Nữ sinh tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Hà Nội đối mặt với mức án nào?

Bảo Yến Thứ sáu, ngày 07/05/2021 06:18 AM (GMT+7)
Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 đối tượng về hành vi Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Những đối tượng này phải đối mặt với mức án như thế nào?
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Phương Thảo (SN 1999, trú tại tỉnh Phú Thọ), Ou Guo Pei (quốc tịch Trung Quốc) và Đinh Thị Huệ (SN 1999, trú tại tỉnh Phú Thọ) về hành vi Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Ngày 20/4, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội phối hợp với lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an Hà Nội kiểm tra, phát hiện 5 người Trung Quốc tại số nhà 464 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, nghi vấn có dấu hiệu nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, những người này không xuất trình được hộ chiếu, thị thực nhập cảnh.

nhap-canh-trai-phep-1.jpeg

Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị phát hiện ở những căn nhà Thảo, Huệ thuê tại Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Quá trình xác minh, căn nhà này do Trần Thị Phương Thảo (SN 1999) trú tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ thuê của bà Nguyễn Thị T từ tháng 12/2020 để ở và phục vụ kinh doanh mỹ phẩm tại tầng 1.

Năm 2020, Trần Thị Phương Thảo quen biết Ou Guo Pei và đối tượng tên "Vương" đều là người Trung Quốc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo.

Ou Guo Pei và "Vương" nhờ Thảo đứng ra thuê một số căn hộ để cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở và làm việc. Thảo đồng ý và rủ thêm Đinh Thị Huệ (SN 1999) trú tại xã Đông Cửu, cùng huyện Thanh Sơn, là bạn học tìm thuê một số căn hộ chung cư để cho số đối tượng người Trung Quốc này thuê lại, nhằm kiếm tiền chênh lệch từ việc cho thuê nhà.

nhap-canh-trai-phep-2.jpeg

Trần Thị Phương Thảo tại trụ sở công an. Ảnh: Dân Việt

Cụ thể, ngoài căn nhà này, Thảo còn thuê thêm 2 căn hộ chung cư khác cũng trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung cho các đối tượng người Trung Quốc. Huệ thuê 2 căn hộ chung cư khác trên địa bàn quận Thanh Xuân, tại thời điểm kiểm tra phát hiện 12 người Trung Quốc đang cư trú trái phép tại đây.

Trong vụ việc này, Trần Thị Phương Thảo được hưởng lợi số tiền khoảng 140 triệu đồng; Đinh Thị Huệ hưởng lợi 4 triệu đồng.

Hiện 16/17 người Trung Quốc được đưa cách ly tại Bệnh viện Công an Hà Nội theo quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Mối nguy hiểm từ nhập cảnh trái phép

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ: "Hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không còn là chuyện hiếm. 

Thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đặc biệt là thời điểm thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều đối tượng đã bị xem xét xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự nhưng tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp".

Theo luật sư, việc để người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép ở Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Đó là, các nhóm đối tượng thực hiện các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia trong đó có tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, thậm chí có cả những hành vi phạm tội liên quan đến an ninh quốc gia .Bởi vậy việc phát hiện, xử lý nhanh chóng, triệt để là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nữ sinh tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Hà Nội đối mặt với mức án nào? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội trao đổi với PV Dân Việt về sự việc tổ chức nhập cảnh trái phép.

Theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam thì người nước ngoài phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn, giấy tờ mới được phép nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Việc nhập cảnh phải được thực hiện tại cửa khẩu quốc tế, có hộ chiếu và các giấy tờ đầy đủ. Khi nhập cảnh vào Việt Nam thì hộ chiếu phải có đóng dấu nhập cảnh và thể hiện thời hạn lưu trú.

Điều 5. Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam quy định các điều cấm trong đó có cấm: "3. Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam."

5. Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân."

Những hành vi vi phạm quy định về nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự kèm theo hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi Việt Nam.

Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép đối mặt với mức án nào?

Luật sư Cường cho biết, trong vụ việc này, trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và cư trú trái phép ở Việt Nam sẽ xem xét từng hành vi vi phạm pháp luật của từng đối tượng để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Hành vi xuất nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày 12/11/2013. Cụ thể theo điểm a khoản 3; điểm b khoản 5 và khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

"Điều 17. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại

...

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

..

b) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan

9. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy trong số người nhập cảnh trái phép có người từng bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh Việt Nam trái phép thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung (BLHS)với mức phạt có thể lên đến 3 năm tù.

Hành vi môi giới, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 348 BLHS. Với hành vi môi giới, tổ chức cho từ 11 người nhập cảnh trái phép thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra, các đối tượng không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, cách ly y tế sẽ bị xử phạt hành chính về vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Nếu các đối tượng dương tính với covid-19 mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép để thực hiện các hoạt động tội phạm công nghệ cao, còn có thể là an ninh quốc gia thì tùy vào hành vi cụ thể các đối tượng này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh tương ứng trong BLHS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem