Tôm càng xanh ngờ đâu lại được nông dân Phú Thọ nuôi thành công, có nhà bắt bán thu cả tỷ đồng

Hoan Nguyễn - Mạnh Thuần Thứ bảy, ngày 17/12/2022 18:50 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Phú Thọ, mô hình nuôi tôm càng xanh đã giúp nhiều hộ dân ở các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba…vươn lên làm giàu, thậm chí có hộ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Cứ tưởng con tôm càng xanh chỉ nuôi được ở miền Nam, ai ngờ nuôi thành công ở Phú Thọ.
Bình luận 0

Lợi nhuận cao từ nuôi tôm càng xanh

Trong những năm gần đây, các hộ nuôi thủy sản xã Văn Khúc (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã mạnh dạn chuyển đổi nuôi các loại cá thông thường sang nuôi tôm càng xanh.

Trước những năm 2000, gia đình ông Nguyễn Văn Được (xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) chưa biết bắt đầu phát triển kinh tế nông hộ từ đâu khi mà vùng đất trũng, diện tích cấy lúa ít, năng suất lại thấp. Do đó, đời sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Nhà nông Phú Thọ bỏ túi tỉ đồng từ nuôi tôm càng xanh - Ảnh 1.

Mỗi lứa thu hoạch tôm càng xanh, gia đình ông Nguyễn Văn Được, xã Văn Khúc (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thu lãi gần nửa tỷ. Ảnh: Thùy Trang.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Được quyết tâm chuyển đổi gần 3 sào trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Ban đầu, ông nuôi các loại cá truyền thống, dễ nuôi như cá mè, trôi, trắm, chép. Tuy nhiên giá cả bấp bênh, chủ yếu là thương lái quyết định, dẫn đến lợi nhuận không cao.

Đầu năm 2003, ông Được đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích nuôi cá sang nuôi tôm càng xanh. Nhưng chỉ thả được gần 20 ngày, tôm đã bị chết đồng loạt. Lúc này, ông Được thiệt hại kinh tế gần 30 triệu đồng.

"Sau một vài lần thất bại, tôi rút ra kinh nghiệm là phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm càng xanh mới thành công. Đòn bẩy vào năm 2005, gia đình tôi được Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ hỗ trợ về giống, kỹ thuật… trong nuôi tôm càng xanh. Kể từ đó đến nay, vụ nuôi tôm càng xanh nào gia đình tôi cũng có lãi" - ông Được nói.

Hiện, diện tích nuôi tôm càng xanh của gia đình ông lên đến 1,6ha. Theo ông Được, để có một vụ tôm thắng lợi phụ thuộc rất nhiều yếu tố như môi trường, thời tiết, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, con giống… Yếu tố quyết định đó là phải có con giống chất lượng tốt, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình nuôi tôm.

Ông Được chia sẻ, thức ăn của tôm càng xanh có nhiều loại. Để giảm chi phí đầu vào, ông đã tận dụng những thức ăn sẵn có của gia đình như cám gạo, cá mè xay nhỏ trộn với cám gạo để bổ sung dinh dưỡng, giúp tôm càng xanh mau lớn và có sức đề kháng tốt.

"Trên diện tích 1,6ha nuôi tôm càng xanh, mỗi vụ thu hoạch 4-5 tấn tôm thương phẩm, với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, thu lãi trên 400 triệu đồng. Có năm, từ nuôi tôm càng xanh gia đình tôi bỏ túi cả tỉ đồng" - ông Được phấn khởi kể.

Nhà nông Phú Thọ bỏ túi tỉ đồng từ nuôi tôm càng xanh - Ảnh 2.

Xã Văn Khúc là “địa chỉ đỏ” cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi mô hình nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Thùy Trang

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, so với trồng lúa cũng như nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống khác, nuôi tôm càng xanh hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 2-3 lần. Không những thế, tôm càng xanh còn có thể nuôi luân canh, xen canh với cây lúa hoặc nuôi chuyên canh đều cho kết quả tốt.

Xây dựng nhãn hiệu tôm càng xanh Văn Khúc

Để thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh, người dân xã Văn Khúc đã liên kết thành lập Chi hội thủy sản, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản phẩm sinh học, cải tạo ao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản xuất.

Năm 2022, toàn xã Văn Khúc đã mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 50ha, tổng sản lượng tôm càng xanh ước đạt từ 45-50 tấn, giá bán từ 250-300.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, thậm chí tôm loại 1 có giá lên đến 500.000 đồng/kg.

Nhà nông Phú Thọ bỏ túi tỉ đồng từ nuôi tôm càng xanh - Ảnh 3.

Tôm càng xanh Văn Khúc giá bán khoảng 300.000/kg tùy theo kích cỡ. Ảnh: HN

Việc nuôi tôm càng xanh đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, có nhiều hộ trở nên khá giả, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Để tôm càng xanh Văn Khúc có thương hiệu và phát triển bền vững, người nuôi trồng thủy sản ở xã mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị, con giống và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản đồng bộ khép kín, gồm đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi nội đồng... để người dân yên tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, khó khăn lớn nhất đối với nghề nuôi tôm càng xanh là yếu tố con giống và kỹ thuật. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn tới những vùng nuôi tôm trọng điểm của địa phương như huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba…, để hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật: Cải tạo ao nuôi, lựa chọn con giống, chăm sóc và quản lý áp dụng quy trình nuôi.

Đồng thời, tăng cường liên kết, liên doanh với các đối tác tiêu thụ nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm càng xanh. Hướng dẫn bà con tập trung nuôi trồng theo hướng an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể để tôm càng xanh Văn Khúc ngày càng vươn xa ra thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem