Nóng tuần qua: Lần đầu tiên trong lịch sử, vé máy bay được bán trên sàn thương mại điện tử

Theo Thiên Lý Chủ nhật, ngày 09/01/2022 16:11 PM (GMT+7)
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines vừa triển khai việc bán vé máy bay trên sàn thương mại điện tử - điều chưa từng có trong ngành hàng không.
Bình luận 0

Vietnam Airlines lần đầu tiên bán vé trên sàn thương mại điện tử

Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ đem đến cho hành khách những trải nghiệm hàng không đột phá với đặc quyền ưu việt như: thêm hành lý ký gửi, được làm thủ tục tại quầy ưu tiên, gắn thẻ hành lý ưu tiên, sử dụng phòng khách bông Sen, lên tàu bay bằng lối đi ưu tiên hoặc xe bus ưu tiên, chọn trước chỗ ngồi, miễn phí bỏ chuyến, đổi chuyến…

img

Vietnam Airlines lần đầu tiên bán vé trên sàn thương mại điện tử.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, việc lập sàn thương mại điện tử không ngoài mục tiêu bán vé máy bay. Trong xu thế hiện nay, bán vé máy bay không chỉ đơn thuần là bán mỗi cái vé mà phải làm nhiều việc để nâng cao trải nghiệm của khách, phấn đấu trở thành hãng hàng không số.

Hãng cũng kỳ vọng khoản doanh thu vốn được coi là phụ của hãng bay này sẽ trở thành doanh thu quan trọng.

Chương trình phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác.

Chính phủ trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình này được áp dụng chủ yếu trong 2 năm 2022-2023. Mục tiêu của chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, năm 2021 - năm đầu tiên của giai đoạn - tăng trưởng GDP là 2,58%.

img

Chính phủ trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Thứ nhất, Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.

Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ tư, chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.

HoSE có 46 doanh nghiệp tỷ USD

Theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thị trường cổ phiếu đang niêm yết này đạt quy mô 120,5 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa tương đương hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,48% so với tháng trước, đạt khoảng 92,77% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Sàn chứng khoán này tại thời điểm cuối năm 2021 có 533 mã chứng khoán niêm yết. Trong đó bao gồm 404 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 8 mã chứng chỉ quỹ ETF, 113 mã chứng quyền có bảo đảm và 5 mã trái phiếu.

HoSE ghi nhận đến cuối năm ngoái có 46 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, tăng 1 đơn vị so với tháng liền trước. Trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD bao gồm Tập đoàn Vingroup(VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).

Đáng chú ý là Hòa Phát đã rới khỏi danh sách này khi cổ phiếu HPG bị giảm sâu trong giai đoạn cuối năm, dù vậy quy mô vẫn còn khá lớn đạt hơn 207.500 tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác cũng có quy mô trên 200.000 tỷ đồng là Masan Group khi cổ phiếu MSN bứt phá về cuối năm.

Trung Quốc đồng ý khôi phục thông quan tại một cửa khẩu

Mới đây, Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết phía Quảng Tây, Trung Quốc thông báo khôi phục thông quan tại cửa khẩu Bình Mãng (phía Việt Nam là cửa khẩu Sóc Giang, tỉnh Cao Bằng) kể từ 10h ngày 7/1.

Quyết định này được đưa ra một ngày sau kỳ họp lần thứ nhất nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc. Như vậy, cặp cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng là cặp cửa khẩu tiếp theo được khôi phục thông quan sau cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang.

Trước đó, ngày 29/12/2021, Bộ trưởng Công Thương đã có thư gửi Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để trao đổi về tình hình thông quan và biện pháp giải tỏa ùn tắc tại cửa khẩu.

Trong thư, Bộ trưởng đề nghị Trung Quốc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng thương mại và duy trì chuỗi cung ứng, đồng thời đề xuất Quảng Tây và các địa phương biên giới Việt Nam cùng trao đổi để nhanh chóng giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng hóa tại hai bên cửa khẩu.

Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là bất thường

Mới đây, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Ông Phớc cho hay, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là "trái tim" của TP HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2.

Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. Mức giá này là theo Bộ trưởng Tài chính là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.

"Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được", ông Phớc nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem