Nuôi loài cá lạ mắt trong vuông tôm ở Bến Tre, gần 1ha mặt nước mà bắt lên 8,5 tấn, bán 40.000 đồng/kg

Thứ bảy, ngày 25/12/2021 13:07 PM (GMT+7)
Sau hơn 8 tháng nuôi, cá hồng mỹ thích nghi, phát triển nhanh và cho năng suất cao, có khả năng nhân rộng trên địa bàn các xã ven biển của tỉnh Bến Tre.
Bình luận 0

Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Sở NNPTNT Bến Tre và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá hồng mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp”. 

Sau hơn 8 tháng nuôi, cá hồng mỹ thích nghi, phát triển nhanh và cho năng suất cao, có khả năng nhân rộng trên địa bàn các xã ven biển của tỉnh.

Nuôi loài cá lạ mắt trong vuông tôm ở Bến Tre, gần 1ha mặt nước mà bắt lên 8,5 tấn, bán 40.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Thu hoạch cá hồng mỹ nuôi ở tỉnh Bến Tre.

Cá hồng mỹ thuộc họ cá đù, là đối tượng sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế cao, nuôi phù hợp trong các ao nuôi tôm đang bỏ trống do không nuôi được tôm sú, tôm thẻ chân trắng…

Từ tháng 10-2020, cán bộ, kỹ thuật Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam phối hợp với Phòng NNPTNT huyện Thạnh Phú và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy thực hiện mô hình thử nghiệm với mục tiêu nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thử nghiệm cá hồng mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong ao phù hợp với điều kiện tại tỉnh Bến Tre. 

Xây dựng mô hình nuôi cá hồng mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong ao nuôi tôm sú công nghiệp với diện tích 9.000m2, mỗi ao 3.000m2. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn (FCR) 2:0; kích cỡ thu hoạch: 0,8 - 1kg/con; năng suất: 6,3 tấn/9.000m2; tỷ lệ sống: 70%; thời gian nuôi: 11 tháng. Tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá hồng mỹ cho 100 hộ nông dân.

Để tiến hành nuôi cá hồng mỹ, cán bộ, kỹ thuật Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam và ông Võ Ngọc Bé - Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy cải tạo 3 ao đất, mỗi ao 3.000m2; xử lý ao nuôi bằng cách bón vôi, xử lý nước, gây màu và diệt cá tạp, ao nuôi phải đảm bảo các yếu tố cơ bản như sau: pH: 7,5 - 8,5; độ mặn: 5 - 25‰; NH3: < 0,1mg/L; H2S: < 0,03mg/L; độ kiềm: 80 - 150 mg/L; oxy hòa tan: > 4mg/L. Lắp đặt hệ thống thiết bị gồm hệ thống quạt, máy bơm nước. 

Sau đó, tiến hành thả cá giống khỏe mạnh, không bị dị hình, màu sắc tươi sáng và không trầy xước, không nhiễm bệnh. Cá có kích thước chiều dài thân từ 5 - 10cm; cá được thả với mật độ thử nghiệm khác nhau. Ao thứ nhất thả mật độ 1 con/m2; ao thứ 2 thả 1,5 con/m2 và ao thứ 3 thả 2 con/m2.

Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam hỗ trợ kỹ thuật sử dụng thức ăn, số lần cho ăn, khẩu phần cho ăn theo từng giai đoạn. Kỹ thuật quản lý môi trường nước, biện pháp phòng và trị bệnh cho cá hồng mỹ nuôi trong ao đất. 

Sau hơn 8 tháng nuôi, tiến hành thu hoạch, năng suất ước đạt 8,5 tấn, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 6,3 tấn. Hiện tại, giá cá tươi ở mức 90 - 100 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, người nuôi sẽ có lợi nhuận 40 ngàn đồng/kg.

Từ kết quả thử nghiệm của mô hình nuôi cá hồng mỹ, nhóm nghiên cứu đã đánh giá những yếu tố và các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh. 

Để nuôi cá hồng mỹ thành công, điều đầu tiên là bà con phải cải tạo ao thật tốt. Bên cạnh đó, chọn giống cá ở những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng. Cần sử dụng thức ăn có chất lượng cao vì hệ số thức ăn càng thấp sẽ làm giảm đáng kể ô nhiễm môi trường ao nuôi. 

Trong tháng đầu, số lần cho ăn 3 lần/ngày, nên bổ sung khoáng chất cho cá, cho cá ăn ở góc ao cuối gió. Nếu ao có nhiều xác tảo và rong, giảm lượng thức ăn cho cá. Khẩu phần cho cá ăn khoảng từ 6 - 8% khối lượng thân cá. 

Tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch, số lần cho ăn 2 lần/ngày, khẩu phần cho ăn 3 - 5% khối lượng thân cá, theo dõi cá ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Với sản phẩm cá khô một nắng đạt chứng nhận OCOP 4 sao, trong đó có cá hồng mỹ, ông Võ Ngọc Bé cho biết: Sắp tới, Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy sẽ hợp đồng với người nuôi cá tại địa phương và các xã lân cận bằng cách cung cấp con giống, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nuôi và thu mua cá cho bà con.

Đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá hồng mỹ trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp lần đầu tiên thực hiện tại tỉnh, thể hiện bước đột phá trong phong trào đa dạng hóa đối tượng nuôi mới.

Kết quả của đề tài là cơ sở để nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi thủy sản, biết tận dụng và phát huy có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước, ao hồ hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người nuôi thủy sản, xây dựng nghề nuôi thủy sản phát triển ổn định và bền vững.

Cao Đẳng (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem