Nuôi loại cá lăng đặc sản trên sông Găng ở Nghệ An, sau 11 tháng bắt lên toàn con to bự

Thứ tư, ngày 03/05/2023 13:16 PM (GMT+7)
Sau 11 tháng triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên sông Găng (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cá đạt được từ 1,6 - 1,8 kg/con...
Bình luận 0

Ngày 28/4, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Con Cuông (tỉnh Nghệ An) tổ chức hội thảo kết quả thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng.

Đầu năm 2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Con Cuông đã phối hợp với UBND xã Môn Sơn triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên trên sông Giăng tại bản Xiềng. 

Mô hình nuôi cá lăng được thực hiện với quy mô 4 lồng nuôi, mỗi lồng có diện tích 25m3; số lượng cá giống thả 1.100 con; mật độ thả 10 con/m3, trọng lượng 30 con/kg; có 2 hộ gia đình tham gia.

Nuôi loại cá lăng đặc sản trên sông Găng ở Nghệ An, sau 11 tháng bắt lên toàn con to bự - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lăng trên sông Găng được triển khai tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An với 2 hộ tham gia.

Để mô hình đạt hiệu quả đề ra, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Con Cuông đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương lựa chọn hộ và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ chuẩn bị lồng nuôi, thả giống, quản lý và chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá...

Các hộ tham gia mô hình nuôi cá lăng trên sông Găng ở Con Cuông được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học và 50% thức ăn hỗn hợp. Sau 11 tháng triển khai thực hiện, tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cá lăng đạt được từ 1,6 - 1,8 kg/con, tổng thu nhập đạt 51 triệu đồng/hộ; trung bình mỗi tháng nuôi cho thu nhập trên 4 triệu đồng/hộ.

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, sông Giăng là nơi có điều kiện khí hậu phù hợp và nguồn thức ăn dồi dào cho việc nuôi cá lăng. 

Mô hình nuôi cá lăng trong lồng đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây. Đây là mô hình triển vọng để phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái. Tạo thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, các ngành chức năng cần có nhiều chương trình hỗ trợ, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp nuôi trồng mới phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, giúp người nuôi vừa phát triển nguồn lợi thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo được yếu tố môi sinh, môi trường và tạo cảnh quan hấp dẫn là điểm đến tham quan du lịch trên sông Giăng Pha Lài.

Quang Huy (Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem