là cơ hội rất lớn để nông nghiệp Việt Nam tạo bước đột phá. Tận dụng tốt cơ hội trong CPTPP và EVFTA, hợp tác thêm với một số nước có công nghệ cao về nông nghiệp như Israel, đồng thời cải cách mạnh để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa chắc chắn sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam “cất cánh” - bà Lan phân tích.

Cách nào để giành thế chủ động?

CPTPP không đồng nghĩa với giấy phép/Visa xuất khẩu cho các loại hàng hóa và cũng sẽ không xóa bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm… Trên thực tế, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu nông sản nhưng giá trị thu về chưa cao. Theo số liệu năm 2017, tỷ trọng mặt hàng thô, sơ chế chiếm tới 90% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 

Ngân hàng Thế giới đánh giá CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm theo các kịch bản khác nhau, thấp nhất là 1,1%, mức cao hơn là 3,5% (khi năng suất lao động tăng vừa); xuất khẩu tăng 4,2 - 6,9%; nhập khẩu tăng 5,3 - 7,6%. 

Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh. Do vậy, nỗi lo của nông sản Việt Nam vẫn là “được mùa, mất giá”, vẫn là những nỗi ám ảnh đối với ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập.

“Trong bối cảnh đó, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nếu chúng ta không xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ khó cạnh tranh, đủ năng lực đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế” - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh yếu tố thị trường thì vấn đề chất lượng nông sản cũng là điều quan trọng khi cạnh tranh trên thị trường mở khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.

“Vấn đề không phải ở kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 42 - 43 tỷ USD, mà là giá trị gia tăng trong đó là bao nhiêu? Và trong giá trị gia tăng ấy, doanh nghiệp Việt, nông dân Việt được hưởng lợi thế nào?” - TS Võ Trí Thành nói.

Ông Thành cho hay, cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi và khắc phục những hạn chế cố hữu là sản xuất nhỏ, yếu kém trong chế biến.

Đại diện một doanh nghiệp cũng thừa nhận, để phát triển bền vững trong hội nhập, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản phẩn nông sản. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem