Bỏ cá điêu hồng, nữ nông dân 8X Vĩnh Long bèn nuôi cá quý hiếm gì trên sông Tiền mà cả làng muốn xem?

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 14/03/2023 18:44 PM (GMT+7)
Trước tình trạng giá cá điêu hồng bấp bênh trong khi giá thức ăn không ngừng tăng, nữ nông dân 8X ở xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chuyển qua nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm lưu vực sông Mê Kông. Mô hình được chị thực hiện trên sông Tiền đang nuôi cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc...
Bình luận 0

Khu vực nuôi các loài cá đặc sản quý hiếm trên sông Tiền của nữ nông dân 8X mỗi khi kéo lưới bắt cá là ai cũng muốn xuống xem.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, hiện nay, chị Võ Thị Hoa Phụng (34 tuổi), ngụ ở xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm trên bè cá ở sông Tiền.

Từ bỏ cá điêu hồng, nữ nông dân 8X chuyển qua nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm trên sông Tiền - Ảnh 1.

Trước tình trạng giá cá điêu hồng bấp bênh trong khi giá thức ăn không ngừng tăng, chị Võ Thị Hoa Phụng (34 tuổi), ngụ ở xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chuyển qua nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm trên sông Tiền như cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc, cá trắm đen. Ảnh: Huỳnh Xây

Chị Võ Thị Hoa Phụng (34 tuổi), ngụ ở xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nuôi các loài cá đặc sản lưu vực sông Mê Kông. Trong video, nhân công nuôi cá đang bắt và xuất bán cá cóc được nuôi trên sông Tiền. Video: Huỳnh Xây

Các loại cá đặc sản được chị Phụng nuôi trên bè cá trên sông Tiền gồm cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc, cá trắm đen. Trong đó, cá đặc sản quý hiếm là cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ.

Khu vực bè cá của chị Phụng có khoảng 40 bè, ở mỗi bè thả nuôi 100-200 con cá đặc sản. Trên các bè đều được che bằng lưới nhằm không cho các con cá bay và hạn chế ánh nắng chiếu vào mặt nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, chị Phụng cho hay, hơn 7 năm trước, gia đình chị nuôi cá điêu hồng nhưng không hiệu quả. Bởi giá cá điêu hồng bấp bênh trong khi giá thức ăn không ngừng tăng. Do vậy, gia đình quyết định chuyển sang nuôi các loại cá đặc sản như cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc, cá trắm đen.

Từ bỏ cá điêu hồng, nữ nông dân 8X chuyển qua nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm trên sông Tiền - Ảnh 3.

Chị Phụng xuất bán cá cóc đi An Giang, mỗi con nặng từ 1,3kg trở lên. Ảnh: Huỳnh Xây

Từ bỏ cá điêu hồng, nữ nông dân 8X chuyển qua nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm trên sông Tiền - Ảnh 4.

Việc nuôi cá đặc sản như cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc, cá trắm đen trên bè sông Tiền cho chị Phụng thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Huỳnh Xây

"Cá đặc sản không lời nhiều nhưng không lỗ, bởi thị trường ổn định, không bể chợ khi nuôi nhiều như cá điêu hồng" - chị Phụng cho biết nguyên nhân chuyển từ việc nuôi cá điêu hồng sang nuôi cá đặc sản.

Hiện thị trường tiêu thụ cá đặc sản nuôi trên sông Tiền của chị Phụng có ở khắp cả nước, kể cả ở Hà Nội, ngoài thương lái, còn có các khách lẻ và nhà hàng.

Để thành công với mô hình nuôi cá đặc sản trên bè cá sông Tiền, chị Phụng cho biết, mật độ thả nuôi phải thưa, chị chỉ thả nuôi từ 100-200 con trên mỗi bè và không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi (nhờ nguồn nước sông Tiền quanh khu vực bè nuôi còn sạch, không có nhà máy). Đây cũng là lý do các loại cá đặc sản của chị Phụng được khách hàng tìm mua nhiều.

Theo phóng viên tìm hiểu, ở mỗi loại cá đặc sản, chị Phụng nuôi khoảng vài chục tấn cá thương phẩm. Đến thời điểm thu hoạch, chị xuất bán khoảng 400 kg cá/ngày.

Từ bỏ cá điêu hồng, nữ nông dân 8X chuyển qua nuôi nhiều loại cá đặc sản quý hiếm trên sông Tiền - Ảnh 5.

Để thành công với mô hình nuôi cá đặc sản trên bè cá sông Tiền, chị Phụng cho biết, mật độ thả nuôi phải thưa, chị chỉ thả nuôi từ 100-200 con trên mỗi bè và không sử dụng kháng sinh. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong đó, có vài loại cá đặc sản, chị thả nuôi từ 18 - 20 tháng sẽ xuất bán nhưng cũng có loại cá nuôi hơn 2 năm mới bán được (cá trà sóc và cá hô; giá bán từ 150.000-300.000 đồng/kg), với nhiều trọng lượng khác nhau.

"Tôi đang xuất bán cá cóc đi An Giang, loại này tôi bán được với giá từ 110.000-120.000 đồng/kg, mỗi con nặng từ 1,3kg trở lên" - chị Phụng nói với báo Dân Việt.

Theo chị Phụng, gia đình chị có truyền thống nuôi cá 20 năm. Thời điểm hiện tại, việc nuôi cá đặc sản như cá hô, cá trà sóc, cá vồ cờ, mè hôi, cá cóc, cá trắm đen trên bè sông Tiền cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm. Tuy nguồn thu nhập này không cao so với việc nuôi công nghiệp, số lượng nhiều nhưng bền vững, ít cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem