Nóng tuần qua: Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng khi nào đến tay người thụ hưởng?

Thúy Vy Chủ nhật, ngày 19/04/2020 16:25 PM (GMT+7)
Bộ LĐ-TB&XH triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trong tháng 4, dưới sự giám sát của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên để đảm bảo minh bạch, hạn chế trục lợi.
Bình luận 0

Các đối tượng nhận hỗ trợ sẽ được thụ hưởng chính sách trong tháng 4

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, một trong những yêu cầu đặt ra là gói hỗ trợ phải được thực hiện công khai, minh bạch và đến nhanh nhất với người thụ hưởng, không để xảy ra tình trạng chính sách chạy lòng vòng.

Các đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được thụ hưởng chính sách trong tháng 4. Còn danh sách người lao động mất việc làm cần hỗ trợ sẽ được triển khai thông qua doanh nghiệp, có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Tối đa 5 ngày sau khi nhận được hồ sơ, đơn vị chức năng phải giải quyết, hỗ trợ cho người dân.

img

Các đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được thụ hưởng chính sách trong tháng 4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp trong quý I/2020. Qua đánh giá thực tiễn của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng người thất nghiệp và mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 là khoảng 2,5 triệu người. Nếu dịch kéo dài, con số này có thể lên đến 3,5-4 triệu người.

Do đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên sẽ giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đối với những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, để các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế việc trục lợi.

Bên cạnh đó, ông cam kết toàn bộ số tiền, hàng được gửi đến Mặt trận để ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được phân bổ kịp thời, đảm bảo không xảy ra sai sót, thất thoát.

Bộ Công Thương cảnh báo việc xuất khẩu trang sang EU

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) thuộc Bộ Công Thương vừa đưa ra một số cảnh báo về việc xuất khẩu trang sang các thị trường này.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cảnh báo các doanh nghiệp cần lưu ý để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này.

Bộ Công Thương cho rằng việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ giảm ít nhất 40% lợi nhuận

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải giảm ít nhất 40% lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.

Phó thống đốc thường trực cho biết

để giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải giảm ít nhất 40%.

img

 Nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải giảm ít nhất 40% lợi nhuận.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã đề cập tới giải pháp giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngoài việc giảm một loạt lãi suất điều hành, NHNN tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc 0,2%/năm để phát tín hiệu giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại hồi cuối tháng 3, các nhà băng này cũng đã đồng thuận tiếp tục giảm thêm 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.

Dự kiến khởi công sân bay Long Thành tháng 5/2021

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết doanh nghiệp đảm bảo tiến độ dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 5/2021, hoàn thành giai đoạn 1 tháng 12/2025.

Lãnh đạo ACV khẳng định dù hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn ưu tiên cân đối đủ nguồn lực cho các dự án trọng điểm, cấp thiết, đặc biệt là sân bay Long Thành trong kế hoạch 2020 và trung hạn điều chỉnh.

Do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, lợi nhuận của ACV trong quý I ước đạt gần 1.900 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của tổng công ty cảng hàng không đạt hơn 11.000 tỷ đồng, giảm 10.000 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận ước tính giảm 9.000 tỷ đồng, đạt 1.500 tỷ đồng.

Vào tuần trước, trong buổi làm việc trực tuyến ngày 8/4 với tỉnh Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu địa phương đẩy nhanh tiến độ để xây dựng sân bay.

Đấu thầu lại 182.000 tấn gạo dự trữ vì doanh nghiệp ‘xù’ ký hợp đồng

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết đến hết ngày 8/4, trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia do Thủ tướng giao, đã có 178.000 tấn gạo có nhà thầu trúng. Tuy nhiên, cơ quan này mới chỉ ký được hợp đồng 7.700 tấn gạo. Số gạo các nhà thầu từ chối ký hợp đồng là 170.300 tấn.

Do đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia.

Đơn vị này cho biết đang khẩn trương triển khai tiếp các thủ tục để tổ chức đấu thầu mua số lượng gạo còn lại.

Trong tháng 5, dự kiến hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ; thời gian kết thúc nhập kho trong tháng 6.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem