Nuôi con vật này người Nhật, Hàn Quốc rất mê, ở một nơi của Hậu Giang, nông dân khá giả hẳn lên

Hồ Hoàng Tích Thứ ba, ngày 05/09/2023 05:15 AM (GMT+7)
Theo thống kê ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, (tỉnh Hậu Giang), toàn huyện có hơn 800 hộ nuôi lươn không bùn, tập trung ở các xã và thị trấn, sản lượng đạt hơn 900 tấn/năm. Lươn là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao và rất được ưa chuộng tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Bình luận 0

 Lươn là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao và rất được ưa chuộng tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…nên được nhiều địa phương của huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình.

Theo thống kê ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, toàn huyện có hơn 800 hộ nuôi lươn không bùn, tập trung ở các xã và thị trấn, sản lượng đạt hơn 900 tấn/năm. 

Nuôi con vật này người Nhật, Hàn Quốc rất mê, ở một nơi của Hậu Giang, nông dân khá giả hẳn lên - Ảnh 1.

Nông dân huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đến tham quan một mô mô hình nuôi lươn không bùn.

Nuôi lươn không bùn chủ yếu trên bể xi măng, nuôi theo hình thức thâm canh, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên, nuôi lươn mật độ 450 – 500 con/m2. Mức đầu tư bình quân khoảng 120 – 130 triệu đồng/ 50m2/ năm, thu nhập bình quân 190 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm.

Nuôi lươn không bùn với vốn đầu tư không quá cao, nhất là tận dụng tối đa diện tích có sẵn, diện tích xung quanh nhà, kỹ thuật không quá phức tạp, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, phù hợp với nhiều đối tượng, hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất. 

Về thức ăn cho lươn cũng rất phổ biến, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp nên rất thuận tiện trong quản lý thức ăn. 

Đặc biệt, con lươn có giá trị kinh tế cao, giá bán tương đối ổn định. Từ những thuận lợi trên nghề nuôi lươn đã mở ra hướng đi mới, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Từ kết quả của mô hình nuôi lươn không bùn mang lại, cho thấy mô hình đã thật sự phát huy tiềm năng. Hiệu quả của mô hình sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi lươn thương phẩm nối riêng. 

Đây là bước đột phá để phát huy hết nội lực và tiềm năng thủy sản sẵn có, từng bước địa phương thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ vào mô hình nuôi lươn một cách có hiệu quả.

Nhằm phát triển mạnh mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn, từng bước ổn định về năng suất sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã tranh thủ các nguồn kinh phí để xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm. 

Đồng thời, Trạm hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi lươn không bùn để mạnh dạng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào mô hình nuôi lươn không bùn nhằm nâng cao thu nhập.

Bên cạnh thuận lợi về kỹ thuật nuôi lươn, công chăm sóc, thức ăn thì nghề nuôi lươn không bùn cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân khi thực hiện mô hình lươn không bùn là nguồn con giống, giá cả vật tư và thị trường tiêu thụ. 

Do thị trường đầu ra phụ thuộc rất lớn vào thị trường nên huyện cũng khuyến cáo bà con muốn phát triển mô hình này thì cần tham gia Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã để có thông tin rõ ràng, cũng như chất lượng và sản lượng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu đầu ra, tránh tình trạng nuôi nhỏ lẻ làm cho đầu ra gặp khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem