Ở Nghệ An có ngôi làng mang tên làng Đỏ, ngôi làng này có gì đặc biệt mà nổi tiếng khắp trong, ngoài tỉnh?

Cảnh Thắng Thứ ba, ngày 15/03/2022 16:40 PM (GMT+7)
Xã Yên Dũng Thượng xưa, nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) được vinh dự gọi tên Làng Đỏ bởi nơi đây có truyền thống cách mạng yêu nước. Những tổ chức quần chúng “đỏ” như Nông hội đỏ, Xích vệ đỏ, Phụ nữ cứu quốc, hội ái hữu, hội tương tế... đều bắt nguồn ở nơi này.
Bình luận 0

Có một Làng Đỏ anh hùng

Xã Yên Dũng Thượng trong những năm 1930 được Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm căn cứ hoạt động gây dựng phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình liên tục chống áp bức bóc lột, đòi giảm sưu, giảm thuế, cấp ruộng đất công.

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 2.

Di tích lịch sử Dăm Mu Nuôi xưa là nơi chứng kiến nhiều trận đánh quân xâm lược của dân quân Làng Đỏ anh hùng. Ảnh: Cảnh Thắng

Tiêu biểu là cuộc biểu tình 1/5/1930, hàng ngàn người dân Yên Dũng Thượng tập trung xuống đường hòa vào dòng người đông đảo từ các ngả kéo vào thành phố Vinh phản đối sưu cao, thuế nặng. 

Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn, cán bộ Công hội đỏ làng Yên Dũng Thượng là người đầu tiên xông lên cướp súng trường từ tay tên giám binh Pơ-ti đập xuống đường gãy nát khi hắn dùng súng hành hung, áp bức người dân.

Dù bị đàn áp dã man nhưng với sự chỉ đạo của Thành ủy Vinh, chi bộ Đảng và tổ chức Nông hội đỏ Yên Dũng Thượng đã cùng các tổ chức khác, tiếp tục chỉ huy quần chúng nhân dân, phối hợp với công nhân các nhà máy Vinh - Bến Thủy tổ chức biểu tình, phát động phong trào đấu tranh đòi tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho nông dân.

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 3.

Phần mộ của các cán bộ đảng viên và những người có công với nước ở Làng Đỏ được chăm sóc tại vùng đất Dăm Mu Nuôi. Ảnh: Cảnh Thắng

Tháng 8/1930, Yên Dũng Thượng được Xứ ủy Trung Kỳ lựa chọn làm địa điểm đặt cơ quan, để từ đó chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng. Tháng 9/1930, cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn nông dân và công nhân Nhà máy Diêm tham gia đã diễn ra tại Đình Trung. 

 Sau cuộc đấu tranh, Chi bộ Đảng Yên Dũng Thượng và tổ chức Nông hội đỏ đã lãnh đạo nhân dân cử ra đại biểu để quản lý mọi công việc trong toàn xã. "Xô Viết nông dân" được thành lập và cái tên "Làng Đỏ" chính thức ra đời.

Trường kỳ kháng chiến chống Mỹ

Trong cuộc Cách mạng tháng 8 và 9 năm kháng chiến chống Mỹ, xã Yên Dũng Thượng luôn xứng đáng với tên gọi vẻ vang đó. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, truyền thống Làng Đỏ càng được khơi dậy mạnh mẽ và tiếp tục kế thừa phát huy.

Yên Dũng Thượng ngày ấy có một vị trí vô cùng chiến lược, gần cảng Bến Thủy; phà Bến Thủy; kho xăng lớn; nhà máy ép dầu thực vật; nơi có cơ quan đầu não của tỉnh, của thành phố; là nơi tập kết trú quân của nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trên đường vào chi viện cho chiến trường miền Nam, cho nên Yên Dũng Thượng là trọng điểm đánh phá số một.

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 4.

Đình Trung nơi họp bàn những quyết sách quan trọng của Xứ ủy Trung Kỳ nhằm tổ chức biểu tình, phát động phong trào đấu tranh đòi tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho công nhân và nông dân thị xã Vinh những năm 1930-1931. Ảnh: Cảnh Thắng

Yên Dũng Thượng ngày đó ngoài động viên hàng trăm con em lên đường nhập ngũ còn tích cực lao động sản xuất, đóng góp tiền của, lương thực nuôi quân; Chi bộ Đảng ở đây lên đến hàng trăm người (chưa tính số đảng viên quân đội và các cơ quan Đảng, Nhà nước); còn phụ nữ vừa ở nhà xây dựng hậu phương vững chắc, vừa chiến đấu.

Ngày 1/9/1967, dân quân Làng Đỏ phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi máy bay Mỹ; Ngày 25/7/1968 bắn rơi một chiếc F4 H, bắt sống giặc lái; đêm 6/9/1968 cùng dân quân Hưng Thủy (nay là phường Bến Thủy-PV) vượt sông Lam bắt tên trung tá lái máy bay nhảy dù ngoài bãi soi.

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 5.

Tấm bia đá ghi lại nhiều mốc son lịch sử của quân dân Làng Đỏ anh hùng trong các cuộc cách mạng bảo vệ tổ quốc. Ảnh: Cảnh Thắng

Tính cho đến kết thúc chiến tranh, dân quân và nhân dân Hưng Dũng đã giúp đỡ hàng chục nghìn lượt các đơn vị bộ đội, xe cơ giới tạm trú trong nhà để chờ thời điểm thuận lợi vượt qua phà Bến Thủy chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Xây đắp trên 30 trận địa chiến đấu của bộ đội cao xạ, tên lửa và trận địa trực chiến; đào hơn 3km giao thông hào nối liền các xóm, 270 hầm cất giấu xe pháo, vũ khí đạn dược cho bộ đội. 

Ngày 1/9/1967, dân quân Hưng Dũng trực chiến đã bắn rơi máy bay đầu tiên của Mỹ trên bầu trời thành phố Vinh.

Làng Đỏ anh hùng ngày nay

Chúng tôi vào thăm Đình Trung nơi họp bàn quyết định những chủ trương, quyết sách quan trọng của Xứ ủy Trung Kỳ; nơi ghi dấu bao sự kiện lịch sử của Làng Đỏ anh hùng mà không khỏi xúc động; ra thăm Dăm Mụ Nuôi, cái tên dân dã mà nổi tiếng cả tỉnh, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 6.

Khẩu pháo 12 ly 7 là chứng tích lịch sử của quân dân Làng Đỏ bắn máy bay Mỹ cứu nước. Ảnh: Cảnh Thắng

Dăm Mụ Nuôi cũng chính là nơi thành lập Chi bộ Đảng Hưng Dũng, một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng lúc bấy giờ. 

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 7.

Một góc thờ tự tại Đình Trung, Làng Đỏ anh hùng. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong lớp lớp người Làng Đỏ, Yên Dũng Thượng, Hưng Dũng tham gia Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có gần 270 người hy sinh vì tổ quốc; có 5 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 

Với những đóng góp đó, năm 1969, dân quân Hưng Dũng từng được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; phường Hưng Dũng đã được Chủ tịch nước nhiều lần tặng thưởng Huân chương Quân công, Chiến công và Bằng khen các loại.

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 8.

Đình Trung di tích lịch sử cách mạng. Ảnh: Cảnh Thắng

Phường Hưng Dũng ngày nay có diện tích tự nhiên gần 6 km2, hơn 1,8 vạn nhân khẩu. Trong đó có trên 80% là "dân gốc" và chừng 3% là dân nông nghiệp. 

Hưng Dũng là phường duy nhất ở Nghệ An có toàn bộ di tích lịch sử làng Đỏ. Sau năm 1994, khi quy hoạch đô thị bắt đầu hình thành các con đường liên phường được mở rộng, kinh tế - văn hóa – xã hội phát triển. 

Xứng danh Làng Đỏ anh hùng một thời máu lửa   - Ảnh 9.

Một góc phường Hưng Dũng (Làng Đỏ anh hùng) ngày nay. Ảnh: Cảnh Thắng

Phường Hưng Dũng có hơn 50 công trình lớn nhỏ nhằm phục vụ phát triển kinh tế, phúc lợi công cộng, tôn tạo di tích lịch sử... Có 6 trường học, 3 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở; trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia... 

Có đến 100% đường liên khối được bê tông hay nhựa hoá, 100% số hộ dân sử dụng nước sạch (98% sử dụng nước máy), số hộ nghèo theo tiêu chí mới còn chưa đầy 0,13%. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem