Nóng tuần qua: Vùng thủ đô sẽ có sân bay thứ 2?

Theo Thiên Lý Chủ nhật, ngày 27/06/2021 16:07 PM (GMT+7)
Sau năm 2050, Vùng Thủ đô Hà Nội cần bổ sung sân bay thứ 2, đơn vị tư vấn kiến nghị duy trì vị trí quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Hải Phòng dự bị cho Cảng HKQT Nội Bài.
Bình luận 0

Thông tin mới về quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô

Trong dự thảo Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu thông tin về việc quy hoạch xây dựng cảng hàng không (CHK) thứ 2 Vùng Thủ đô.

Bản tổng hợp kết quả lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương cho thấy, có ý kiến của hai địa phương về xác định vị trí quy hoạch, xây dựng sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô tại tỉnh Hà Nam và TP Hải Phòng.

img

Xây dựng sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô tại tỉnh Hà Nam và TP Hải Phòng.

Cụ thể, ngày 2/3, TP Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là Cảng HKQT số 2 Vùng Thủ đô.

Ngày 17/3, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản gửi Bộ GTVT và đề nghị tư vấn nghiên cứu, đánh giá và đề xuất vị trí đảm bảo khả thi hơn vị trí huyện Lý Nhân do đã quy hoạch các khu công nghiệp, đô thị và dự án đang triển khai thực hiện.

Việc xác định CHK thứ 2 Vùng Thủ đô được tư vấn rà soát, đánh giá trên cơ sở số liệu dự báo về nhu cầu vận chuyển hàng không của khu vực Vùng Thủ đô và khả năng mở rộng của Cảng HKQT Nội Bài. 

Đối với số liệu dự báo về nhu cầu vận chuyển hàng không của khu vực Vùng Thủ đô, hồ sơ gửi lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố cho biết tổng nhu cầu hành khách thông qua hệ thống CHK đạt khoảng 276 triệu hành khách trong giai đoạn đến năm 2030.

Từ 2022: Nối thẳng sàn online đến cơ quan thuế, hết né và trốn

Để tạo điều kiện cho người nộp thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ được tự kê khai nộp thuế hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế thay.

img

Tổng cục Thuế dự kiến lộ trình triển khai việc kết nối cung cấp thông tin gồm 4 bước.

Do đó, Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã có quy định nhằm hướng dẫn rõ hơn về thủ tục trong trường hợp các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT theo ủy quyền hoặc thỏa thuận của cá nhân và theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế dự kiến lộ trình triển khai việc kết nối cung cấp thông tin gồm các bước.

Bước 1 (từ nay đến trước 1/8/2021): Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu; dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn thương mại điện tử.

Bước 2 (từ 1/8/2021 đến trước 1/10/2021): Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.

Bước 3 (từ 1/10/2021 đến trước 1/1/2022): Tổng cục Thuế và các sàn giao dịch TMĐT triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.

Bước 4 (Từ 1/1/2022): Sàn TMĐT thực hiện việc kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.

Đề xuất hỗ trợ cho 2.000 nghệ sĩ

Để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp hỗ trợ.

Cụ thể, Bộ đề nghị hỗ trợ 2.000 viên chức là nghệ sĩ hạng IV gồm đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hơn 26.721 hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do dịch Covid-19 mức tiền 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Theo Bộ VHTTDL, từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch gần như không thể hoạt động do đại dịch Covid -19 không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người.

Xem xét hủy giấy phép bay của một hãng hàng không

Bộ GTVT cho biết đang xem xét hủy giấy phép của Công ty CP dịch vụ Globaltrans Air do nhận giấy phép từ 3 năm trước nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.

Cụ thể, theo thông báo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bộ đã nhận được văn bản của Cục Hàng không hồi đầu tháng 5 về việc hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty CP dịch vụ Globaltrans Air (Globaltrans Air).

Cục Hàng không cho biết, Globaltrans Air được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung từ tháng 4/2018. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Globaltrans Air vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận AOC theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không. Cục cũng không nhận được phản hồi của Globaltrans Air liên quan đến việc cấp AOC.

Bộ Tài chính giảm thêm gần 1.000 tỷ đồng phí và lệ phí

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 47/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đây là thông tư mới nhằm gia hạn các thông tư trước đó trong việc giảm 29 khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời bổ sung giảm thêm mức thu 1 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, cơ quan quản lý tài khóa tiếp tục giảm một loạt khoản phí và lệ phí trong các lĩnh vực như chứng khoán, xây dựng, vận tải đường bộ, lĩnh vực hàng không…

Trong đó, nhiều khoản phí và lệ phí được giảm mạnh tới 30-50% như giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% phí thẩm định thiết kế cơ sở; giảm 50% phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem