NTM An Giang: Đổi đời từ phong trào nuôi rắn thả vườn

Thứ ba, ngày 11/10/2016 14:00 PM (GMT+7)
Ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang phong trào nuôi rắn nhốt chuồng (chủ yếu là rắn hổ hèo) đã phát triển từ lâu, nhưng nuôi rắn theo mô hình thả vườn, thì ông Chau Sóc Kim (dân tộc Khmer) là người đi tiên phong, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bình luận 0

Theo lãnh đạo Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang), Tri Tôn có khoảng 10 hộ nuôi rắn theo mô hình nhốt chuồng được Chi cục thường xuyên kiểm tra, quản lý và cấp phép. Trong đó riêng có hộ ông Chau Sóc Kim là người đầu tiên thực hiện theo mô hình nuôi thả vườn bán hoang dã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình nuôi nhốt chuồng.

Một cán bộ Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên cho biết, rắn là loài động vật hoang dã nếu nuôi nhốt trong chuồng sẽ châm lớn, tốn kém nhiều thức ăn và chất lượng thịt cũng sẽ không thể bằng nuôi theo mô hình bán hoang dã trong tự nhiên, vì thế hiệu quả giá trị kinh tế không cao.

Cũng chính từ trăn trở suy nghĩ ấy, ngay từ khi bắt tay vào nuôi rắn để làm kinh tế gia đình, ông Chau Sóc Kim đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi thả vườn. Theo ông, đây là mô hình phù hợp với gia đình, vì nhà có một khu vườn khá rộng, chỉ cần đầu tư kinh phí xây tường bao quanh là có thể thả được hàng ngàn con rắn giống.

img

 Ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang ông Chau Sóc Kim (Khmer) là người đi đầu và thành công trong mô hình nuôi rắn thả vườn.

Nghĩ là làm, với số tiền dành dụm được và vay thêm bên ngoài được khoảng 100 triệu đồng, năm 2011 ông đã đầu tư xây một hàng rào kiên cố bằng gạch bao quanh khu vườn với diện tích trên 1000 mét vuông.

Bên trong khu vườn, để tạo môi trường thân thiệt cho rắn như trong tự nhiên, ông cho xây hai hàng hộc tạo nên những hang, hốc vừa kín đáo, vừa yên tĩnh cho rắn trú ẩn, làm ổ đẻ trứng sinh sản. Ngoài ra trong khu vườn còn được ông bố trí các bồn nước, trồng cỏ, cây ăn trái tạo bóng mát cho rắn sống như trong môi trường thiên nhiên.

Sau khi đã hoàn tất việc xây dựng, tạo môi trường tự nhiên trong khu vườn, ông đã tìm mua 40 kg rắn giống gồm 4 loại không có nọc độc như rắn hổ ngựa, hổ hành, hổ hèo, rắn lãi về thả nuôi. Nguồn thức ăn cho rắn, ông Chau Sóc Kim cũng mua chủ yếu là ếch nhái với giá rẻ ngoài chợ về thả vào vườn cho chúng tự sinh sản và làm mồi cho rắn.

Như quy luật của tự nhiên, nguồn thức ăn cho ếch, nhái là cào cào, châu chấu, được ông thắp sáng đèn mỗi đêm để dụ chúng bay vào vườn. Vậy là một quy trình tự nhiên được hình thành, châu chấu, cào cào làm mồi cho ếch, nhái và ếch, nhái lại làm mồi cho rắn, người nuôi rắn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, tăng thêm lợi nhuận.

Từ cách nuôi theo mô hình thả vườn này, chỉ một thời gian ngắn, số lượng đàn rắn trong vườn nhà ông đã có khoảng 2000 con rắn thương phẩm và rắn giống. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông lựa chọn những con rắn lớn trưởng thành bán với giá giao động từ 200.000  – 500.000 đồng/kg (tùy theo loại rắn). Gía cao nhất là rắn hổ hèo, có thời điểm dịp Tết lên tới 600.000  – 800.000 đồng/kg.

Ngoài bán rắn thương phẩm ông còn bán rắn bố mẹ với giá từ 4 – 5 triệu đồng/cặp, rắn con giống từ 300.000– 500.000 đồng/con. Nhờ đó, chỉ sau một năm nuôi rắn thả vườn, gia đình ông đã thoát nghèo, với thu nhập 200 triệu đồng, từ đợt bán rắn đầu tiên. Năm 2013, sau khi trừ mọi chi phí, ông còn đạt lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm từ bán rắn thịt, rắn bố mẹ và rắn con giống. Từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận càng tăng cao, với khoảng trên 600 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã có của để dành và tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, nhân thêm đàn rắn, phấn đấu vươn lên làm giàu

Lương Định (Báo Dân Sinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem